Cuộc khủng hoảng loại bỏ các bố già có sức cạnh tranh kém ở châu Á
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã loại bỏ một số bố già có sức cạnh tranh kém nhất.
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã gây ra hai điều đối với doanh nghiệp trong nước quy mô lớn ở Đông Nam Á. Thứ nhất, nó thủ tiêu hoặc loại bỏ một số bố già có sức cạnh tranh kém nhất, có giá trị suy giảm lớn nhất của những năm 1990. Thứ hai, nó mang đến những thay đổi pháp lý đáng kể, mặc dù một số thay đổi chỉ có cái vẻ bề ngoài.
Hậu quả là, đầu tư trực tiếp của nước ngoài, kéo theo áp lực cạnh tranh trong các ngành “nhạy cảm” trước đây đóng cửa đối với đầu tư bên ngoài - chẳng hạn dịch vụ tài chính - tăng lên và đã có một tác động tích cực.
Tuy nhiên cuộc khủng hoảng đã không thay đổi cấu trúc chính trị - kinh tế cơ bản của khu vực. Các nền kinh tế địa phương vẫn là nền kinh tế của các bố già, và những bố già thông minh nhất, khôn khéo nhất thực sự được cuộc khủng hoảng làm cho mạnh thêm.
Cho đến khi hệ thống tạo ra nền kinh tế của các đại gia thay đổi, đa số các bố già sẽ vẫn không thể chạm tới - giống như các bố già người Mỹ hồi đầu thế kỷ XX. Hơn nữa, như chúng ta sẽ thấy, các bố già mới sẽ ra đời.
Những bố già yếu kém nhất là những bố già từng được tôn vinh lên địa vị cao vì cái gọi là mục đích xã hội học. Đây là trường hợp các đại gia của Malaysia và Indonesia, những người Mã Lai và người Indonesia bản xứ.
Philippines có một nhóm bố già được nâng niu chiều chuộng dưới thời Marcos - họ đã tạo ra các đế chế doanh nghiệp chỉ vì họ đã học cùng đại học với Tổng thống hoặc thân với vợ Tổng thống; những người này đã bị xóa sổ trong cuộc khủng hoảng vào đầu và giữa thập niên 1980 ở Philippines.
Tại Malaysia và Indonesia, các công dân gốc Trung Quốc hoặc lai Trung Quốc đôi khi tuyên bố các đại gia người gốc Mã Lai và gốc Indonesia thất bại ở cuối thập niên 1990 vì họ đã không thích nghi về văn hóa, thậm chí cả về chủng tộc với việc kinh doanh.
Trong thực tế, những người này chưa bao giờ được chọn lọc như cách các bố già người nước ngoài đã được chọn lọc; gia đình họ chưa bao giờ phải kiếm những triệu đô-la đầu tiên để tham gia cuộc chơi của các bố già.
Tại Malaysia, họ đều xuất thân từ các đường phố ở thành thị (điều này không có nghĩa là đường phố của giai cấp công nhân). Tại Indonesia, hầu hết họ là con em của Suharto, và bạn bè của họ. Hơn nữa, những người này không phải là đại gia theo nghĩa thông thường. Phần lớn họ đóng vai trò là những cái kho chôn giấu của cải của các chính trị gia - tài sản và các nguồn tài trợ có liên quan đến Đảng Dân tộc thống nhất Mã Lai - và các gia đình cầm quyền cùng bộ máy chính trị Golkar của nó ở Indonesia.
Tại Malaysia, các bố già gốc Mã Lai ở đẳng cấp cao nhất cũng thiếu dòng tiền mặt chủ yếu - các công ty độc quyền về hàng mềm và giấy phép tổ chức đánh bạc - có thể tạo ra sự bảo đảm để chống đỡ trong thời kỳ khó khăn. Những người theo đạo Hồi không được tham gia các hoạt động cờ bạc, vào thời gian đó lại có rất nhiều người bản xứ làm kinh doanh, nên họ thường được sắp xếp cho các công ty độc quyền có lợi nhất.
Tóm lại, những người đại diện cho người bản xứ này đã rơi vào cơn khủng hoảng, nhưng không phải vì vấn đề di truyền.