Cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc: Năm điều cần biết

Cuộc khủng hoảng năng lượng trên khắp Trung Quốc đang làm gián đoạn hoạt động sản xuất, đặt ra thách thức đối với chuỗi cung ứng công nghệ và làm suy yếu sự tăng trưởng kinh tế tại quốc gia này.

Việc cắt giảm điện tại Trung Quốc được cấu thành bởi một loạt yếu tố, từ giá nguyên liệu tăng cao, sự phục hồi từ Covid-19... cho đến các cam kết về môi trường của nước này.

Dưới đây là 5 điều cần biết về cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra nghiêm trọng tại quốc gia rộng lớn và đông đúc này.

Tại sao cắt điện?

Chủ tịch Tập Cận Bình từng cam kết rằng lượng khí thải carbon của Trung Quốc phải đạt đến giới hạn trước năm 2030 và nước này sẽ đạt được mức độ trung tính carbon vào năm 2060. Điều đó có nghĩa, một sự thay đổi lớn về môi trường sẽ diễn ra ở quốc gia này, nơi hơn một nửa điện năng được tạo ra từ than đá.

Vào tháng 8, Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc (NDRC) đã kêu gọi các tỉnh thành công nghiệp như Giang Tô, Quảng Đông và Hồ Bắc cần phải đạt mức sử dụng năng lượng nhất định cho một đơn vị sản lượng kinh tế. Sau đó, chính quyền những địa phương này đã gửi thông báo đến các công ty yêu cầu cắt giảm lượng điện tiêu thụ.

Nhưng có nhiều điều khác đang diễn ra. Tình trạng thiếu điện còn do giá than và khí đốt đã tăng đột biến trong những tuần gần đây. Bên cạnh đó, khí hậu nóng bức ở các khu vực như Quảng Đông và sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 đã dẫn đến nhu cầu điện cao.

Theo công ty nghiên cứu Wood Mackenzie, vì giá điện do nhà nước quy định, nên các nhà máy điện đang lỗ hơn 0,15 nhân dân tệ cho mỗi kilowatt bởi giá nhiên liệu tăng cao hiện tại. Người đại diện công ty này nói: “Có rất ít động lực để các nhà máy điện mua thêm nhiên liệu trên thị trường, họ không thể tính thêm chi phí phát sinh cho người tiêu dùng”.

Ai và ở đâu bị ảnh hưởng?

Việc cắt điện hoặc hạn chế sử dụng điện đã diễn ra ở ít nhất 20 tỉnh và khu vực của Trung Quốc những tuần qua. Tại tỉnh Giang Tô, trung tâm công nghệ của Trung Quốc, một số nhà sản xuất đã được yêu cầu giảm mức sử dụng năng lượng trong thời gian còn lại của tháng 9, từ 10% đến 30%. Thậm chí, một số công ty đã nhận được yêu cầu ngừng sử dụng điện hoàn toàn.

Theo Rintaro Tanaka của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), ít nhất 180 công ty Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện tại Quảng Đông - trung tâm sản xuất ô tô và đồ điện tử. Kể từ giữa tháng 9, các công ty này đã bị yêu cầu ngừng hoặc giảm tiêu thụ điện tới 5 ngày/tuần. Việc cúp điện cũng đã được lên kế hoạch tại một số khu vực nhất định của Bắc Kinh và Thượng Hải.

Thiếu điện khiến nhiều khu vực ở Trung Quốc không thể duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị - Ảnh: Reuters

Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ chịu tác động như thế nào?

Việc cúp điện tại Trung Quốc đang ảnh hưởng trực tiếp tới các nhà cung cấp chính cho các tập đoàn toàn cầu như Apple, Tesla và Microsoft. Nhiều công ty đang phải dựa vào hàng tồn kho để duy trì hoạt động sản xuất.

Tuy nhiên, nếu việc thiếu điện tiếp tục kéo dài trong tháng tới, một loạt ngành công nghiệp sẽ phải rơi vào tình trạng gián đoạn nghiêm trọng trong sản xuất, vì một mắt xích bị mất sẽ nhanh chóng ảnh hưởng đến những mắt xích khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng còn kéo dài bao lâu?

Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) dự kiến, cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc sẽ kéo dài đến khoảng cuối tháng 10, hoặc thậm chí đến đầu tháng 11. Nhưng, nhiều chuyên gia còn dự đoán lâu hơn.

Chaoping Zhu, chiến lược gia thị trường toàn cầu của JP Morgan Asset Management cho biết: “Có khả năng cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc sẽ kéo dài đến cuối năm 2021, do các chính quyền địa phương vẫn phải chịu áp lực hoàn thành mục tiêu giảm khí thải trong năm nay”.

Theo Whitworth tại Wood Mackenzie, tình hình còn phụ thuộc vào giá nhiên liệu và chính sách của chính phủ. Ông nói: “Nhu cầu điện sẽ giảm đi trong nửa cuối năm nay, nhưng giá nhiên liệu có thể vẫn tăng vào mùa đông. Giải pháp có thể là chính phủ cần giảm bớt áp lực tài chính đối với các nhà máy điện than và khí đốt bằng cách tăng thuế tiêu dùng”.

Không có gì đảm bảo cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại ở Trung Quốc chỉ là một lần duy nhất. Nước này đã công bố chính sách hạn chế sử dụng điện lâu dài, nhấn mạnh rằng họ sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ việc tiêu thụ năng lượng.

Người dân mua thực phẩm từ một người bán hàng ven đường ở quận Futian, Thâm Quyến - Ảnh: Brent Lewin / Bloomberg

Nền kinh tế Trung Quốc sẽ ra sao?

Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc đang rất đáng thất vọng, cũng như sự yếu kém của thị trường bất động sản - khu vực mà chính phủ nước này đang giảm bớt việc vay nợ của các tập đoàn bất động sản khổng lồ, dẫn đầu là China Evergrande. Do đó, các nhà kinh tế đã cảnh báo về sự một suy thoái chung về kinh tế tại Trung Quốc.

Vào thứ Sáu tuần trước (24/9), Nomura đã thay đổi dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Trung Quốc từ 8,2% xuống 7,7%, với lý do chuỗi cung ứng bị sốc do khủng hoảng nguồn điện. Goldman Sachs cũng vừa điều chỉnh dự báo tăng trưởng quý III của Trung Quốc xuống 0%, thay vì 1,3% như trước.

Hoàng Hải

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cuoc-khung-hoang-nang-luong-tai-trung-quoc-nam-dieu-can-biet-post158893.html