Cuộc nổi dậy 'truất ngôi' vương của đồng USD, nền kinh tế Mỹ vẫn ổn, dù sao nói luôn dễ hơn làm

Những nỗ lực chống lại đồng USD có thể làm xói mòn một số ảnh hưởng của nó. Tuy nhiên, người ta vẫn có những lý do để tin rằng không dễ gì lật đổ sự 'thống trị' của đồng bạc xanh.

Sự thống trị của đồng tiền Mỹ đã bị đánh giá thấp. Tính đến cuối năm 2022, USD chiếm 59,79% tổng dự trữ ngoại hối trên toàn cầu. (Nguồn: Shutterstock)

Sự thống trị của đồng tiền Mỹ đã bị đánh giá thấp. Tính đến cuối năm 2022, USD chiếm 59,79% tổng dự trữ ngoại hối trên toàn cầu. (Nguồn: Shutterstock)

Trong một bài viết mới đây được đăng tải trên finance.yahoo.com, tác giả của Vishesh Raisinghani nhận định, hồi giữa tháng 1/2023, Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed Al-Jadaan đã khiến các phóng viên tác nghiệp trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ sửng sốt khi bày tỏ rằng quốc gia giàu dầu mỏ này sẵn sàng giao dịch bằng các loại tiền tệ bên cạnh đồng USD.

Đây là lần đầu tiên sau 48 năm quốc gia Trung Đông này tỏ ý muốn sử dụng một đồng tiền khác ngoài đồng bạc xanh trong giao dịch quốc tế.

Ông Al-Jadaan cho biết: “Không có vấn đề gì khi thảo luận về cách chúng tôi xử lý các thỏa thuận thương mại, cho dù đó là bằng USD, đồng Euro hay nội tệ Riyal của Saudi Arabia”.

Còn theo Bloomberg, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, vốn đã duy trì tỷ giá hối đoái cố định với USD của Mỹ trong nhiều thập niên, đang tìm cách tăng cường quan hệ với các đối tác thương mại quan trọng bao gồm cả Trung Quốc.

Saudi Arabia là trụ cột của một hệ thống “USD dầu mỏ” được thành lập vào những năm 1970 dựa vào việc định giá xuất khẩu dầu thô bằng đồng bạc xanh.

Trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Saudi Arabia hồi năm ngoái, hai nước đã nhất trí tăng cường phối hợp về chính sách năng lượng và thăm dò khai thác. Trong chuyến đi đó, ông Tập nói rằng, Bắc Kinh sẽ mua thêm dầu từ Trung Đông và muốn thanh toán các hợp đồng bằng đồng Nhân dân tệ.

Những bình luận của Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia là tín hiệu mới nhất cho thấy các quốc gia giàu có trên thế giới đang âm mưu “phi USD hóa” nền kinh tế toàn cầu.

Đây là lý do tại sao việc thay thế đồng bạc xanh đang trở nên phổ biến. Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc “truất ngôi” đồng tiền của Mỹ vẫn trong tình trạng “nói dễ hơn làm”.

Cuộc "nổi loạn" chống lại đồng USD

Sự thống trị của USD đối với thương mại toàn cầu và dòng vốn đã bắt đầu từ ít nhất 80 năm trước. Trong 8 thập niên qua, Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời là thực thể chính trị có ảnh hưởng nhất và lực lượng quân sự hùng mạnh nhất toàn cầu.

Tuy nhiên, theo một báo cáo từ hãng tin CBC News, các nhà kinh tế từ các quốc gia khác đang ngày càng lo lắng rằng nước này đã “vũ khí hóa” vị trí quyền lực trong những năm gần đây.

Theo giới phân tích, Washington đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia có xung đột, từng đe dọa phá giá đồng tiền của chính mình…

Không có đáng ngạc nhiên khi những động thái trên của Mỹ đã gây ra phản ứng từ Trung Quốc, Nga và các cường quốc khác.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi lần thứ 14 vào năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố các biện pháp nhằm tạo ra một “tiêu chuẩn tiền tệ quốc tế” mới. Trong khi đó, Trung Quốc đã thúc giục các nhà sản xuất dầu mỏ và các nhà xuất khẩu lớn chấp nhận thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ.

Cuộc nổi dậy chống lại đồng bạc xanh có thể làm xói mòn một số ảnh hưởng của nó. Tuy nhiên, người ta vẫn có những lý do để tin rằng sự thống trị của USD sẽ được duy trì.

Không dễ thay thế USD

Sự thống trị của đồng tiền Mỹ đã bị đánh giá thấp. Tính đến cuối năm 2022, đồng bạc xanh chiếm 59,79% tổng dự trữ ngoại hối trên toàn cầu. Để so sánh, đồng Euro chiếm 19,66%, trong khi đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc chỉ chiếm 2,76% dự trữ toàn cầu.

Trung Quốc có thể mở rộng thị phần của mình lên gấp 20 lần nhưng vẫn thua xa đồng tiền của Mỹ.

Nói một cách đơn giản, việc thay thế USD trong dự trữ ngoại hối nói thì dễ hơn làm.

Trong thế kỷ XX và đến đầu thế kỷ XXI hiện nay, USD thống trị vì Mỹ là nền kinh tế số 1 toàn cầu. (Nguồn: AP)

Trong thế kỷ XX và đến đầu thế kỷ XXI hiện nay, USD thống trị vì Mỹ là nền kinh tế số 1 toàn cầu. (Nguồn: AP)

Tình trạng tiền tệ dự trữ có tương quan chặt chẽ với quy mô nền kinh tế của quốc gia phát hành. Nói cách khác, nền kinh tế lớn nhất thường có trạng thái tiền tệ dự trữ cao nhất.

Trong thế kỷ XIX, Bảng Anh là đồng tiền dự trữ của thế giới vì các thuộc địa rộng lớn của đế quốc Anh khi đó cần nó cho thương mại và buôn bán. Trong thế kỷ XX và đến đầu thế kỷ XXI hiện nay, USD đã thống trị vì Mỹ là nền kinh tế số 1 toàn cầu.

Tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại trong những năm gần đây và một số người tin rằng nền kinh tế số 2 thế giới này sẽ không bao giờ vượt qua Mỹ.

Trong khi đó, mặc dù Nga là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới trước khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (tháng 2/2022), nhưng quy mô kinh tế của nước này vẫn nhỏ hơn quy mô GDP của riêng bang California hoặc Texas thuộc Mỹ.

Và Ấn Độ, một quốc gia ở Nam Á, dù đang phát triển nhanh chóng, nhưng cũng sẽ cần tăng trưởng 628% để có thể sánh vai với GDP của Mỹ hiện nay. Để làm được điều này, New Delhi có thể mất 25 năm.

Nói tóm lại, vị trí dẫn đầu về kinh tế của Mỹ đơn giản là không thể vượt qua.

Lý do cuối cùng khiến người Mỹ không nên lo lắng về việc đồng USD mất ảnh hưởng là ngay cả trong trường hợp xấu nhất thì nước này cũng không rơi vào cảnh quá tệ. Một số nhà phân tích tin rằng tương lai có thể đa phương hơn.

Mỹ có thể mất ảnh hưởng trong một số phân khúc của nền kinh tế toàn cầu nhưng không mất đi sự thống trị ở mọi nơi. Ví dụ, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc có thể trở nên quan trọng hơn đối với thương mại và thanh toán xuyên biên giới, nhưng đồng USD có thể vẫn là đồng tiền dự trữ ưa thích của các ngân hàng trung ương tại các quốc gia phát triển.

(theo Yahoo, Bloomberg)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuoc-noi-day-truat-ngoi-vuong-cua-dong-usd-nen-kinh-te-my-van-on-du-sao-noi-luon-de-hon-lam-217827.html