Cuộc khủng hoảng dầu mỏ hiện nay sẽ thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp dầu khí

Đó là nhận định của chuyên gia Irina Slav (OilPrice) khi đánh giá về triển vọng hoạt động của các công ty dầu khí trong lĩnh vực khai thác truyền thống, đặc biệt là các công ty hoạt động trong phân khúc thượng nguồn (E&P).

Trong tháng 6 vừa qua, đại diện của JPMorgan phụ trách nghiên cứu dầu khí cho biết, cuộc khủng hoảng giá dầu lần này về cơ bản không có sự khác biệt với cuộc khủng hoảng lần trước. Một mặt, nhận định này có phần đúng. Mặt khác, nó vấp phải sự phản đối của hầu hết các nhà quan sát thị trường. Đây phải là cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử ngành dầu khí. Cuộc khủng hoảng giá dầu hiện nay sẽ thay đổi ngành công nghiệp dầu khí theo cách mà không một cuộc khủng hoảng nào trước đó đã làm.

Tác động đến ngành dầu cát (Oil sands) của Canada

Theo báo cáo tháng 6 của hãng phân tích Wood Mackenzie, trên con đường đa dạng hóa của mình, ngành dầu cát của Canada là một trong những phân khúc chịu thiệt hại nặng nề trong ngành dầu khí khi một số nhà sản xuất dầu mỏ của Canada vĩnh viễn không thể phục hồi sản xuất về mức trước khủng hoảng. Trong khi nhiều công ty hoạt động thượng nguồn (E&P) trên thế giới đã quay trở lại các dự án mà họ đã rút lui trong khủng hoảng giá dầu 2014-2016 thì các nhà sản xuất dầu cát Canada đã phải đấu tranh với các quy định khai thác mới, khiến các nhà đầu tư phải suy nghĩ lại khi quyết định đầu tư vào dầu cát. Và quan trọng nhất là sự thiếu hụt năng lực hoàn thành các dự án mới trước những rào cản pháp lý khác nhau và từ các nhóm xã hội và bảo vệ môi trường, đang đấu tranh để đảm bảo không có thêm đường ống dẫn dầu mới nào được xây dựng ở Canada.

Theo đánh giá của Wood Mackenzie, chỉ riêng trong năm nay, đầu tư vào lĩnh vực dầu cát sẽ thấp hơn 8 tỷ USD so với năm 2019 và thấp hơn 80% so với năm 2013. Ngành công nghiệp dầu khí đang chứng kiến sự dịch chuyển đầu tư của các công ty dầu khí tích hợp toàn cầu (majors) trong khi những nhà đầu tư mới dường như chưa sẵn sàng với lĩnh vực này tại thời điểm thị trường tiêu thụ dầu thô và giá dầu được dự báo phục hồi chậm.

Trong khi đó, hơn 20 dự án dầu cát được phê duyệt nhưng đã bị trì hoãn vì tình hình giá hiện tại. Và rất có thể các dự án này sẽ bị đình trệ mãi mãi. Vì vậy, các nhà sản xuất dầu khí lớn tại Alberta, Canada đang chuyển hướng sang lĩnh vực năng lượng sạch. Trong tháng 6 vừa qua, giám đốc điều hành của Suncor và giám đốc điều hành Alberta Innovates đã trao đổi và kêu gọi hành động tập trung vào sự phục hồi "xanh" sau khủng hoảng đại dịch. Lãnh đạo hai công ty khẳng định, vai trò chính trong quá trình này thuộc về các công ty dầu khí vì họ có vị trí tốt nhất để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng về phía trước.

Giới phân tích thị trường cho rằng, ngành công nghiệp dầu khí Canada là một trong những thị trường lớn nhất cho các nhà đầu tư tiềm năng vào công nghệ sạch. Những thách thức mà ngành công này phải đối mặt kết hợp với văn hóa doanh nghiệp và động lực chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải carbon thấp sẽ mang đến cơ hội đầu tư công nghệ sạch trong ngành dầu khí Canada. Một số ý kiến cho rằng dầu cát Canada đã hết thời. Một số khác thì tin rằng cho rằng ngành dầu cát sẽ vẫn tồn tại cho đến khi hết nhu cầu về dầu nặng. Tuy nhiên, khi nhu cầu tiêu thụ sụp đổ vì đại dịch Covid-19, các công ty dầu “khôn ngoan” đã tìm những cách khác để cung cấp năng lượng cho người tiêu dùng.

Lĩnh vực dầu khí ngoài khơi vẫn có khả năng phục hồi

Các dự án dầu khí ngoài khơi tuy tốn kém hơn và chậm đi vào vận hành song có tuổi thọ cao và chi phí vận hành tương đối thấp. Các dự án này là một trong những phân khúc “kiên cường” nhất của ngành dầu khí thế giới trong cuộc khủng hoảng chưa từng có hiện nay. Ví dụ, theo Wood Mackenzie, 80% các dự án sản xuất có chi phí cận biên chỉ khoảng 10 USD/thùng tại Vịnh Mexico. Ngay cả các dự án bên ngoài Vịnh Mexico, chi phí sản xuất ngoài khơi cũng đã giảm xuống, giúp phân khúc này vượt qua cơn bão khủng hoảng. Một số chính phủ cũng đang hỗ trợ các dự án ngoài khơi. Ví dụ như Chính phủ Mỹ đã chấp thuận 12 đề xuất giảm thuế cho các công ty khoan ngoài khơi nhằm giúp họ tồn tại trong thời kỳ khủng hoảng. Chính phủ Na Uy cũng đang hỗ trợ lĩnh vực dầu khí ngoài khơi khi phê chuẩn gói các biện pháp hỗ trợ giúp các công ty khai thác giảm tiết kiệm chi phí sản xuất tới 40%.

Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty trong lĩnh vực ngoài khơi đều trụ vững như các công ty khai thác dầu. Các công ty dịch vụ khoan đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn hơn nhiều khi các nhà sản xuất hạn chế đầu tư thăm dò. Theo một báo cáo gần đây của Reuters, có đến 6 trong 7 công ty khoan lớn nhất đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản hoặc bắt đầu tái cấu trúc hay phải đàm phán với các chủ nợ. Số công ty khoan khác có thể sẽ nối tiếp theo. Những công ty sống sót nhiều khả năng phải hoạt động trong những điều kiện khắc nghiệt hơn so với thời điểm trước khủng hoảng khi số lượng giàn khoan đã giảm đi rất nhiều. Nhu cầu giàn khoan nổi khi thị trường phục hồi được dự báo lên tới 200 đơn vị. Bên cạnh đó, cải thiện quan hệ với các công ty thượng nguồn đứng vững sau cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất cũng là điều cần thiết để các công ty khoan tiếp tục duy trì hoạt động.

Một bức tranh phức hợp ở những khu vực còn lại trên toàn cầu

Nhiều dự báo và phân tích thời gian gần đây tập trung nhiều vào lĩnh vực đá phiến của Mỹ. Các ý kiến đều cho rằng sự phục hồi của ngành đá phiến sẽ chậm hơn so với kỳ vọng và một triển vọng ảm đạm sau khủng hoảng. Ở những khu vực khác trên thế giới, điểm chung trong bức tranh dầu khí là việc cắt giảm đầu tư và trì hoãn các dự án của các công ty dầu khí. Theo chuyên gia của JPMorgan Chrystian Malek, điều này sẽ đẩy thị trường nguồn cung vào thâm hụt và giá dầu sẽ tăng lên mức trên 100 USD/thùng do sụt giảm hoạt động đầu tư, chi tiêu vốn (CAPEX) trong lĩnh vực thượng nguồn.

Khủng hoảng đã khiến các công ty dầu khí từ Biển Bắc đến Biển Caspi, từ châu Mỹ đến Trung Đông đang cắt giảm chi tiêu vốn. Một ví dụ điển hình là lĩnh vực thượng nguồn bị sụt giảm mạnh ở châu Phi - khu vực hấp dẫn đầu tư nhất trong ngành công nghiệp dầu khí. Phần lớn các khoản đầu tư khổng lồ tập trung vào lĩnh vực khai thác khí thiên nhiên để sản xuất khí hóa lỏng (LNG). Theo số liệu của Wood Mackenzie, đã có 22 dự án nhận được quyết định đầu tư cuối cùng (FID) trong vòng 18 tháng trước cuộc khủng hoảng thì đến nay chỉ còn 03 dự án. Bên cạnh đó, tổng giá trị lĩnh vực thượng nguồn ở châu Phi đã giảm 1/3 (200 tỷ USD). Dòng vốn đầu tư sụt giảm, thậm chí biến mất vĩnh viễn khiến hoạt động dầu khí truyền thống có thể sẽ không thể vượt qua giới hạn đỉnh của chính mình đã từng thiết lập năm 2019. Sự thay đổi, đa dạng hóa đầu tư và các dòng doanh thu ngoài dầu mỏ có thể khiến quá trình phục hồi ngành công nghiệp này mất rất nhiều thời gian.

Phạm TT

Theo Oil Price.

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cuoc-khung-hoang-dau-mo-hien-nay-se-thay-doi-hoan-toan-nganh-cong-nghiep-dau-khi-575179.html