Cuộc phân tranh trong căn nhà cấp 4

Pháp luật chưa kịp xác định căn nhà cấp 4 thuộc về ai nhưng mối quan hệ trong đại gia đình đã vĩnh viễn mất đi kể từ ngày họ đưa nhau ra tòa

Mồ côi từ nhỏ, chị Đ.T.C được một phụ nữ đơn thân nhận nuôi. Đến khi chị trưởng thành và lấy anh T.V.Đ làm chồng, hai mẹ con vẫn nương tựa vào nhau. Chị C. rước mẹ nuôi về ở chung để tiện bề báo hiếu, phụng dưỡng. Những tưởng, cuộc sống bình dị cứ vậy trôi qua.

Con nuôi và cháu ruột

Năm 2007, chị C. bệnh nặng rồi đột ngột qua đời, từ đó, anh Đ. gà trống nuôi 2 con. Đau lòng cảnh "người đầu bạc tiễn người đầu xanh", người mẹ nuôi cũng nhắm mắt xuôi tay sau đó 2 năm.

Cả hai không để lại di chúc. Bắt đầu từ đây khởi tranh cuộc chiến giành tài sản là căn nhà cấp 4 cũ kỹ, diện tích hơn 100 m2 do mẹ nuôi chị C. đứng tên sở hữu.

Năm 2011, anh Đ. về nhà mẹ vợ sửa lại nhà và làm thủ tục khai nhận thừa kế cho 2 con. Ông Đ.Q.V, cháu ruột, gọi mẹ vợ anh là cô, thấy thế liền ngăn cản. Ông V. khăng khăng chị C. không phải người trong gia đình vì không có giấy tờ nào chứng minh hay chính quyền nào thừa nhận mối quan hệ mẹ nuôi - con nuôi này. Do đó, chị C. không có quyền hưởng trọn tài sản thừa kế. Cũng theo ông V., mảnh đất trên là tài sản ông bà để lại cho đại gia đình. Con cháu góp tiền xây dựng căn nhà cấp 4 như trên làm nơi đi về, hội họp. Gia đình chị C. hoàn toàn không liên quan, không có mối quan hệ thân thuộc.

Tốn tiền sửa nhà xong mà bị đuổi ra khỏi nhà, anh Đ. khởi kiện ra tòa án địa phương, yêu cầu giải quyết về quyền tài sản thừa kế giữa anh và ông V. Đồng thời, anh đề nghị tòa án công nhận 2 con anh có quyền hưởng toàn bộ tài sản trên. Nguyên đơn trình bày căn nhà do mẹ nuôi bỏ tiền xây dựng từ lâu. Từ khi sống chung với vợ chồng anh, bà có nhờ ông V. trông coi căn nhà.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện, tòa sơ thẩm tuyên bố việc nhận con nuôi là hợp pháp. HĐXX sơ thẩm kết luận 2 con của chị C. có quyền hưởng thừa kế đối với di sản do bà ngoại để lại. Anh Đ. khấp khởi mừng thầm sau giây phút tòa tuyên án. Thế nhưng...

Minh họa: Hoàng Đặng

Minh họa: Hoàng Đặng

Hành trình theo kiện

Ông Đ.Q.V kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tại phiên xử phúc thẩm, bị đơn lớn tiếng cho rằng: "Thẩm phán làm gì có đủ cơ sở công nhận nó (chị C. - PV) do cô tôi nhận nuôi hợp pháp. Chính quyền có xác nhận cô tôi không thực hiện việc đăng ký nhận nuôi con nuôi".

Nguyên đơn đưa ra bằng chứng vợ anh có giấy khai sinh do mẹ nuôi đích thân đi làm thủ tục. Tuy nhiên, anh không may mắn như lần ra tòa trước đây. HĐXX phúc thẩm quyết định hủy toàn bộ bản án, giao cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án. Những chuỗi ngày sau đó không khá hơn khi tòa sơ thẩm có quan điểm đồng tình với ông V. HĐXX sơ thẩm lần 2 bác bỏ yêu cầu nguyên đơn đưa ra.

"Chủ tọa giải thích vợ tôi không có tên trong sổ hộ tịch. Do đó, pháp luật chưa đủ cơ sở công nhận mối quan hệ mẹ nuôi - con nuôi. Vì miếng đất là tài sản thừa kế mà mẹ vợ tôi thừa hưởng từ ông bà ngoại nên quyền thừa kế thuộc về các con và cháu ruột của ông bà. Nghe đến đây, tôi hụt hẫng. Tôi buồn vì mất tài sản thì ít mà buồn vì sự ích kỷ, cạn tình của họ. Bao nhiêu năm nay, có ai không biết vợ chồng tôi hết lòng phụng dưỡng mẹ nuôi" - anh Đ. kể.

Nhất quyết không bỏ cuộc, anh Đ. kiên trì kháng cáo. Mới đây, tòa phúc thẩm một lần nữa hủy toàn bộ bản án sơ thẩm do vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và quá trình thu thập, đánh giá chứng cứ. Cụ thể, cấp sơ thẩm không xác định đầy đủ quan hệ pháp luật có tranh chấp dẫn đến không đưa đầy đủ người có quyền, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng; không tiến hành thẩm định, định giá tài sản...

Kết thúc xét xử, chủ tọa vẫn mong hai bên nhường nhịn, tìm tiếng nói chung. "Tự thỏa thuận phân chia tài sản không những giúp hai bên duy trì mối quan hệ vốn có trong gia đình, mà còn có thể tiết kiệm thời gian, tiền bạc. Mong hai người nghĩ đến người đã khuất" - vị thẩm phán nói.

Phiên tòa kết thúc, trước khi ra về, cả nguyên đơn và bị đơn vẫn không quên gửi đến nhau vài câu chỉ trích. Trong căn nhà cấp 4 hiện cửa đóng then cài ấy, cuộc chiến tranh giành tài sản thừa kế vẫn chưa có hồi kết...

Nhìn nhận mối quan hệ thực tế

Sau bản án sơ thẩm lần thứ hai, VKSND TP HCM có kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. VKSND nhận định cơ quan pháp luật cần xác định chị C. là con nuôi thực tế và có một phần thừa kế trong khối tài sản mẹ nuôi sở hữu lúc sinh thời. Việc cấp sơ thẩm kết luận chưa có cơ sở xác định quan hệ mẹ nuôi - con nuôi ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Di Lâm

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/cuoc-phan-tranh-trong-can-nha-cap-4-20200327194956747.htm