Cuộc hội ngộ của 'thép và vải'

'Thép và Vải', lạ mà quen, một cuộc hội ngộ ngẫu hứng đầy cảm xúc của hai người phụ nữ yêu nghệ thuật bằng cả cuộc đời và cũng là cuộc hội ngộ của hai chất liệu, một thật đanh chắc, một thật mềm mại trong cùng một không gian đầy sự sẻ chia và nữ tính.

1."Thép và vải" là cuộc triển lãm của nhà điêu khắc Lê Thị Hiền và họa sĩ Trần Thanh Thục diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Đây là cuộc triển lãm của hai nữ nghệ sĩ khá nổi tiếng trong mỹ thuật Việt Nam đương đại. Tên triển lãm cũng là thể loại chất liệu đặc trưng, sở trường của hai nghệ sĩ. Với gần 40 tác phẩm gồm 6 tác phẩm điêu khắc Thép của Lê Thị Hiền và hơn 30 tác phẩm tranh Vải của Trần Thanh Thục đã tạo nên một cuộc đối thoại đầy ngẫu hứng giữa hai chất liệu, hai tâm hồn đa cảm của hai người đàn bà làm nghệ thuật.

Sinh năm 1957, nhà điêu khắc Lê Thị Hiền được xem là một trong những tác giả nữ thuộc thế hệ thứ nhất của giai đoạn mỹ thuật Việt Nam thời đổi mới. Bà là cựu giảng viên khoa Điêu khắc trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và cũng là người góp phần đào tạo những thế hệ các nhà điêu khắc trẻ năng động hiện nay. Chất liệu sở trường của Lê Thị Hiền là đá và thép.

Họa sĩ Thanh Thục.

Họa sĩ Thanh Thục.

Trong nhiều năm theo đuổi khuynh hướng điêu khắc tối giản, chị ưa thích chú trọng đến khối, nét và sự chuyển động. Các tiết diện vuông, tam giác được xem như một biểu tượng đa diện trong các thể hiện điêu khắc của Lê Thị Hiền ít nhiều liên tưởng đến bản nguyên con người và tính nữ.

Các cuộc triển lãm gần đây của chị, bên cạnh việc tạo hình các điêu khắc theo lối tư duy tối giản, chị thường hướng đến sự tương tác, thay đổi cách thức sắp đặt các tác phẩm trong các vị thế khác nhau. Cùng với đó là sự thay đổi của ánh sáng để tạo nên những hiệu ứng đa chiều cho tác phẩm. Màu hồng sen cũng là màu chị ưa thích thể hiện với những tác phẩm chất liệu thép khoảng 10 năm trở lại đây.

Với chị sắc hồng này không chỉ là điểm nhấn, mà nó còn là tín hiệu đơn mà đa sắc cho sự biểu cảm đầy nữ tính. Nó làm cho thép trở nên quyến rũ, uyển chuyển mà cũng rất tự nhiên trong những không gian sắp đặt khác nhau.

Nhà điêu khắc Lê Thị Hiền chia sẻ: "Ở các tác phẩm điêu khắc hiện đại, tính kỹ thuật và khoa học là rất quan trọng. Ví dụ như hàn hay bẻ một nét gập với thép là vô cùng khó, phải tính toán rất cẩn thận để khi nét gập đó kết thúc nét gấp phải tạo ra sự vững cho khối. Nếu ta tính sai một li thì tác phẩm sẽ dễ bị vặn hoặc méo. Đấy là điều không được phép với các điêu khắc thép tấm mỏng.

Bên cạnh đó, với các tác phẩm điêu khắc tôi thích tạo ra sự mở rộng về không gian và khối tích bằng các hiệu ứng thị giác ảo của kỹ thuật hội họa và khả năng sử dụng nguồn ánh sáng nhân tạo/tự nhiên cho các vị trí "khối đặc/hữu hình" và "khối rỗng/vô hình".

Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân chia sẻ: "Tất nhiên là mềm mại, tất nhiên là âu yếm, đàn bà là thế. Những người đấu tranh cho nữ quyền và tính nữ trong nghệ thuật lại vô tình đánh giá thấp họ so với nam giới quá. Tôi mong muốn sông Hương ở Huế đến mùa Phật đản có thể đặt hàng chị Hiền làm những bông hoa sen bằng thép này rải xuống dọc bờ sông Hương, nó hoàn toàn không mang tính minh họa mà tạo ra một không gian đương đại rõ ràng. Cách xử lý sắt thép của chị Hiền rất chừng mực, không mô phỏng bông hoa hay người phụ nữ mà mang tính trừu tượng. Chị Hiền là người triệt để đưa nghệ thuật trừu tượng, nghệ thuật hiện đại vào trong điêu khắc và đưa vào chương trình đào tạo ở trường. Ngôn ngữ hiện đại của chị được đưa vào kết hợp với nghệ thuật đương đại, mở ra không gian mới cho điêu khắc".

Còn nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền chia sẻ: "Có lẽ điều làm tôi cảm thấy thú vị nhất với những tác phẩm của chị chính là tính tự do trong tư duy về những chuyển động thay đổi. Điêu khắc là khối, là không gian nhưng với chị điêu khắc lại không tĩnh, không đứng im, mà nó vận hành theo nhịp điệu của cảm xúc. Mỗi modun chị tạo ra vừa có thể đứng đơn lẻ như điêu khắc tự thân vốn có, nhưng cũng thể ghép lại thành một tổ hợp mà ở đó tính nối tiếp dường như liên tục.

Không hiểu sao, mỗi lần ngắm nhìn các tác phẩm của chị, tôi lại như nghe được tự vấn của bậc thầy hội họa Mondrian: "Liệu đường thẳng có nên dừng lại?" và mường tượng ra rằng chị sẽ đặt một câu hỏi tương tự trong quá trình làm tác phẩm như "liệu đường gãy góc có nên tiếp tục?".

Tác phẩm “Ban mai” của họa sĩ Trần Thanh Thục và tác phẩm “Cổng và gió” của nhà điêu khắc Lê Thị Hiền.

Tác phẩm “Ban mai” của họa sĩ Trần Thanh Thục và tác phẩm “Cổng và gió” của nhà điêu khắc Lê Thị Hiền.

Tôi cũng hình dung ra cách người đàn bà kiệm lời trong những tác phẩm điêu khắc này, hí hoáy với những trò chơi gập bẻ những tấm bìa phác thảo để sau đó tái hiện lại lên thép. Đó là lúc cảm xúc vượt lên ranh giới của lý trí, cái thực và cái trừu tượng như hòa vào với nhau".

2.Đối lập với chất liệu thép, vải mỏng manh và mềm mại. Họa sĩ Trần Thanh Thục mang đến cho công chúng một thế giới sống động, đẹp đẽ và nên thơ từ chính chất liệu vải. Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ, chị quệt màu lên vải. Nhưng những cây đa, bến nước, sân đình, hoa sen, hay cả những vạt nắng đều được ghép từ các mảnh vải.

Họa sĩ Thanh Thục được ghi nhận là một nữ tác giả độc sáng với chất liệu tranh vải. Trong số ít ỏi các nữ họa sĩ dùng vải làm chất liệu thì chị là người có một phong cách riêng hoàn toàn. Không chỉ tận dụng màu của vải để tạo hình mà chị còn sử dụng một cách rất khéo léo và tinh tế những chi tiết, họa tiết được in sẵn bằng màu công nghiệp trên những thước vải với những chủng loại khác nhau để sáng tác.

Đề tài yêu thích của nữ họa sĩ là phong cảnh và tĩnh vật với một biên độ rộng mở và đa diện. Ta có thể bắt gặp trên tranh chị những khoảng khắc tươi đẹp của đất nước và con người Việt Nam từ thành thị đến nông thôn, hải đảo đến miền núi, những nơi chốn chị từng đặt chân đến. Nhưng có lẽ tình yêu lớn nhất của nữ họa sĩ tranh vải này vẫn là dành cho Hà Nội. Những góc phố cũ kỹ rêu phong hiện lên trong tranh chị dường như đầy nồng nàn.

Kỹ càng trong từng nét cắt, cẩn trọng trong cách bồi dán các mép vải, nhưng đồng thời trên những tác phẩm của chị ta vẫn thấy được sự ngẫu hứng của cảm xúc hiển hiện ra như tâm hồn đa cảm của người đàn bà làm nghệ thuật. Hơn 30 tác phẩm của chị được trưng bày trong cuộc triển lãm lần này cũng là những sáng tác mới nhất trong hai năm trở lại đây.

Chị nói, chị đã dành hơn 30 năm để tìm hiểu và say mê với chất liệu vải. "Cách đây hơn 30 năm, nhặt những mảnh vải trong tiệm may của cô bạn và ghép bức tranh đầu tiên, tôi không nghĩ là nó lại đi theo mình lâu thế. Mỗi tác phẩm là một sự kỳ công. Ví dụ để tạo nền trời trong những bức tranh, khi bạn bóc ra sẽ không dưới 4 lớp, mỗi lớp mỏng nhẹ tôi làm chỉ lấy được một chi tiết, sau đó dùng 1 lớp khác che đi chi tiết mình không cần.

Một bức tranh miêu tả trưa nắng phải lót một lớp thật vàng, sau đó đặt vật thể mình muốn diễn dạt, ngôi nhà, dòng sông, bờ giếng vào đó. Khi tạo hình dưới những mảnh vải nhỏng nhẽo ấy, tôi chỉ có 1 phút để định hình bởi keo đã khô thì không di chuyển được nữa".

Với họa sĩ Nguyễn Thanh Thục, hạnh phúc của chị là được vẽ về những vẻ đẹp đầy cuốn hút và bí ẩn của Việt Nam. Từ những trường cảnh, với những đỉnh núi uy dũng dang rộng che chở bản làng bình yên đến những dãy phố cổ hun hút dài, chứa đựng trong mình cả những câu chuyện về đời sống phố thị luôn làm chị xúc động. Vì thế, tranh vải của chị mang lại cảm giác bình yên, gần gụi cho người xem.

Nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền nói: "Thép và Vải" của nhà điêu khắc Lê Thị Hiền và họa sĩ Trần Thanh Thục tưởng chừng như ngẫu hứng mà lại như thể nhân duyên không hẹn mà gặp, không định mà nên để hai người đàn bà đầy đam mê này hội ngộ. Quyết liệt mà nữ tính, cầu toàn mà lại vô cùng phóng khoáng đã kết họ lại với nhau trong cuộc trò chuyện đầy sự sẻ chia".

Linh Nguyễn

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/cuoc-hoi-ngo-cua-thep-va-vai-597599/