Cuộc không kích Houthi ở Yemen khiến các cử tri Hồi giáo 'quay lưng' với ông Biden

Các cử tri gốc Ả Rập và Hồi giáo đã chỉ trích chính quyền Tổng thống Joe Biden phát động tấn công lãnh thổ của Yemen để trả đũa nhóm phiến quân Houthi.

Edward Ahmed Mitchell, Phó giám đốc Điều hành của Hội đồng Quan hệ Hồi giáo Mỹ (CAIR, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Washington, Mỹ), nói với Newsweek rằng mọi thứ đang "bị xáo trộn sâu sắc" bởi các cuộc không kích "bất hợp pháp" ở Yemen.

Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: AP

“Chúng tôi vô cùng quan ngại khi thấy chính quyền Biden leo thang cuộc khủng hoảng này bằng cách ném bom Yemen mà không có sự chấp thuận của quốc hội, thay vì chỉ đơn giản là giải quyết gốc rễ của cuộc khủng hoảng, đó là cuộc xung đột đẫm máu đang diễn ra ở Gaza…

Theo quan điểm của chúng tôi, cuộc tấn công được thực hiện mà không có sự chấp thuận của quốc hội là bất hợp pháp, nó nguy hiểm và không mang lại hòa bình, mà cuối cùng chỉ làm leo thang nguy cơ chiến tranh”, ông Mitchell nói.

Tổng thống Biden tuần trước đã phát động nhiều cuộc không kích chống lại phiến quân Houthi ở Yemen để phản ứng việc nhóm này tấn công vào các tàu vận chuyển đi qua Biển Đỏ. Houthi tuyên bố sẽ trả đũa cũng như tiếp tục các cuộc tấn công của mình.

Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh nhóm Houthi đã "gây nguy hiểm cho quyền tự do điều hướng ở một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới", và các tấn công là "một thông điệp rõ ràng rằng Mỹ và các đối tác sẽ không dung thứ cho các cuộc tấn công".

Trả lời tuyên bố của Tổng thống Biden, ông Mitchell nói: “Chính phủ của chúng tôi nhanh chóng bảo vệ việc vận chuyển thương mại toàn cầu, nhưng lại không nhanh chóng bảo vệ hàng ngàn trẻ em đang bị sát hại ở Gaza, thật tuyệt nếu thấy chúng tôi quan tâm đến cả hai”.

Thành viên đảng Dân chủ duy nhất gốc Palestine, bà Rashida Tlaib đã phê bình mạnh mẽ chính sách của Tổng thống Biden đối với cuộc chiến ở Gaza. Bà Tlaib, cùng với những người ủng hộ Palestine khác, đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức trong khu vực.

Nữ nghị sĩ cũng đồng tình với lời chỉ trích của Mitchell - Phó giám đốc Điều hành của Hội đồng Quan hệ Hồi giáo Mỹ (CAIR) - về sự thất bại của chính quyền Biden trong việc tìm kiếm sự chấp thuận của quốc hội trước khi tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Yemen.

Rắc rối với cử tri Ả Rập và Hồi giáo

Một liên minh gồm những người Mỹ theo đạo Hồi ở các bang Mỹ thậm chí đã bắt đầu chiến dịch #AbandonBiden (tạm dịch "Từ bỏ ông Biden"), kêu gọi cử tri không bầu lại Tổng thống Biden vào năm 2024 vì phản ứng của ông đối với cuộc xung đột Israel - Palestine.

Jaylani Hussein, một thành viên của CAIR, tiết lộ đại đa số người Hồi giáo ở Mỹ nói rằng họ sẽ không bỏ phiếu cho ông Biden trong cuộc bầu cử sắp tới.

“Tình hình ở Yemen đã chứng minh rằng đây là thảm họa chính sách của chính quyền Biden đối với Gaza… Mỹ không thể đơn giản sử dụng vũ lực theo cách không được kiểm soát này... Palestine có lẽ là vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng nhất đối với người Mỹ theo đạo Hồi và người Hồi giáo trên toàn thế giới. Không đời nào người Mỹ gốc Ả Rập và theo đạo Hồi sẽ bỏ phiếu cho ông ấy”, Tiến sĩ Hassan Abdel Salam nói với Newsweek qua email hôm 13.1.

Về phần mình, thay mặt Hội đồng Quan hệ Hồi giáo Mỹ, ông Mitchell cho biết: "Chúng tôi không bảo mọi người nên bỏ phiếu cho ai hoặc chống lại ai. Chúng tôi chỉ theo dõi cảm xúc của họ và khuyến khích họ đi bỏ phiếu cho bất kể người nào họ ủng hộ. Tôi cho rằng tình hình dân thường thương vong ở Gaza sẽ có tác động lớn đến các khuynh hướng và quyết định chính trị của người Hồi giáo Mỹ trong cuộc bầu cử sắp tới và các cuộc bầu cử sau đó, nhưng tôi không biết điều đó sẽ diễn ra như thế nào".

"Theo tôi, vị thế của Tổng thống Biden với các cử tri Ả Rập và Hồi giáo đã bị ảnh hưởng nặng nề vì chính sách Israel - Palestine cũng như sự ủng hộ vô điều kiện của ông ấy dành cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Chúng tôi được nghe từ các cử tri Hồi giáo, Ả Rập rằng họ vô cùng không hài lòng, thất vọng và nhiều người đang nói rằng, dựa trên những gì đã thấy, họ sẽ không bỏ phiếu cho Tổng thống Biden”, ông Wa'el Alzayat, Giám đốc Điều hành của Emgage, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm mục đích vận động trao quyền cho người Mỹ theo đạo Hồi, nói với Newsweek.

Abed Ayoub, Giám đốc Điều hành quốc gia của Ủy ban chống phân biệt đối xử Mỹ - Ả Rập (ADC), nói với Newsweek rằng các cử tri gốc Ả Rập và Hồi giáo đều đã chia sẻ sự thất vọng của họ với chính quyền Biden. “Đây có lẽ là mối lo ngại cuối cùng của chính quyền này vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên còn có mối nguy thực sự về việc Mỹ sẽ bị kéo sâu hơn vào một cuộc chiến khác”, Ayoub cho hay.

Kết quả thăm dò

Các cuộc thăm dò cũng cho thấy một vấn đề ngày càng gia tăng đối với khả năng tái tranh cử của đương kim Tổng thống Joe Biden khi các cử tri Hồi giáo không hài lòng về các chính sách liên quan tới xung đột ở Dải Gaza của Nhà Trắng.

Emgage công bố một cuộc khảo sát vào đầu tháng 11.2023 cho thấy, chỉ 5,2% người Mỹ theo đạo Hồi cho biết sẽ bỏ phiếu cho ông Biden vào năm 2024. Đây có thể là một sự sụt giảm mạnh so với 86% người Mỹ theo đạo Hồi tuyên bố đã bỏ phiếu cho ông Biden vào năm 2020.

Trong khi đó, một cuộc thăm dò được tiến hành vào cuối năm ngoái bởi Lake Research Partners, một công ty nghiên cứu của đảng Dân chủ cho thấy chỉ có 16% cử tri đảng Dân chủ gốc Ả Rập và Hồi giáo ở Mỹ sẽ bỏ phiếu cho Biden.

Chiến lược gia chính trị đảng Dân chủ Waleed Shahid mô tả những sự việc xảy ra sau vụ tấn công ngày 7.10 đã tác động tiêu cực đến quan điểm của cộng đồng Hồi giáo đối với Tổng thống Biden.

Tiến sĩ Jill Stein, một thành viên của đảng Xanh (Mỹ), đã chỉ trích quyết định tấn công Yemen của ông chủ Nhà Trắng, và cho rằng động thái này “có nguy cơ leo thang nghiêm trọng”.

“Bằng cách phát động hành động quân sự tấn công mà không có sự chấp thuận của quốc hội, tổng thống đương nhiệm đã vi phạm cả Hiến pháp và Đạo luật Quyền lực chiến tranh. Không chỉ những người Mỹ theo đạo Hồi mới kinh hoàng trước điều này. Thanh niên và nhiều người trong cộng đồng da màu cũng vậy. Trên thực tế, phần lớn cử tri Mỹ muốn có lệnh ngừng bắn và chấm dứt cuộc chiến được trả bằng tiền thuế của chúng tôi”, bà nói.

Theo bà, phản ứng của chính quyền Biden đối với cuộc xung đột ở Trung Đông “làm suy yếu thêm niềm tin và sự ủng hộ của người dân Mỹ, góp phần khiến số phiếu bầu và triển vọng tái tranh cử thành công của ông Bien trong tháng 11 tiếp tục trượt dốc”.

Hoàng Vũ (theo Newsweek)

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cuoc-khong-kich-houthi-o-yemen-khien-cac-cu-tri-hoi-giao-quay-lung-voi-ong-biden-213135.html