Cuộc khủng hoảng nhân lực trong ngành sản xuất Trung Quốc

Trong bối cảnh người trẻ có xu hướng làm trong ngành dịch vụ cùng dân số có xu hướng già hóa giống Nhật Bản, Trung Quốc đang có nguy cơ đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân lực trong ngành sản xuất.

 Trung Quốc sắp đối mặt với thiếu nhân lực trong ngành sản xuất.

Trung Quốc sắp đối mặt với thiếu nhân lực trong ngành sản xuất.

Thời gian gần đây, hiện tượng "khó tuyển", "thiếu lao động" xuất hiện ở nhiều nơi tại Trung Quốc. Nhiều ngôi làng gần chợ vải Quảng Châu tấp nập các chủ xưởng may ôm đồ mẫu, cầm bảng hiệu xếp hàng dài hàng trên đường phố, chờ "được" tuyển công nhân.

Một số ông chủ tuyển dụng nói với NetEase rằng, hiện tại nguồn cung công nhân đang rất khan hiếm. Mặc dù mức lương hàng ngày đã tăng gần 20% so với các năm trước, họ vẫn không thể tuyển được người sau vài ngày đứng chờ.

Nhiều người phàn nàn rằng, giới trẻ ngày nay thích ngành dịch vụ hơn ngành sản xuất, thậm chí chỉ trích giới trẻ quan trọng hóa thể diện. Một số ông chủ cũng đang tích cực tìm cách cải thiện môi trường làm việc và tăng lương. Tuy nhiên, điều này dường như không giúp ích được gì nhiều.

Vậy vấn đề nằm ở đâu? Loại khủng hoảng nào sẽ xuất hiện trong tương lai và sẽ có tác động gì đến nền kinh tế Trung Quốc?

1. Tại sao nền công nghiệp của Đức lại phát triển dù dân số ít?

Lương thấp là lý do hàng đầu khiến những người trẻ phải miễn cưỡng làm việc trong lĩnh vực sản xuất. So với giá cả sinh hoạt và giá nhà ở, lương của ngành sản xuất ở nhiều quốc gia thực sự thấp, trong đó có Trung Quốc.

Tại sao Đức - quốc gia có dân số chỉ 80 triệu người - nhưng lại có thể sản xuất 2.300 thương hiệu nổi tiếng thế giới? Thực tế, thu nhập của công nhân Đức rất tốt, thậm chí cao hơn công chức, giáo sư. Vì vậy, các doanh nghiệp không phải đối mặt với nỗi lo tuyển người.

Cấp bậc đại học Đức chia thành hai mô hình giáo dục, với hai định hướng khác nhau. Hệ thống trường Đại học Tổng hợp (Universität) thiên về lý thuyết và hệ thống trường Đại học Khoa học Ứng dụng (Fachhochschule) chú trọng hơn đến kiến thức thực tế và tích hợp với công nghiệp. Theo đánh giá, sinh viên tốt nghiệp Đại học Khoa học Ứng dụng dễ tìm việc hơn, một số người đã trở thành giám đốc điều hành của các công ty lớn.

Đại đa số công nhân, công chức và lao động bình thường của Đức hầu như không phải đối mặt với sự khác biệt về nguồn lực giáo dục. Mọi người đều có thể tận hưởng môi trường giáo dục công bằng. Có rất ít sự khác biệt về nguồn lực cho giáo dục công, đặc biệt là giai đoạn giáo dục bắt buộc. Vì vậy, người Đức không quá lo lắng về cơ hội học hành và chọn trường.

Dù làm công nhân trong nhà máy, họ cũng đủ năng lực mua hoặc thuê nhà. Sau 35 tuổi, chỉ cần người lao động có trình độ và tay nghề, họ có thể yên tâm làm việc suốt đời.

Bên cạnh đó, hệ thống phúc lợi, chăm sóc y tế và giáo dục đều miễn phí. Người Đức trung bình làm việc 187 ngày/năm, 4 ngày/tuần, trung bình 7 giờ/ngày và 6 tuần nghỉ phép có lương mỗi năm.

Khi không có áp lực về nhà ở, giáo dục, chăm sóc y tế hay lương, người lao động Đức không có quá nhiều "tham vọng". Họ không muốn khởi nghiệp, cũng không muốn làm nghề chuyển phát nhanh. Đối với họ, những ngành nghề rủi ro, vất vả mưa gió chẳng bằng làm việc chăm chỉ trong nhà máy.

Công nhân lắp ráp xe tại nhà máy xe Audi. Ảnh: The Guardian

Bạn có thể tìm thấy rất nhiều thương hiệu sản xuất ở Đức ở hầu hết mọi lĩnh vực như Siemens, Porsche, BMW, Mercedes-Benz, Audi,...

Cựu Tổng thống Đức Roman Herzog từng nói: "Để duy trì khả năng cạnh tranh kinh tế, điều mà nước Đức cần không phải là nhiều tiến sĩ, mà là nhiều kỹ thuật viên".

Người Đức rất thực dụng. Họ không cần quá nhiều tiến sĩ cùng những bản luận án mà tôn trọng giá trị của người lao động. Đối với người lao động, đây là sự thỏa mãn về tinh thần và được nhìn nhận giá trị bản thân.

Người Đức khá bảo thủ. Họ không hào hứng tham gia vào các công cụ tài chính phái sinh hay đầu tư đất đai mà chú trọng làm tốt công việc sản xuất để kiếm tiền trên toàn thế giới. Đây là văn hóa lao động của người Đức.

Quay lại với Trung Quốc, ngành sản xuất của nước này đang bắt đầu thiếu người. Nếu không nhanh chóng hành động thì kết quả sẽ ra sao? Hãy nhìn vào Nhật Bản.

2. Dân số ít, sức tiêu thụ giảm, nhà máy không tuyển được người

Năm 2019, số liệu thống kê từ công ty nghiên cứu Nhật Bản Data Bank cho thấy, do tỷ lệ sinh giảm khiến dân số già ngày càng gia tăng. Các doanh nghiệp có tuổi đời hàng thế kỷ của Nhật Bản thiếu người kế thừa và đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Năm 2018, số doanh nghiệp 100 năm tuổi đóng cửa lên tới 465, lập kỷ lục mới trong gần 20 năm.

Số liệu của Cục Quản lý Doanh nghiệp của Nhật Bản cho thấy, đến năm 2025, sẽ có khoảng 2,45 triệu chủ sở hữu doanh nghiệp vừa và nhỏ trên 70 tuổi. Khoảng một nửa trong số đó vẫn chưa tìm được người thừa kế sản nghiệp.

Trung Quốc có hai điểm rất giống Nhật Bản, đó là tỉ lệ sinh giảm khiến dân số già tăng lên và người trẻ ngại làm việc trong các ngành sản xuất truyền thống.

Một số người trẻ tuổi ở Nhật Bản còn cực đoan hơn. Họ không quan tâm đến ngành dịch vụ truyền thống huống chi là các nhà máy. Ngày nay, nhiều người trẻ Nhật bản trở thành "hikikomori" - những người chỉ muốn ở nhà, tránh xa việc tương tác với bất cứ ai ngoài gia đình.

Các nhà máy sản xuất của Trung Quốc đang gặp khó khăn trong vấn đề tuyển công nhân. Ảnh: Forbes

Một số lượng đáng kể các công ty sản xuất ở Trung Quốc không thể tuyển dụng đủ công nhân. Điều tồi tệ là tỷ lệ sinh của Trung Quốc cũng đang giảm mạnh giống như Nhật Bản.

Năm 2020, số trẻ sơ sinh được đăng ký ở Trung Quốc chỉ là 10,03 triệu - giảm hơn 4 triệu so với năm 2019. Tỷ lệ sinh năm 2019 là 10,48%, đạt mức thấp nhất kể từ năm 2000 và tình hình sẽ còn tồi tệ hơn vào năm 2021.

Tỷ lệ kết hôn của người Trung Quốc đã giảm kể từ năm 2013. Từ năm 2013 đến năm 2020, số lượng đăng ký kết hôn tiếp tục giảm từ mức cao lịch sử, từ 13,47 triệu xuống 8,13 triệu.

Ngành công nghiệp sản xuất cần có sự hỗ trợ của con người, hiện nay số lượng dân số giảm nhanh đồng nghĩa với sức tiêu dùng giảm. Các công ty Trung Quốc sẽ gặp phải tình trạng tương tự như các công ty Nhật Bản trong tuyển dụng công nhân trong tương lai.

Người Đức đã làm như thế nào? Đối với chính sách thai sản, chính phủ Đức cho phụ nữ 3 năm nghỉ thai sản, để các bà mẹ có đủ thời gian đồng hành cùng con lớn lên.

Để giảm chi phí trông trẻ, chính phủ Đức từ lâu đã thực hiện hệ thống miễn học phí trừ nhà trẻ. Trong thời gian vợ sinh con, chồng có thể xin nghỉ phép hưởng chế độ thai sản. Trong thời gian này, cả bố và mẹ được hưởng khoảng 70% mức lương ban đầu kèm trợ cấp sinh con hàng tháng.

Mặc dù vậy, phụ nữ Đức rất ngại sinh con vì mức độ tham gia của họ vào công việc trong xã hội hiện đại ngày càng cao. Việc sinh con sẽ ảnh hưởng đến lộ trình thăng tiến và việc làm của phụ nữ.

3. Nếu người dân không sinh đẻ, đất nước phải thu hút người nhập cư

Các nhân viên làm việc trên dây chuyền bên trong nhà máy Dongfeng Honda. Ảnh: CNBC

Dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho thấy, dân số Đức tiếp tục tăng từ năm 2011 đến năm 2019. Trong đó, nửa cuối năm 2015 ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong 10 năm qua do tác động của tình trạng nhập cư. Cụ thể, mức tăng ghi nhận so với cùng kỳ năm ngoái là 717.000 người, tức 0,9%. Trong toàn bộ khu vực châu Âu, dân số của Đức chỉ đứng sau Nga.

Nói một cách đơn giản, mặc dù người Đức có tỷ lệ sinh thấp nhưng họ không cần lo lắng về lực lượng lao động. Đức là quốc gia có lượng người nhập cư lớn thứ hai trên thế giới, được coi là lợi thế cho ngành sản xuất của Đức.

Vì vậy, cách giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực trong ngành sản xuất có thể thông qua ba con đường. Thứ nhất là tăng phúc lợi để tổng thu nhập, mức độ hạnh phúc và ý thức thành tựu của người lao động đạt mức trung bình của xã hội. Nếu không, người trẻ đổ xô vào các công ty Internet và ngành dịch vụ là điều hiển nhiên.

Thứ hai là tôn trọng người lao động và không phân biệt giới tính, khuyến khích lao động nữ sinh con với chính sách hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần. Nhật Bản và Hàn Quốc đã phải đóng cửa một số trường học do tỉ lệ sinh giảm quá mạnh.

Thứ ba là vấn đề nhập cư hay gia tăng lao động nước ngoài. Đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy cả năng lực sản xuất và tiêu dùng.

Nhật Bản đang cố gắng thu hút du học sinh nước ngoài thành lực lượng lao động cho quốc gia này. Gần đây, Nhật Bản đã chính thức thực hiện "Luật hưu trí mới được sửa đổi". Theo đó, người lao động Nhật Bản sẽ nghỉ hưu ở tuổi 70 thay vì 65 như trước đó.

Việc thiếu người trong ngành sản xuất không phải đơn giản về tiền lương, mà còn là vấn đề toàn bộ hệ thống xã hội cần được nâng cấp.

Theo NetEase

Thanh Hà

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/cuoc-khung-hoang-nhan-luc-trong-nganh-san-xuat-trung-quoc-post144487.html