Cuộc khủng hoảng ở Sudan cần một giải pháp do châu Phi dẫn dắt

Ngày 25-5, Đặc phái viên Liên minh châu Âu (EU) tại vùng Sừng châu Phi Annette Weber nhấn mạnh, các bên tham chiến tại Sudan cần phải củng cố lệnh ngừng bắn hiện tại và cho phép tiếp cận hàng viện trợ nhân đạo ngay lập tức với sự ủng hộ của một châu Phi thống nhất.

Theo tờ The National News, bà Weber nêu rõ thỏa thuận ngừng bắn kéo dài một tuần do Mỹ và Saudi Arabia làm trung gian với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng viện trợ tại Sudan được coi là điểm khởi đầu để chấm dứt xung đột giữa quân đội Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF). Bà Weber bày tỏ sự ủng hộ vai trò của Mỹ và Saudi Arabia, song nhấn mạnh sự cần thiết phải có vai trò rộng lớn hơn của châu Phi. Theo bà Weber, thỏa thuận ngừng bắn hiện nay không đủ để ngăn chặn giao tranh giữa các bên tại Sudan. Bà Weber cũng khẳng định, EU hoàn toàn ủng hộ ý tưởng về việc châu Phi dẫn đầu nỗ lực dàn xếp một giải pháp chính trị và nhân đạo cho cuộc khủng hoảng tại Sudan.

Người dân Sudan rời bỏ nhà cửa đi sơ tán. Ảnh: AFP

Người dân Sudan rời bỏ nhà cửa đi sơ tán. Ảnh: AFP

Thỏa thuận ngừng bắn hiện nay giữa SAF và RSF có hiệu lực vào tối 22-5 dưới sự giám sát của Mỹ và Saudi Arabia. Tuy nhiên, các cuộc đụng độ ác liệt vẫn tiếp diễn ở các thành phố của Sudan, bao gồm cả thủ đô Khartoum. Saudi Arabia và Mỹ đã chỉ trích các bên tham chiến tại Sudan vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời kêu gọi họ tuân thủ các cam kết của mình. Theo AFP, phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nêu rõ: “Chúng tôi đã tiếp tục nhận thấy những vi phạm lệnh ngừng bắn. Chúng tôi vẫn bảo lưu quyền trừng phạt và nếu phù hợp, chúng tôi sẽ không do dự sử dụng quyền này”.

Các cuộc đụng độ giữa SAF và RSF tại Sudan đã khiến hơn 1,3 triệu người dân nước này phải đi sơ tán. Theo hãng tin AP, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) thuộc Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, giao tranh đã buộc hơn 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đến các khu vực an toàn hơn bên trong Sudan. Khoảng 320.000 người khác đã trốn sang các nước láng giềng Ai Cập, Nam Sudan, Chad, Ethiopia, Cộng hòa Trung Phi và Libya. Bộ Y tế Sudan cho biết, ít nhất 730 người đã thiệt mạng, dù con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Những người ở lại Khartoum đang phải chịu cảnh thiếu điện và nước sinh hoạt, không có dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Xung đột đã đẩy quốc gia Đông Phi này đến bờ vực sụp đổ với các khu vực đô thị ở thủ đô Khartoum và thành phố lân cận Omdurman biến thành chiến trường.

LHQ và các đối tác tại Sudan đã bắt đầu triển khai viện trợ cho người dân ở các khu vực tuân thủ lệnh ngừng bắn giữa SAF và RSF. Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), khoảng 20 xe tải chở hàng cứu trợ của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và IOM đã được điều đến nhiều khu vực của Sudan. Tuy nhiên, các điều kiện an ninh không cho phép hoạt động diễn ra với quy mô đầy đủ. Các tổ chức trên chỉ có thể điều một số xe tải để tiến hành công tác viện trợ. Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết đã tiếp cận và hỗ trợ thực phẩm cho hơn 500.000 người tại 9 bang ở Sudan kể từ khi bắt đầu nối lại viện trợ cách đây khoảng 3 tuần. Hiện một số nước lân cận cũng đang tích cực tham gia công tác cứu trợ cho người dân tại Sudan.

Giao tranh đã làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo vốn đã tồi tệ ở Sudan. Theo LHQ, số người cần hỗ trợ trong năm nay đã tăng 57%, lên tới 24,7 triệu người, chiếm hơn một nửa dân số cả nước. Trước tình hình này, LHQ nhấn mạnh cần 2,6 tỷ USD để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi cuộc giao tranh ở Sudan.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/cuoc-khung-hoang-o-sudan-can-mot-giai-phap-do-chau-phi-dan-dat-729357

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/585108-cuoc-khung-hoang-o-sudan-can-mot-giai-phap-do-chau-phi-dan-dat.html