Cuộc hôn nhân giữa nhà đầu tư và startup
'Chọn nhà đầu tư giống như chọn bạn đời' - Mối quan hệ phức tạp giữa nhà đầu tư và startup đòi hỏi cả lý trí và tình cảm, không phải tự nhiên người ta ví von rằng mối quan hệ này giống như mối quan hệ hôn nhân bởi nó cần được xây dựng trên nền tảng của niềm tin và sự trung thực.
Theo thống kê tại Việt Nam, có hơn 80% startup không thể duy trì quá 2 năm và chỉ 3% là có các thành công trong thực tế. Mặc dù đã có nhiều lý giải từ phía các chuyên gia, tuy nhiên, đây vẫn luôn là "chủ đề nóng" được cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam quan tâm.
Chia sẻ về vấn đề này, nhà đầu tư Lâm Trần - một trong những thành viên sáng lập "Nhóm mua" cho hay, cơ sở pháp lý giữa nhà đầu tư và startup ảnh hưởng rất nhiều đến thành công của mô hình kinh doanh.
Thời điểm năm 2015, Nhóm mua đã gọi được 60 triệu USD. Nhà đầu tư này mỗi tháng chỉ cả trăm ngàn USD cho quảng cáo, truyền thông. Thế nhưng, gọi được nhiều tiền nhưng nhà sáng lập cũng mất hết quyền điều hành.
"Nhà đầu tư bỏ vốn đã lấy 100% quyền điều hành, để rồi mâu thuẫn nội bộ xảy ra khiến Nhóm mua ngày càng đi xuống. Sau đó chúng tôi thành lập WisePass là ứng dụng ẩm thực, phong cách sống kết nối du lịch, chúng tôi không dám gọi vốn lớn nữa. Khi dự án thành công, nhóm WisePass mới gọi được nửa triệu USD từ Singapore, và chúng tôi vẫn giữ được quyền điều hành", ông Lâm Trần chia sẻ.
Nhìn dưới góc độ nhà đầu tư, việc đầu tư vào các dự án của startup cũng gặp không ít rủi ro. Đây là lĩnh vực đâu tư mạo hiểm. Một nhà đầu tư có thể đầu tư 10 dự án nhưng chỉ có một dự án thành công.
Theo bà Thạch Lê Anh, nhà sáng lập Việt Nam Sillicon Valley, để chắp cánh giấc mơ cho các startup rất cần một thị trường vốn hoàn chỉnh. Để tạo lập thị trường này, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cần một khung pháp lý đảm bảo cho các quỹ và nhà đầu tư.
"Ở đây chúng ta cần một Luật Đầu tư mạo hiểm đầy đủ. Khi có luật này, ngay Nhà nước cũng có thể đầu tư mạo hiểm thông qua những quỹ đầu tư nhà nước, không lo có làm thất thoát tiền của nhà nước hay không. Những nguồn vốn hiện tại từ ngân sách phần lớn là dành cho nghiên cứu với các thủ tục giấy tờ rất rườm rà", nhà sáng lập Việt Nam Sillicon Valley nói.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, đầu tư vào startup là đầu tư vào con người. Khi startup không thể thành công, trong khi tiền đầu tư đã tiêu rồi, các startup còn có thể bị xem là lừa đảo. Nếu có luật về đầu tư mạo hiểm, có quy định, tiến trình, có tiêu chí cụ thể và nhà đầu tư chịu trách nhiệm về quyết định của mình sẽ dễ dàng huy động vốn hơn.
"Các thị trường vốn vay thông thường không dành cho các startup vì họ chưa chứng minh được khả năng sinh lời, nên không thể huy động vốn, đặc biệt là từ ngân hàng thương mại. Còn với nguồn vốn đầu tư mạo hiểm thì nhà đầu tư có trách nhiệm với đồng tiền của mình, không có chuyện sau này khi không thành công lại đi kiện lại startup. Do đó, hiện startup chỉ còn biết trông chờ vào nguồn vốn này", bà Lê Anh chia sẻ.
Có thể thấy, vai trò của các nhà đầu tư trong hệ sinh thái khởi nghiệp rất quan trọng. Khởi nghiệp không thể tách khỏi hệ sinh thái, đó là tổng hòa của các yếu tố như chính sách, sự hỗ trợ, thị trường... Bất kỳ startup nào cũng thật sự cần có vai trò của nhà đầu tư, nhà cố vấn, nhà khoa học.
Tuy nhiên, các yếu tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp được đánh giá là chưa kết nối chặt chẽ, chưa phát triển lành mạnh khi mà các startup còn nghi ngại sợ nhà đầu tư "nuốt" và ngược lại nhà đầu tư cũng thiếu cơ sở để tin tưởng startup.
Một startup khi bước vào cuộc chiến kinh doanh thì thiếu rất nhiều, đầu tiên là vốn, công nghệ rồi sau đó là quản trị, là tham gia chuỗi sản xuất, là thị trường. Trong 10 yếu tố cơ bản của khởi nghiệp thì các startup ở Việt Nam chỉ có được một yếu tố là ý tưởng, có thể thêm yếu tố đội ngũ tích cực, còn lại là thiếu hết.
"Tìm đến với nhà đầu tư, các startup sẽ tìm thấy ở đó một nhà cố vấn, một nhà hỗ trợ tài chính. Rất nhiều bạn khởi nghiệp nói là rất sợ nhà đầu tư nuốt. Tôi cho rằng, nhà đầu tư không nuốt các bạn, mà họ cần các bạn làm việc, đưa giải pháp. Và cũng hiếm các nhà đầu tư mang tính chất chi phối", ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ Sao Bắc Đẩu khẳng định.
Ngược lại, các nhà đầu tư cũng thiếu tin tưởng vào startup. Theo ông Louis Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Saigon (SAM), những hạn chế khiến nhà đầu tư không thể đi đường dài với startup đó chính là sự thật thà trong quá trình giới thiệu dự án và gọi vốn. Nhà đầu tư cần điều này để hoạch định chính xác. Tuy nhiên, không nhiều dự án trình bày chân thật nên sau vòng thẩm định, nhà đầu tư buộc phải chia tay với startup.
Đồng tình, ông Nguyễn Việt Đức, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam cho biết: "Các dự án khởi nghiệp khi đi gọi vốn thường quá quan tâm, đam mê với sản phẩm của mình mà quên đi câu chuyện kinh doanh. Khi gọi vốn, họ không cho nhà đầu tư thấy được sự đo lường thị trường, xác định được năng lực cạnh tranh và lợi thế của mình".
Thậm chí, nhiều startup không đưa cho nhà đầu tư một cơ hội thoái vốn. Trong khi các nhà đầu tư khi đầu tư cho các dự án khởi nghiệp là phải đối mặt với thanh khoản khi mua 5 - 7 năm có khi chẳng phát triển được, chẳng bán được; chịu rủi ro về thay đổi công nghệ, về tính liêm chính, về khả năng xung đột sở hữu trí tuệ, định giá, khả năng mất kiểm soát và che dấu thông tin... Cho nên, niềm tin của nhà đầu tư cho các dự án khởi nghiệp là có giới hạn.
"Cả phía dự án khởi nghiệp và nhà đầu tư đang tạo ra hệ sinh thái đầu tư rất nghèo nàn. Và chỉ khi những câu chuyện này được chia sẻ ra, chúng ta lắng nghe nhau, tìm giải pháp đi cùng với nhau thì bài toán về vốn cho dự án khởi nghiệp mới có màu sắc mới hơn, tích cực hơn và đem lại bức tranh sán lạn cho hệ sinh thái khởi nghiệp", ông Đức nói.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/cuoc-hon-nhan-giua-nha-dau-tu-va-startup-1577092930004.htm