Cuộc họp G20 ở Ấn Độ bị chia rẽ về vấn đề xóa nợ và cuộc chiến ở Ukraine

Các Bộ trưởng Tài chính của G20 đã gặp nhau để thảo luận về một loạt vấn đề, bao gồm các thỏa thuận tái cơ cấu nợ cho các quốc gia có thu nhập thấp và ảnh hưởng từ việc rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc của Nga đối với các nền kinh tế đang phát triển.

Một cuộc họp kéo dài hai ngày của các Bộ trưởng Tài chính và ngân hàng trung ương từ Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu (G20) đã kết thúc vào thứ Ba mà không có thông cáo chung do những khác biệt về cuộc chiến ở Ukraine.

 Các Bộ trưởng tham dự cuộc họp. Ảnh: AP

Các Bộ trưởng tham dự cuộc họp. Ảnh: AP

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman nói với các phóng viên rằng nước chủ nhà đã đưa ra một tuyên bố chủ tọa "bởi vì chúng tôi vẫn chưa có tiếng nói chung về cuộc chiến Nga - Ukraine".

Theo bản tóm tắt chủ tọa, Trung Quốc và Nga phản đối tuyên bố G20 trước đó ở Indonesia, nói rằng giao tranh đã gây ra "sự đau khổ to lớn của con người" trong khi "làm trầm trọng thêm những điểm yếu hiện có trong nền kinh tế toàn cầu".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Sitharaman nói rằng "một số" quốc gia lo ngại về việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen hôm thứ Hai.

"Chúng ta đang sống trong thời kỳ phức tạp; Nga ngày hôm qua đã rút khỏi sáng kiến Biển Đen-Ukraine - và chúng tôi đang thảo luận về cách giúp đỡ các quốc gia dễ bị tổn thương", Giám đốc ngân hàng trung ương Đức Joachim Nagel cho biết.

Tập trung xóa nợ

Trong nhiệm kỳ chủ tịch G20 năm nay, Ấn Độ đã kêu gọi sự đồng thuận về các vấn đề ảnh hưởng đến các nước đang phát triển, chẳng hạn như nợ.

Một báo cáo do một hội đồng độc lập của G20 công bố hôm thứ Ba cho biết các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) phải tạo ra một cơ chế tài trợ mới và tăng gấp ba lần cho vay bền vững vào năm 2030 để xóa đói giảm nghèo và đạt được các mục tiêu khí hậu.

"Cá nhân và tập thể, các MDB phải trở thành nhân tố hiệu quả ở tất cả các nước đang phát triển để tích hợp các chương trình nghị sự về phát triển và biến đổi khí hậu", theo bản báo cáo trong cuộc họp.

Trung Quốc, một chủ nợ cho vay lớn đối với một số quốc gia có thu nhập thấp ở châu Á và châu Phi, cho đến nay vẫn phản đối bất kỳ công thức tái cơ cấu nợ chung nào.

Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết quá trình tái cơ cấu nợ "vẫn cần phải nhanh hơn và hiệu quả hơn".

Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Ajay Banga cho biết hôm thứ Ba rằng khoảng cách ngày càng tăng giữa các quốc gia giàu và nghèo đang làm sâu sắc thêm nguy cơ nghèo đói ở các nước đang phát triển, đồng thời nói thêm rằng ông lo ngại sự thiếu tiến bộ có nguy cơ chia rẽ nền kinh tế toàn cầu.

Banga nói: “Điều khiến tôi thao thức hàng đêm là sự ngờ vực đang lặng lẽ chia rẽ Bắc và Nam bán cầu vào thời điểm mà chúng ta cần đoàn kết lại. Sự thất vọng của Nam bán cầu là điều dễ hiểu. Theo nhiều cách, họ đang phải trả giá cho sự thịnh vượng của chúng ta".

Ông nói thêm rằng các quốc gia đang phát triển có tỷ lệ thanh niên cao nhất, nhưng nhiều người không được tiếp cận với giáo dục và việc làm.

Ngân hàng Thế giới cho biết họ đang nỗ lực tăng cường khả năng tài chính - nhưng nhấn mạnh rằng việc mở rộng kinh tế trong tương lai không thể đánh đổi bằng môi trường.

Banga nói: “Sự thật đơn giản là: Chúng ta không thể chịu đựng thêm một giai đoạn gia tăng phát thải nhiều khí thải nữa".

Mai Vân (theo AP, DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cuoc-hop-g20-o-an-do-bi-chia-re-ve-van-de-xoa-no-va-cuoc-chien-o-ukraine-post256861.html