Cuộc phong tỏa lớn nhất của Trung Quốc từ sau Vũ Hán

13 triệu dân thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây đã được yêu cầu ở nhà để chống dịch. Đây là đợt phong tỏa lớn nhất của Trung Quốc kể từ sau Vũ Hán đầu năm 2020.

Trong đợt phong tỏa ở Tây An, mỗi hộ gia đình phải chỉ định một người đi chợ mua nhu yếu phẩm hai ngày một lần. Người dân cũng bị cấm rời thành phố vì lý do không thiết yếu.

Quy định trên được đưa ra sau khi đợt xét nghiệm diện rộng thứ 2 phát hiện 127 ca mắc Covid-19 phân bố ở 14 quận của Tây An. Sự phân bố của các F0 khiến công tác kiểm soát virus lần này “nghiêm trọng và phức tạp”, Tân Hoa Xã đưa tin.

 Trung Quốc vẫn đang chống Covid-19 hơn 2 tháng sau đợt bùng phát đầu tiên. Đồ họa: Bloomberg.

Trung Quốc vẫn đang chống Covid-19 hơn 2 tháng sau đợt bùng phát đầu tiên. Đồ họa: Bloomberg.

Số ca mắc ngày càng lớn thể hiện thách thức Trung Quốc phải đối mặt trong lúc hoạt động đi lại trở nên bận rộn dịp nghỉ lễ. Thách thức đó càng lộ rõ khi Trung Quốc còn phải chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic mùa đông - sự kiện sẽ có sự tham gia của nhiều vận động viên nước ngoài vào tháng 2/2022.

Đại đa số ca nhiễm tại Tây An tới nay là chủng Delta, nhưng Trung Quốc cũng đang chuẩn bị tinh thần chống lại Omicron - biến chủng dễ lây lan hơn Delta và có khả năng kháng miễn dịch có được sau tiêm chủng hoặc khỏi bệnh.

Trận chiến chưa dứt

Trung Quốc tới nay là nước duy nhất trên thế giới vẫn kiên trì với con đường triệt tiêu hoàn toàn dấu vết của virus trong cộng đồng.

Lần phong tỏa Tây An là động thái tăng cường mới nhất của nước này nhằm dập tắt bước đường lây nhiễm của Delta. Để ngăn ngừa virus lan sang các khu vực khác, thành phố Tây An hủy mọi chuyến bay nội địa vào ngày 23/12, theo Paper.

Xuyên suốt đại dịch, giới chức Trung Quốc đã có thể dập tắt các đợt bùng phát trong thời gian khoảng một tháng, thông qua xét nghiệm diện rộng, truy vết quyết liệt và phong tỏa có chọn lọc.

 Người dân xếp hàng trong đợt xét nghiệm diện rộng tại Tây An vào tháng 12. Ảnh: Reuters.

Người dân xếp hàng trong đợt xét nghiệm diện rộng tại Tây An vào tháng 12. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, khi các biến chủng mới trở nên dễ lây lan hơn, nhà chức trách Trung Quốc đã phải áp dụng các biện pháp ngày càng nghiêm ngặt để kiểm soát dịch, từ đó gây sức ép lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đã hơn hai tháng trôi qua mà Trung Quốc chưa ghi nhận ca mắc cộng đồng mới.

Trước đó, chính quyền các địa phương từng ra lệnh phong tỏa có chọn lọc để làm chậm tốc độ bùng dịch ở những vùng có diện tích nhỏ. Nhưng tới nay, chưa thành phố lớn nào bị áp dụng biện pháp giới hạn diện rộng kể từ sau Vũ Hán hồi đầu năm 2020. Thành phố Tây An có dân số tương đương Vũ Hán.

Ngày 23/12, giới chức Bắc Kinh thừa nhận rằng lây nhiễm nCoV tại Thế vận hội mùa đông - sự kiện khai mạc vào tháng 2/2022 - là điều không thể tránh khỏi. Họ kêu gọi người tham gia tiêm mũi tăng cường để bảo vệ hiệu quả hơn trước virus, đặc biệt là chủng Omicron.

Virus âm thầm lây nhiễm

Đợt bùng dịch tại thành phố Tây An - cố đô của nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc và nổi tiếng với những pho tượng chiến binh đất nung - có nguồn gốc từ một chuyến bay từ Pakistan.

Hai tuần trước, ngày 9/12, một nhân viên vệ sinh tại khách sạn cách ly bị phát hiện mắc Covid-19 sau khi lau dọn phòng dành cho những người xét nghiệm dương tính tại thời điểm nhập cảnh vào Trung Quốc.

Nhiều ca mắc đầu tiên của đợt dịch này nhiễm phải một chủng phụ của Delta. Virus nhanh chóng lây lan cho đồng nghiệp của người nhân viên trên, và một chuỗi lây nhiễm khác có thể đã đưa nCoV từ sân bay vào cộng đồng.

 Nhân viên y tế làm việc trong một trạm xét nghiệm dã chiến tại Tây An vào ngày 22/12. Ảnh: China Daily.

Nhân viên y tế làm việc trong một trạm xét nghiệm dã chiến tại Tây An vào ngày 22/12. Ảnh: China Daily.

Sau giai đoạn đầu, con đường lây lan tiếp theo của virus chưa được làm rõ, từ đó giúp virus âm thầm tỏa ra khắp thành phố và khiến nhà chức trách phải ra lệnh phong tỏa. Sau hai tuần (tính tới ngày 23/12), Tây An đã phát hiện hơn 200 ca mắc trong đợt dịch này.

Số ca mắc trên ở mức thấp nhưng nằm rải rác khắp 14 quận của Tây An. Điều này cho thấy nỗ lực kiểm soát đợt dịch này sẽ rất khó khăn. Vì vẫn chưa xác định được một số chuỗi lây nhiễm, thành phố này đang bắt đầu vòng xét nghiệm diện rộng thứ ba.

Bên ngoài Tây An, hai thành phố khác cùng thuộc tỉnh Thiểm Tây cũng ghi nhận ca nhiễm. Các F0 còn xuất hiện tại Bắc Kinh và Đông Quan - trung tâm sản xuất ở miền Nam Trung Quốc. Đặc biệt, Đông Quan có hàng chục ca nhiễm liên quan tới đợt dịch ở Tây An.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, một số người dùng mô tả đợt bùng dịch lần này ở Tây An là đợt nghiêm trọng nhất thành phố từng gặp phải. Video được đăng trên mạng ghi hình người dân tranh giành thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác tại siêu thị để chuẩn bị cho lệnh phong tỏa.

Đợt bùng phát dịch lần này ở Tây An còn diễn ra khi thành phố đang chuẩn bị tổ chức kỳ thi đầu vào cao học dành cho 135.000 người vào tuần sau. Một số thí sinh được yêu cầu ngồi dự thi ở các tỉnh thành khác, trong khi thí sinh là F0 hoặc tiếp xúc gần với F0 sẽ thi trong khu cách ly.

Tính tới nay, Trung Quốc đã phát hiện 4 ca nhiễm Omicron trong những người trở về từ nước ngoài. Tuy nhiên, chủng Omicron vẫn chưa lây lan ra ngoài cộng đồng. Nhà chức trách đã hứa hẹn sẽ siết chặt kiểm soát tại biên giới và cảng vì lo ngại rủi ro virus xâm nhập sẽ ngày càng lớn.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-phong-toa-lon-nhat-cua-trung-quoc-tu-sau-vu-han-post1285199.html