Cuộc khủng hoảng năng lượng trên khắp thế giới diễn ra như thế nào?
Các trạm xăng của Anh đang cạn kiệt, chi phí điện tăng cao ở Liên minh châu Âu trước mùa đông, Trung Quốc buộc phải hạn chế sử dụng năng lượng và giá dầu, khí đốt tự nhiên và than tăng ở nhiều nơi. Điều gì đang xảy ra trên khắp thế giới?
Trong cùng một thời điểm, hàng loạt quốc gia và khu vực rơi vào tình trạng khan hiếm hoặc thiếu hụt năng lượng, điều này báo hiệu những thách thức lớn đối với tham vọng phục hồi sau COVID-19 của các chính phủ.
Giá điện ở châu Âu tăng mạnh trong xu thế tăng giá năng lượng trên khắp toàn cầu - Ảnh: Reuters
Câu hỏi đặt ra là liệu tình trạng hiện tại có phải là do sự thiếu hụt năng lượng toàn cầu hay đơn giản chỉ là sự trùng hợp của các cuộc khủng hoảng khu vực? Thực tế đang diễn ra tại Trung Quốc, châu Âu, Anh và một số khu vực khác cho thấy ít có điểm chung trong các vấn đề của các nước.
Nguyên nhân của những sự cố trên có thể là do nhu cầu năng lượng phục hồi từ mức thấp bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng virus Corona đã làm tăng giá dầu, khí đốt và than đá, hạn chế nguồn cung liên tục của các nước xuất khẩu dầu mỏ và tắc nghẽn giao thông toàn cầu làm phức tạp thêm việc phân phối nhiên liệu.
Ngoài ra, sự gián đoạn về nhiên liệu có thể liên quan nhiều hơn đến các lựa chọn chính sách của địa phương và động lực của khu vực hơn là sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.
Giá dầu đã vượt qua mức giá 80 USD / thùng trong tuần này lần đầu tiên sau ba năm, trong khi khí đốt tự nhiên và than đá cũng đạt mức đỉnh trong nhiều năm. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự đoán dầu thô sẽ thống trị trong vài thập kỷ tới, bất chấp sự thúc đẩy năng lượng xanh toàn cầu.
Dự kiến trong tuần tới, OPEC và các nước đồng minh sẽ họp để quyết định xem có nên giải phóng năng lực sản xuất dự phòng để giúp kiềm chế giá cả hay không.
Khi mà những vấn đề về năng lượng chưa được giải quyết sớm, giá khí đốt tự nhiên và than đá - nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất thế giới - cũng đang tăng vọt và dưới đây là những gì đang phá vỡ thị trường năng lượng.
Một chiếc xe tải vận chuyển than tại một nhà máy nhiệt điện than ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc ngày 29 tháng 9 năm 2021 - Ảnh: REUTERS
Khủng hoảng điện ở Trung Quốc
Bắc Kinh đã bắt đầu phân phối điện cho các doanh nghiệp thiếu năng lượng khi nguồn cung than bị suy giảm do tăng cường kiểm tra an toàn tại các mỏ của Trung Quốc, điều này kéo sản lượng xuống dưới mức nhu cầu của năm trước trong phần lớn thời gian nửa đầu năm nay.
Sản lượng than thấp hơn đã thúc đẩy giá than nhiệt nội địa leo dốc, vốn đã đạt mức cao kỷ lục liên tiếp trong năm nay và tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Do Bắc Kinh ấn định giá điện, các nhà máy nhiệt điện than đã không thể hoạt động kinh tế với chi phí than cao như vậy và đang ngừng hoạt động.
Goldman Sachs ước tính rằng có tới 44% hoạt động công nghiệp của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện.
Hội đồng Điện lực Trung Quốc, đại diện cho các nhà cung cấp điện, cho biết hôm thứ Hai (27/9) rằng các công ty nhiệt điện than hiện đang "mở rộng các kênh mua sắm của họ bằng mọi giá" để đảm bảo nguồn cung cấp điện và nhiệt cho mùa đông.
Nhưng các nhà kinh doanh than cho biết việc tìm kiếm các nguồn nhập khẩu tươi có thể nói dễ hơn làm, với việc Nga tập trung vào phục vụ nhu cầu điện của châu Âu, mưa làm gián đoạn sản lượng từ Indonesia và các hạn chế về vận tải đường bộ cản trở nhập khẩu từ Mông Cổ.
Hóa đơn điện ở châu Âu tăng vọt
Chi phí sản xuất ở Tây Ban Nha đã tăng gấp ba lần, phản ánh sự gia tăng đột biến trong hóa đơn điện trên toàn EU trong những tuần gần đây. Chi phí điện tăng cao đã làm dấy lên lo ngại về một mùa đông khó khăn ở phía trước, khi các hộ gia đình cần điện để sưởi ấm và đẩy mức tiêu thụ lên cao điểm theo mùa.
Nguyên nhân khiến chi phí tăng cao ở châu Âu là sự kết hợp của các yếu tố địa phương, từ kho dự trữ khí đốt tự nhiên thấp, việc vận chuyển nhiên liệu bị kẹt ở ngoài khơi do các hạn chế Covid, sản lượng điện gió và năng lượng mặt trời của khu vực thấp đến việc bảo trì khiến máy phát điện hạt nhân và các nhà máy khác không hoạt động.
Thời điểm khó khăn sẽ không sớm kết thúc khi nhu cầu dự kiến sẽ tăng trong những tháng tới, nhưng việc các nhà máy điện trở lại sau khi bảo trì và việc khởi động đường ống dẫn khí Nord Stream 2 mới hoàn thành từ Nga đến Đức có thể sẽ làm dịu thị trường.
Trước khi tình hình thay đổi, Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, Anh và những nước khác đang lên kế hoạch cho các biện pháp quốc gia, từ trợ cấp đến giới hạn giá, nhằm bảo vệ người dân khỏi chi phí gia tăng khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Một tấm biển thông báo cho khách hàng rằng nhiên liệu đã hết tại một trạm xăng ở Hemel Hempstead, Anh, ngày 29 tháng 9 năm 2021 - Ảnh; Reuters
Các trạm xăng dầu của Anh cạn khô
Nhu cầu mua xăng hoảng loạn của các phương tiện cơ giới đã khiến các trạm bơm nhiên liệu khô cạn khắp các thành phố lớn ở Anh gây ra một trong những đợt gián đoạn năng lượng tồi tệ nhất mà nước Anh phải đối mặt trong nhiều thập kỷ. Thậm chí ẩu đả đã xảy ra tại các trạm đổ xăng khiến chính phủ Anh kêu gọi người dân bình tĩnh.
Khoảng 90% sản lượng của các trạm xăng là thành viên của Hiệp hội các nhà bán lẻ xăng dầu của Vương quốc Anh đã cạn nhiên liệu vào cuối tuần trước. “Người mua xếp hàng dài hàng km tại các trạm xăng dầu trên khắp cả nước. Đánh nhau ở cây bơm xăng. Các kệ trống rỗng trong cửa hàng. Hỗn loạn trên những con đường có lưới ngăn”. Phóng viên James Brownsell của Al Jazeera cho biết.
Nhưng vấn đề của Anh không phải là thiếu xăng, mà là thiếu các tài xế xe tải để vận chuyển nó từ các nhà máy lọc dầu đến các nhà bán lẻ - một trong những “tác dụng phụ” kỳ lạ của việc Anh rời EU. Điều này xuất hiện khi các tài xế bị hoãn cấp chứng chỉ và đào tạo lái xe tải trong thời kỳ đại dịch.
Để khắc phục tình trạng này, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã cấp thị thực tạm thời cho hàng nghìn tài xế xe tải nước ngoài để cung cấp nhiên liệu cho thị trường, đồng thời điều quân đội túc trực để giúp đỡ, và hy vọng sẽ lập lại trật tự tại các trạm bơm trước kỳ nghỉ lễ.
Thế giới đang trải qua những tuần đầy bất ổn. Khi COVID-19 vẫn còn là nỗi lo ngại chủ yếu, sự thiếu hụt năng lượng cho sản xuất và shinh hoạt đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng vốn đã khiến các nền kinh tế kiệt quệ bởi đại dịch.