Cuộc săn lùng virus SARS và SARS-CoV-2 của 'nữ người dơi' Trung Quốc - Kỳ 1
Với 16 năm săn lùng dơi mang mầm bệnh, nhà virus học Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) làm việc tại Vũ Hán, Trung Quốc đã xác định được hàng chục loại virus chết người giống virus SARS trong hang dơi và cảnh báo còn nhiều virus nguy hiểm khác đang 'chờ trực' ở đó trước khi tìm đến con người.
'THỢ SĂN VIRUS"
"Bệnh lạ" ở Vũ Hán
Các mẫu dịch của bệnh nhân bí ẩn được đưa đến Viện Virus học Vũ Hán vào 7 giờ tối ngày 30/12/2019.
Một lát sau, điện thoại di động của Thạch Chính Lệ đổ chuông. Đó là sếp của cô, giám đốc Viện. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Vũ Hán đã phát hiện ra một loại virus Corona mới ở hai bệnh nhân bị viêm phổi không điển hình và họ muốn phòng thí nghiệm nổi tiếng của Thạch Chính Lệ điều tra.
Nếu phát hiện này được xác nhận, mầm bệnh mới có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng vì nó thuộc cùng loại virus mà dơi là vật chủ, từng gây ra Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARS), khiến 8.100 người mắc bệnh và gần 800 người tử vong vào năm 2002-2003.
“Gác tất cả những gì cô đang làm và xử lý nó ngay bây giờ”, bà Thạch nhớ lại lời Giám đốc.
Thạch Chính Lệ thường được các đồng nghiệp gọi vui là “nữ người dơi” của Trung Quốc vì các cuộc thám hiểm săn lùng virus của bà trong hang dơi suốt 16 năm qua. Nhà virus học đã lập tức rời hội nghị mà bà đang tham dự ở Thượng Hải, bắt ngay chuyến tàu về Vũ Hán.
“Tôi tự hỏi liệu họ có nhầm không. Tôi chưa bao giờ nghĩ chuyện này sẽ xảy ra ở Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc”. Các nghiên cứu của Thạch Chính Lệ chỉ ra rằng những khu vực phía Nam - vùng cận nhiệt đới thuộc Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam - mới có nguy cơ lớn nhất lây nhiễm virus Corona từ động vật, đặc biệt là từ dơi, một vật chủ mang nhiều loại virus.
Trong khi nhóm nghiên cứu của Thạch Chính Lệ, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, chạy đua tìm cách xác định danh tính và nguồn gốc của virus lạ, thì căn bệnh bí ẩn lan truyền như lửa rừng. Đến hiện tại, trên 82.000 người ở Trung Quốc đã mắc bệnh. Trong số đó, 84% sống ở tỉnh Hồ Bắc, với thủ phủ Vũ Hán có trên 3.800 người tử vong. Bên ngoài Trung Quốc, tới ngày 19/4, 210 quốc gia và vùng lãnh thổ đã phát hiện trên 2,4 triệu người nhiễm virus và trên 165.000 người tử vong.
Dịch bệnh là một trong những thảm họa tồi tệ nhất ảnh hưởng đến thế giới trong những thập kỷ gần đây. Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng tốc độ xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm mới đang tăng nhanh, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, nơi tập trung mật độ cao của con người và động vật, vốn đang ngày càng hòa nhập và di chuyển mạnh.
Nhà khoa học sinh thái bệnh tật Peter Daszak, Chủ tịch EcoHealth Alliance, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở tại thành phố New York (Mỹ), hợp tác với các nhà khoa học Trung Quốc như Thạch Chính Lệ, cho biết việc xác định nguồn lây nhiễm và chuỗi lây truyền giữa các loài là rất quan trọng. Và một nhiệm vụ quan trọng không kém là săn lùng các mầm bệnh có liên quan khác để ngăn chặn những thảm họa tương tự xảy ra trong tương lai.
Dịch SARS và chuyến "săn dơi" đầu tiên
Chuyến thám hiểm tìm kiếm virus đầu tiên của Thạch Chính Lệ giống như một kỳ nghỉ. Vào một ngày mùa Xuân đầy nắng năm 2004, bà tham gia một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đi thu thập mẫu từ các đàn dơi trong những hang động gần Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây. Hang động đầu tiên mà bà khám phá rất điển hình trong khu vực: hang lớn, nhiều cột đá vôi và là một điểm đến du lịch nổi tiếng, dễ dàng tiếp cận. Nơi đây đầy những nhũ đá màu trắng đục lơ lửng trên trần hang như những cột băng, lấp lánh hơi ẩm.
Nhưng không khí như kỳ nghỉ sớm tan biến. Nhiều loài dơi, trong đó có một số loài dơi móng ngựa ăn côn trùng có nhiều ở miền Nam châu Á, ẩn trong những hang động sâu, hẹp trên địa hình dốc. Nhờ chỉ dẫn của người dân địa phương, Thạch Chính Lệ và các đồng nghiệp phải đi bộ hàng giờ đến các địa điểm tiềm năng, trườn người qua những kẽ đá hẹp. Sau một tuần cực nhọc, nhóm nghiên cứu đã khám phá hơn 30 hang động nhưng chỉ thấy chừng một chục con dơi.
Những cuộc thám hiểm này là một phần trong nỗ lực truy bắt thủ phạm của dịch SARS, dịch bệnh lớn đầu tiên của thế kỷ 21. Một nhóm nghiên cứu ở Hong Kong báo cáo rằng những người buôn bán động vật hoang dã ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã lần đầu tiên nhiễm virus SARS từ cầy hương, loài động vật có vú sống chủ yếu ở vùng nhiệt đới thuộc châu Á và châu Phi.
Trước SARS, thế giới mới biết rất ít chủng virus Corona, cái tên được đặt bởi nhìn dưới kính hiển vi, những gai nhọn bao quanh chúng giống như vương miện. Virus Corona chủ yếu được biết đến vì gây cảm lạnh thông thường.
Dịch SARS là một “nhân tố thay đổi cuộc chơi”, ông Linfa Wang, lãnh đạo chương trình bệnh truyền nhiễm mới tại Trường Y khoa Duke-NUS của Singapore nói. Đó là lần đầu tiên một loại virus Corona gây chết người ở quy mô đại dịch. Phát hiện này dẫn đến một cuộc tìm kiếm toàn cầu về các loại virus sống trên động vật có thể tìm đường lây sang người.
Thạch Chính Lệ là nhà khoa học đã sớm tham gia nỗ lực “săn virus” đó. Cả Peter Daszak và Linfa Wang đều là cộng tác viên lâu dài của bà. Nhưng làm thế nào cầy hương lại mang virus SARS thì vẫn là một bí ẩn. Hai vụ việc trước đây từng được báo cáo: Trường hợp nhiễm virut Hendra năm 1994 ở Australia, virus lây từ ngựa sang người; và dịch virus Nipah ở Malaysia năm 1998, lây từ lợn sang người. Cả hai bệnh này đều do mầm bệnh có nguồn gốc từ dơi ăn trái cây; ngựa và lợn chỉ là vật chủ trung gian.
Nghiên cứu lại những trường hợp lây nhiễm virus đó càng tạo động lực để nhóm của Thạch Chính Lệ xác định mục tiêu nghiên cứu và “săn tìm” của họ - những hang dơi có ở khắp nơi, đặc biệt là trong những vùng khí hậu cận nhiệt đới nóng ẩm ở miền Nam Trung Quốc.