Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu dường như đã bị lãng quên, dù xung đột Nga-Ukraine đang tiếp diễn, điều trớ trêu vẫn xảy ra
Sự gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu đã tạo cơ hội ngắn hạn cho tăng trưởng LNG, nhưng các mục tiêu dài hạn của EU có vẻ mang tính tham vọng hơn là thực tế.
Trong bài viết xuất bản ngày 20/3 trên GIS Report, Tiến sĩ Carole Nakhle, người sáng lập và CEO của Crystol Energy, tổ chức nghiên cứu thị trường và chính sách năng lượng có trụ sở tại Anh, đã có bài nhận định về triển vọng thị trường khí đốt châu Âu trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine.
Theo đó, năm 2022, châu Âu chứng kiến cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Giá khí đốt tự nhiên tăng vọt, đạt mức cao lịch sử với hơn 330 Euro/MWh vào tháng 8.
Thủ phạm chính là nguồn cung khí đốt bị thắt chặt sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (tháng 2/2022). Đồng thời, thị trường xảy ra một số gián đoạn ảnh hưởng đến các lựa chọn thay thế cho khí đốt tự nhiên như: công suất phát điện gió thấp, mất nguồn điện hạt nhân ở Pháp, hạn hán ảnh hưởng đến sản xuất thủy điện ở Na Uy và việc hạn chế vận chuyển than ở Đức. Những vấn đề này đã kìm hãm khả năng tìm nguồn cung khí đốt thay thế tại châu Âu.
Hơn một năm sau, thị trường năng lượng châu Âu dường như đã chuyển từ khan hiếm hàng hóa sang dồi dào. Giá khí đốt đã dao động trong khoảng 22 đến 30 Euro mỗi MWh kể từ đầu năm 2024 này.
Cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022 dường như đã bị nhiều người lãng quên, mặc dù xung đột ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn. Thêm vào đó, thế giới đang chứng kiến căng thẳng gia tăng ở Trung Đông và các cuộc tấn công của phiến quân Houthi nhằm vào hoạt động vận chuyển trên Biển Đỏ. Tất cả những điều này đang đe dọa hoạt động buôn bán khí tự nhien hóa lỏng (LNG).
Một số diễn biến đã dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ này, trong đó nổi bật nhất là sự phát triển của thương mại toàn cầu hóa khí đốt. Xu hướng này khó có thể bị đảo ngược. Liên minh châu Âu (EU) đã tăng mua LNG để lấp đầy khoảng trống do mất khí đốt qua đường ống của Nga, giải quyết một cuộc khủng hoảng lớn trong thời gian tương đối ngắn.
Kể từ khi EU xảy ra bất đồng với Nga, thị trường khí đốt châu Âu đã trải qua những thay đổi về cơ cấu nguồn cung, tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu không phải của xứ sở bạch dương. Những cơ hội này là tạm thời hay lâu dài sẽ phần lớn phụ thuộc vào khả năng của EU trong việc thực hiện các mục tiêu năng lượng xanh đầy tham vọng của mình.
Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt
Trong nhiều năm, Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của châu Âu, chiếm hơn 40% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU (năm 2021), chủ yếu thông qua mạng lưới đường ống rộng lớn được phát triển trong nhiều thập niên. Châu Âu cũng là thị trường lớn nhất của Nga, trong đó Đức là khách hàng lớn nhất, nhập hơn một nửa lượng hàng xuất khẩu của Nga sang liên minh.
Khi Moscow bắt đầu cắt giảm dần nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu vào năm 2021 - và sau đó ngừng cung cấp hoàn toàn cho một số nước EU sau xung đột với Ukraine - giá khí đốt đã tăng vọt.
Châu Âu chứng kiến nhu cầu khí đốt tự nhiên giảm đáng kể, giảm 7% vào năm 2023 xuống mức thấp nhất kể từ năm 1995. Điều này là do giá cao làm giảm hoạt động kinh tế (không chỉ ở châu Âu mà còn ở các thị trường cạnh tranh, chủ yếu là châu Á) cũng như thời tiết ôn hòa. Nhu cầu nhập khẩu khí đốt của EU sau đó đã giảm xuống mức thấp nhất trong những năm gần đây.
Phản ứng chính sách của EU
Các biện pháp chính sách được áp dụng trên khắp các quốc gia thành viên EU tiếp tục giúp điều chỉnh nhu cầu. Ví dụ, vào mùa Hè năm 2022, khối đặt mục tiêu trong 6 tháng tự nguyện giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên so với mức tiêu thụ trung bình giai đoạn 2017-2022. Liên minh tiếp tục đưa ra các mục tiêu dự trữ khí đốt bắt buộc, trong đó các quốc gia thành viên được yêu cầu lấp đầy các kho dự trữ lên tới 80% công suất trước ngày 1/11/2022 và đến 90% trước ngày 1/11/2023.
Kho lưu trữ khí đốt đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng thị trường trong mùa Đông vì nó được sử dụng như một vật đệm trong những thời điểm có nhu cầu cao (chủ yếu để sưởi ấm) và nguồn cung khan hiếm.
Trong khi đó, việc sản xuất điện từ năng lượng tái tạo và khả năng sẵn có của năng lượng hạt nhân ngày càng tăng đã giúp giảm bớt một số áp lực đối với nhu cầu khí đốt tự nhiên. Trong quý cuối cùng của năm 2023, lần đầu tiên các nhà sản xuất điện của châu Âu đã tạo ra nhiều điện từ gió hơn từ than.
Việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân để bảo trì kéo dài ở Pháp hiện đã hoàn tất và việc sản xuất điện của nước này đã phục hồi vào năm 2023. Năm 2024, dự kiến Pháp sẽ đạt công suất cao nhất trong ít nhất 5 năm, thúc đẩy xuất khẩu điện sang các nước láng giềng.
Tìm nguồn cung thay thế
Không giống như dầu và than, đến nay, EU vẫn chưa trừng phạt khí đốt của Nga. Năm 2023, liên minh nhập khẩu 30 tỷ mét khối khí đốt từ xứ sở bạch dương, bằng tổng lượng tiêu thụ của Tây Ban Nha, nước tiêu thụ khí đốt lớn thứ tư của EU (sau Đức, Italy và Pháp).
Mặc dù nhu cầu khí đốt của EU đạt đỉnh điểm vào năm 2010 và hiện nay thấp hơn khoảng 19% so với mức cao khi đó, nhưng khí đốt tự nhiên vẫn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng châu Âu. Đây là nhiên liệu lớn thứ hai đáp ứng nhu cầu năng lượng sơ cấp của khối, chiếm khoảng 21%, sau dầu mỏ (38%).
Châu Âu là khu vực nhập khẩu ròng lớn, cạnh tranh nguồn cung khí đốt với châu Á, cũng là khu vực nhập khẩu lớn khác. Ở đó, tổng lượng tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc (nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới) vượt quá EU.
Mặc dù có các sản phẩm thay thế nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn. Năng lượng xanh đang dần chiếm thị phần của nhiên liệu hóa thạch, nhưng để thay thế khí đốt trên quy mô lớn, EU cần đầu tư nhiều hơn. Đây là một quá trình cần có thời gian.
Hơn nữa, do việc sản xuất điện từ năng lượng tái tạo không được duy trì liên tục, khí đốt là nhiên liệu được ưu tiên lựa chọn để tạo ra năng lượng dự phòng.
Châu Âu đã chứng kiến một số nguồn nhiên liệu được thay thế, nhưng việc này chủ yếu diễn ra giữa các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên khác nhau. Khoảng trống nguồn cung do Nga để lại phần lớn được lấp đầy bởi nguồn cung LNG và khí đốt qua đường ống của Na Uy hay từ Bắc Phi. Azerbaijan cũng cung cấp khí đốt cho Đông Nam Âu và Italy.
Tuy nhiên, việc giao hàng từ Na Uy, Bắc Phi và Azerbaijan bị hạn chế bởi công suất sản xuất và năng lực vận chuyển.
Trong bối cảnh đó, Mỹ là nước hưởng lợi lớn nhất từ cú sốc nguồn cung ở châu Âu. Gần 70% xuất khẩu LNG của nền kinh tế số 1 thế giới cập bến các nước EU trong năm 2022, tăng từ 32% vào năm 2021.
Năm 2023, quốc gia này vẫn cung cấp gần một nửa tổng lượng nhập khẩu LNG của EU - vượt quá nguồn cung từ Trung Đông, châu Phi và Nga cộng lại. Trớ trêu thay, việc giao LNG từ Nga sang EU cũng tăng mạnh vào năm 2022, tăng gần 30% so với mức của năm 2021, trước khi giảm nhẹ vào năm 2023.
Trước và sau xung đột xảy ra
Trước khi nổ ra xung đột ở Ukraine (tháng 2/2022), nhu cầu khí đốt ở châu Âu tăng chậm. Từ năm 2011-2021, nhu cầu ở châu lục này tăng trưởng với tốc độ cận biên 0,2% mỗi năm, so với 4% ở châu Á.
EU từ lâu đã ban hành một số chính sách nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, hạn chế khả năng các nhà xuất khẩu khí đốt mở rộng ảnh hưởng của họ trong khu vực. Chính sách này không giống như ở châu Á, nơi mang lại những cơ hội sinh lợi và lâu dài. Hai tháng sau khi bùng phát xung đột Nga-Ukraine, liên minh đã thông qua kế hoạch REPowerEU nhằm giảm nhanh sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Moscow và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.
Được đưa ra vào tháng 5 2022, kế hoạch gợi ý rằng mục tiêu trước đó trên toàn EU là 32% từ năng lượng tái tạo vào năm 2030 cần được sửa đổi theo hướng tăng hơn để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh. Ủy ban châu Âu đề xuất tăng con số này lên 45% vào năm 2030.
EU cũng cam kết loại bỏ dần khí đốt của Nga vào năm 2027 và nói chung giảm thiểu sự phụ thuộc của khối vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, khi châu Âu chuyển sang nền kinh tế xanh.
Triển vọng thị trường
Trong ngắn hạn, xung đột ở Ukraine và sự gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu ít nhất đã tạo ra cơ hội ngắn hạn cho các nhà cung cấp LNG để lấp đầy khoảng trống tiêu thụ khí đốt của châu lục. Lục địa già có cơ sở hạ tầng vững chắc cho các trạm tiếp nhận LNG, với nhiều kế hoạch hơn sau xung đột.
Tuy nhiên, liệu châu Âu có trở thành khách hàng ổn định lâu dài hay không - chưa nói đến việc tăng trưởng - còn phụ thuộc vào một số yếu tố. Chúng chủ yếu bao gồm các lựa chọn cung cấp khí đốt thay thế có sẵn từ bên trong châu Âu, giá cả, nhu cầu, đặc biệt là liệu các mục tiêu chính sách đầy tham vọng có thể đạt được hay không.
Về dài hạn, kế hoạch REPowerEU ngụ ý rằng có thể có rất ít hoặc thậm chí không có cơ hội để tăng nhập khẩu LNG trong thời gian dài hơn (sau năm 2030). Tuy nhiên, các mục tiêu trong kế hoạch đó có vẻ khá tham vọng.
Ví dụ, để đạt được những mục tiêu này, việc triển khai năng lượng gió và năng lượng Mặt trời đến năm 2030 sẽ phải vượt gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng lịch sử của năng lượng gió và gấp 6 lần tốc độ tăng trưởng lịch sử của năng lượng Mặt trời.
Do đó, nhu cầu dài hạn về khí đốt tự nhiên và đặc biệt là LNG có liên quan đến câu hỏi liệu châu Âu sẽ bỏ lỡ các mục tiêu chính sách của mình ở mức độ nào. Đây là câu hỏi mà nhiều nhà xuất khẩu LNG hiện đang cố gắng tìm lời giải đáp.