Cuộc khảo cổ dài 4 thập kỷ vĩ đại nhất màn ảnh rộng

Sau hơn 4 thập kỷ, 'Indiana Jones' nhiều khả năng sẽ khép lại bằng phần phim mới ra mắt, mang theo cả niềm tự hào về một thương hiệu điện ảnh huyền thoại.

Mới đây, Indiana Jones and The Dial of Destiny (tựa Việtꓽ Indian Jones và vòng quay định mệnh) đã chính thức được ra mắt. Tác phẩm là phần thứ 5 trong loạt phim phiêu lưu huyền thoại, nối dài chuỗi chiến thắng trên cả mặt trận phê bình lẫn thương mại của các phần tiền nhiệm. Trở lại trong dự án mới nhất, Indiana Jones một lần nữa dấn thân vào hành trình khám phá chứa đầy yếu tố bất ngờ, thú vị.

Không ngoa khi nhận xét nhà khảo cổ học kiêm thám hiểm hiện diện như một biểu tượng của lòng dũng cảm và ý chí tự do suốt những năm qua. Thời điểm hiện tại, dù đã có không ít thương hiệu bom tấn mới xuất hiện, nhân vật vẫn giữ được vị thế khó thể xoay chuyển trong tâm thức nhiều thế hệ khán giả.

Chinh phục màn ảnh rộng suốt 4 thập kỷ

Indiana Jones xuất hiện lần đầu trong bộ phim năm 1981 - Raiders of the Lost Ark (tựa Việtꓽ Chiếc rương thánh tích), do Steven Spielberg đạo diễn và George Lucas sản xuất. Tác phẩm lấy bối cảnh năm 1936, xoay quanh hành trình đoạt chiếc rương thánh tích của Indiana Jones khỏi tay đám Đức Quốc xã.

Tác phẩm thành công vang dội về mặt phê bình, với minh chứng rõ ràng nhất là 5 tượng vàng Oscar trên tổng số 9 đề cử. Ở mặt trận thương mại, phim gặt hái 389,9 triệu USD trên toàn thế giới, dẫn đầu bảng tổng sắp phòng vé năm đó.

Với thành tích “khủng” như vậy, không khó hiểu khi Raiders of the Lost Ark được xem là một trong những dự án điện ảnh vĩ đại nhất từng được thực hiện. Tới mức, năm 1999, đứa con tinh thần của Spielberg được Viện lưu trữ phim quốc gia lựa chọn để bảo quản trong Thư viện Quốc hội vì ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử và thẩm mỹ.

 Indiana Jones được xem là tượng đài của dòng phim phiêu lưu.

Indiana Jones được xem là tượng đài của dòng phim phiêu lưu.

Tiếp nối thành công này, các phần phim tiếp theo lần lượt được nhà sản xuất trình làng trong sự mong chờ của khán giả hâm mộ. Đó là The Temple of Doom (1984) - kể về cuộc chạm trán của Indy với một giáo phái ở Ấn Độ; The Last Crusade (1989) - đánh dấu việc Indy hội ngộ người cha trên hành trình tìm kiếm Chén Thánh; The Kingdom of the Crystal Skull (2008) xoay quanh sức mạnh của cổ vật ngoài hành tinh.

Mới đây nhất, The Dial of Destiny lấy bối cảnh khi Indy về già, cô độc trong căn nhà không có hình bóng vợ con. Đáng buồn hơn, nhân vật cũng tới tuổi về hưu, cảm thấy lạc lõng trước dòng chảy thời cuộc.

Cuộc sống tẻ nhạt tuổi xế chiều của Indy bất ngờ trở nên xáo trộn khi người con đỡ đầu tìm đến ông sau nhiều năm không gặp. Bộ đôi sau đó cùng dấn thân vào hành trình tìm kiếm chiếc vòng quay Antikythera - một cổ vật có khả năng thao túng thời gian.

Trước khi The Dial of Destiny ra rạp, tổng số tiền các phần phim tiền nhiệm kiếm được lên tới xấp xỉ 2 tỷ USD. Không nghi ngờ gì, phần phim thứ 5 sẽ giúp thương hiệu chạm tay tới cột mốc phòng vé vẻ vang này.

Biểu tượng văn hóa đại chúng

Theo tiết lộ, Indiana Jones được George Lucas lấy cảm hứng từ dòng phim “matineé serials” nổi bật trong khoảng thời gian thập niên 1930. Sinh ra vào thời kỳ trước khi điện ảnh thịnh hành, đó là những phim ngắn lấy chủ đề phiêu lưu, đoạt báu, với những bối cảnh xa xôi kỳ lạ, thường kết thúc một cách hồi hộp, đầy dở dang.

George Lucas tìm thấy đam mê trong những thước phim ngắn bất tận đó, từ Zorro, Flash Gordon, Buck Rogers, Tarzan cho đến The Perils of Pauline... Ngoài ra, ông cũng được truyền cảm hứng từ các nhà khảo cổ học thực thụ như Hiram Bingham, Sir Leonard Woolley, Percy Fawcett và Roy Chapman Andrews.

Những khán giả tinh ý sẽ nhận thấy mỗi phần phim Indian Jones đều được dẫn dắt qua 4 giai đoạn, tương ứng với các phần công việc của một nhà khảo cổ thực thụ phải làm. Đó chính là tìm kiếm, khám phá, điều tra và diễn giải.

 Những chuyến phiêu lưu của Indiana Jones chưa khi nào vơi sức hấp dẫn.

Những chuyến phiêu lưu của Indiana Jones chưa khi nào vơi sức hấp dẫn.

Sự hợp tác giữa Lucas và Spielberg đã hiện thực hóa một người hùng trên màn ảnh rộng, chứa những yếu tố tạo nên sự vĩ đại cho nhân vật. Indiana Jones chịu ảnh hưởng bởi các biểu tượng văn hóa đại chúng khác, chẳng hạn James Bond, Sherlock Holmes, Allan Quatermain và Han Solo. Đổi lại, nhà khảo cổ học cũng truyền cảm hứng cho những cái tên tiếp theo, đơn cử là Lara Croft, Rick O’Connell hay Robert Langdon.

Indiana Jones độc đáo bởi sự pha trộn giữa hư cấu và thực tế một cách sáng tạo. Anh không phải một nhân vật lịch sử, nhưng có sự tương tác với các sự kiện và nhân vật có thật trong hành trình phiêu lưu của mình. Ngoài ra, giá trị Indiana Jones cũng trải dài trên nhiều loại hình phương tiện truyền thông. Anh được đánh giá là người hùng của thể loại hành động, phiêu lưu, giả tưởng, bí ẩn, lãng mạn và cả khoa học viễn tưởng.

Giải mã sức hút

Sức hấp dẫn trường tồn của Indiana Jones một phần nằm ở bản chất phản ánh lịch sử. Tác phẩm là sản phẩm trí tưởng tượng thời thơ ấu của George Lucas và tầm nhìn điện ảnh của Steven Spielberg. Chính vì vậy, thành công của thương hiệu, xét trên nhiều khía cạnh, là minh chứng cho sự thăng hoa sáng tạo giữa bộ đôi “đại thụ” của ngành điện ảnh.

Là nhà làm phim có tầm ảnh hưởng toàn cầu, Spielberg rất giỏi trong việc sử dụng kỹ thuật điện ảnh tinh vi, tạo nên những pha hành động ngoạn mục và cảnh quay độc đáo. Trong khi đó, Lucas, người đồng sáng tạo Star Wars, lại mang đến cho thương hiệu một thế giới tưởng tượng không có giới hạn, đầy táo bạo.

Chưa kể, loạt phim còn đại diện cho sức hút và tài năng của Harrison Ford. Tài tử cùng vai diễn nhà khảo cổ học đã trở thành một phần trong hành trình trưởng thành của nhiều thế hệ khán giả hâm mộ.

 Phần 5 Indiana Jones là lời tạm biệt của tài tử Harrison Ford.

Phần 5 Indiana Jones là lời tạm biệt của tài tử Harrison Ford.

Trên hết, câu chuyện của Indiana Jones mới là yếu tố quan trọng tạo nên sức hút thương hiệu. Với việc kết hợp lịch sử, thần thoại, bí ẩn và hành động, mỗi phần phim đều mang lại những cuộc phiêu lưu mạo hiểm, hấp dẫn và đầy tính khám phá. Sự kết hợp tuyệt vời giữa yếu tố lịch sử và tưởng tượng đã tạo nên một cuộc phiêu lưu khơi gợi nhiều cảm xúc cho khán giả.

Bên cạnh đó, nhân vật cũng chính là chìa khóa thành công của thương hiệu. Dù không ít biểu tượng điện ảnh từng được sinh ra, song, vị thế của nhà khảo cổ học vĩ đại vẫn không thể bị phai nhòa. Nhân vật được xây dựng đa chiều, có những khuyết điểm và nỗi sợ riêng, nhưng tựu trung vẫn giữ được sự dũng cảm và hiệp nghĩa.

Cuối cùng, thời thế cũng là yếu tố không thể bỏ qua. Indiana Jones ra mắt vào thập niên 1980, khi làn sóng phim phiêu lưu dâng cao. Đây là thời điểm khán giả đang tìm kiếm những cuộc thám hiểm kỳ thú, và trùng hợp thay, Indiana Jones đã đáp ứng mong đợi của họ một cách hoàn hảo.

Sau hơn 4 thập kỷ, Indiana Jones nhiều khả năng sẽ khép lại bằng phần phim mới ra mắt, mang theo cả niềm tự hào về một thương hiệu điện ảnh huyền thoại. Dù không phải món ăn mới, nhưng tác phẩm chắc chắn không hề lỗi thời. Giá trị tri ân mà phim để lại tạo ra những xúc cảm hoài niệm khó phai trong lòng khán giả, đặc biệt với những ai theo dõi thương hiệu này suốt các năm qua.

Tống Khang

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/cuoc-khao-co-dai-4-thap-ky-vi-dai-nhat-man-anh-rong-post1444409.html