Cuộc hội ngộ giữa hai thế hệ

Các tướng lĩnh quân đội từng trải qua những năm tháng chiến đấu khốc liệt trên chiến trường chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu, góp phần giáo dục truyền thống và tiếp thêm ngọn lửa cách mạng cho thế hệ nối tiếp.

Ngày 10/11, tại Sư đoàn 5, tỉnh Tây Ninh, Ban LLTT Sư đoàn 5 tại TP.HCM phối hợp tổ chức chương trình giao lưu truyền thống, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện nhân kỷ niệm 58 năm Ngày truyền thống Sư đoàn (23/11/1965 - 23/11/2023).

Chương trình giao lưu truyền thống được tổ chức tại Sư đoàn 5 và trực tuyến qua điểm cầu Trung đoàn 4, Trung đoàn 5, Trung đoàn 271.

Chương trình giao lưu truyền thống tại Sư đoàn 5, Tây Ninh.

Chương trình giao lưu truyền thống tại Sư đoàn 5, Tây Ninh.

Tham dự giao lưu có nhiều tướng lĩnh quân đội, đại diện các đơn vị trực thuộc Sư đoàn 5 cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn.

Đây được xem là cuộc hội ngộ giữa hai thế hệ, đó là những đồng chí trưởng thành từ Sư đoàn, trải qua những năm tháng chiến đấu khốc liệt, trở thành cán bộ Trung đoàn, Sư đoàn, Quân khu và trở thành tướng lĩnh được Đảng, Quân đội giao trọng trách lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị chiến lược trực thuộc Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng với thế hệ cán bộ, chiến sĩ trẻ của Sư đoàn, là những người đang thực hiện sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc trong thời bình.

Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển - Ủy viên Thường trực Ban LLTT Sư đoàn 5 tại TP.HCM, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM nhấn mạnh, mục đích chính của buổi giao lưu là thông qua câu chuyện giữa những CCB đã từng sống, chiến đấu, học tập và làm việc tại Sư đoàn qua các thời kỳ với cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng tại chức để ôn lại lịch sử vẻ vang của Sư đoàn, giáo dục truyền thống và tiếp thêm ngọn lửa cách mạng cho thế hệ nối tiếp.

Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển - Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM phát biểu khai mạc chương trình.

Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển - Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM phát biểu khai mạc chương trình.

“Buổi giao lưu có chủ đề rất bổ ích và thiết thực cho việc xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, nâng cao sức chiến đấu của các đơn vị hiện nay”, Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển nói.

Chương trình giao lưu không chỉ tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn về lịch sử hào hùng của Sư đoàn gần 58 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành; tỏ lòng tri ân những cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cán bộ Sư đoàn 5 đặt câu hỏi giao lưu với các tướng lĩnh quân đội.

Cán bộ Sư đoàn 5 đặt câu hỏi giao lưu với các tướng lĩnh quân đội.

Qua đó, tạo sự gắn kết chặt chẽ, đầm ấm hơn nữa giữa Ban LLTT với Sư đoàn; khơi dậy niềm vinh dự, tự hào về truyền thống oanh liệt, khí chất anh hùng; cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sỹ tiếp tục phát huy thành quả cách mạng của thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu, ra sức học tập, rèn luyện; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường; khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng Đảng bộ Sư đoàn “Trong sạch vững mạnh”, Sư đoàn vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.

Cán bộ, chiến sĩ tham gia chương trình giao lưu.

Cán bộ, chiến sĩ tham gia chương trình giao lưu.

Thay mặt Sư đoàn, Đại tá Nguyễn Hải Nam - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 gửi lời cảm ơn đến Ban LLTT Sư đoàn 5 cùng các đại biểu đã về dự chương trình giao lưu.

Đại tá Nguyễn Hải Nam nhấn mạnh, những kinh nghiệm quý giá của Thủ trưởng trong quá trình chiến đấu, lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn trong những năm tháng khó khăn, ác liệt là nguồn tư liệu vô cùng quý giá.

"Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 xin tiếp thu, lĩnh hội những kiến thức để vận dụng vào quá trình học tập, sinh hoạt, công tác, rèn luyện và xin hứa sẽ đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu hết mình để đáp lại những tình cảm, sự quan tâm của Thủ trưởng; xứng đáng là những người con ưu tú của mảnh đất “Miền Đông gian lao mà anh dũng” và truyền thống đơn vị hai lần Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân", Đại tá Nguyễn Hải Nam bày tỏ.

Trung tướng Lưu Phước Lượng.

Trung tướng Lưu Phước Lượng.

Khái quát về 5 vị tướng tài ba

1. Trung tướng Lưu Phước Lượng – Trưởng Ban LLTT Sư đoàn 5 tại TP.HCM, nguyên Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Sư đoàn trưởng Chính trị Sư đoàn 5.

Ông có tên gọi thân thương là anh Năm Lượng. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở tỉnh Bình Dương, cả gia đình ông đều tham gia kháng chiến. Năm 1965, ông vào chiến khu, trực tiếp làm chiến sĩ thông tin phục vụ chiến đấu, sau đó tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968.

Nếu ai đã từng đọc tập hồi ức “Dấu ấn cuộc đời” của Trung tướng Lưu Phước Lượng sẽ hiểu rõ cuộc chiến đấu khốc liệt lúc bấy giờ. Ông về công tác tại Sư đoàn gần 10 năm, trải qua nhiều cương vị công tác. Thông qua câu chuyện của ông, lãnh đạo, chỉ huy, quản lý đơn vị sẽ hiểu hơn về nhiệm vụ trong giai đoạn chuyển giao nhiệm vụ, thay đổi địa bàn.

Trung tướng Triệu Xuân Hòa.

Trung tướng Triệu Xuân Hòa.

2. Trung tướng Triệu Xuân Hòa – AHLLVTND, Phó Trưởng Ban LLTT Sư đoàn 5 tại TP.HCM, nguyên Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên, nguyên Tư lệnh Quân khu 7, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5.

Ông trưởng thành từ chiến sĩ trinh sát, quân báo. Thời trẻ, ông được giao nhiệm vụ đặc biệt khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam vừa nổ ra. Sau này làm Trung đoàn trưởng rồi Sư đoàn trưởng lên tới chức Tư lệnh Quân khu.

Trung tướng Ba Hòa là một trong những cán bộ chủ trì sư đoàn trong thời khắc khó khăn nhất. Thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn có thể học hỏi vị trung tướng này về bí quyết nào để chỉ huy, quản lý bộ đội; xây dựng đơn vị vượt qua khó khăn từ nhiều phía.

Trung tướng Lê Thái Bê.

Trung tướng Lê Thái Bê.

3. Trung tướng Lê Thái Bê – AHLLVTND, Phó Trưởng Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 5 tại TP.HCM, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 2, nguyên phó Sư đoàn trưởng Chính trị Sư đoàn 5.

Ông từng giữ trọng trách trong công tác Đảng, công tác chính trị của Sư đoàn, quân đoàn và trường sĩ quan lục quân 2. Chúng ta có thể giao lưu tìm hiểu về công tác tư tưởng, chính trị, công việc quản lý “phần hồn” của con người này.

Trung tướng Trần Xuân Ninh.

Trung tướng Trần Xuân Ninh.

4. Trung tướng Trần Xuân Ninh – Nguyên Giám đốc Học viện Lục quân, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5.

Ông về công tác tại Sư đoàn 5 năm 1977 với cương vị Trung đội trưởng. Liên tục công tác và chiến đấu tại Sư đoàn mấy chục năm, trở thành Trung đoàn trưởng, Sư đoàn trưởng và Giám đốc Học viện lục quân. Chúng ta có thể học vị tướng này về kinh nghiệm rèn binh, luyện cán để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Trung tướng Từ Ngọc Lương.

Trung tướng Từ Ngọc Lương.

5. Trung tướng Từ Ngọc Lương – Phó Trưởng Ban LLTT Sư đoàn 5 tại TP.HCM, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục Quân 2, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5.

Ông trưởng thành từ cán bộ phân đội, trợ lý cơ quan đến chỉ huy Trung đoàn, Sư đoàn trưởng, ông có nhiều kỷ niệm một thời quản lý, chỉ huy đơn vị; trong đó tầm nhìn và tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn, nhất là chỉ huy cấp phân đội có thể “tầm sư học đạo” ở vị tướng – giáo sư này về những câu chuyện gần gũi, thiết thực và bổ ích.

Trải qua 58 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển, Sư đoàn 5 vinh dự được Đảng, Nhà nước hai lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/cuoc-hoi-ngo-giua-hai-the-he-405028.html