Cuộc săn lùng virus SARS và SARS-CoV-2 của 'nữ người dơi' Trung Quốc - Kỳ cuối

Ước tính có tới 5.000 chủng virus Corona đang chờ được phát hiện ở các loài dơi trên toàn cầu, và 'người dơi' Thạch Chính Lệ đang chuẩn bị cho một dự án quốc gia tiếp tục săn tìm các mẫu virus với phạm vi và quy mô lớn hơn nhiều.

CUỘC ĐUA CHỐNG LẠI MẦM BỆNH CHẾT NGƯỜI

Nhà virus học Thạch Chính Lệ làm việc tại Viện Virus học Vũ Hán. Ảnh: AFP/Getty Images

Nhà virus học Thạch Chính Lệ làm việc tại Viện Virus học Vũ Hán. Ảnh: AFP/Getty Images

Trên chuyến tàu trở về Vũ Hán vào ngày 30/12/2019, Thạch Chính Lệ và các đồng nghiệp đã thảo luận về cách bắt đầu ngay lập tức xét nghiệm các mẫu từ bệnh nhân “viêm phổi lạ”. Bà lo lắng đến mất ăn mất ngủ - "nếu Corona là thủ phạm, liệu chúng có thể bắt nguồn từ phòng thí nghiệm của chúng tôi hay không”.

Sử dụng một kỹ thuật gọi là phản ứng chuỗi polymerase, có thể phát hiện virus bằng cách khuếch đại vật liệu di truyền của nó, đợt xét nghiệm đầu tiên cho thấy các mẫu từ 5/7 bệnh nhân có chứa trình tự di truyền có trong tất cả các virus Corona.

Thạch Chính Lệ đã hướng dẫn nhóm của mình lặp lại các xét nghiệm, đồng thời gửi các mẫu đến một phòng thí nghiệm khác để giải mã đầy đủ bộ gien của virus Corona mới này.

Trong khi đó, bà điên cuồng lục lại các hồ sơ trong phòng thí nghiệm của chính mình trong vài năm qua để kiểm tra xem có bất kỳ sơ xuất nào trong xử lý các vật liệu thí nghiệm, đặc biệt là trong quá trình thải loại. Bà thở phào nhẹ nhõm khi đồng nghiệp gửi lại kết quả giải mã gien: không có trình tự gien nào khớp với những loại virus mà nhóm của bà đã lấy mẫu từ hang dơi. “Tôi như trút được một gánh nặng. Tôi đã không chợp mắt suốt mấy ngày”, “nữ người dơi” nói.

Các nhà khoa học thu thập mẫu gần hang dơi ở Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: EcoHealth Alliance

Các nhà khoa học thu thập mẫu gần hang dơi ở Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: EcoHealth Alliance

Đến ngày 7/1/2020, nhóm nghiên cứu ở Vũ Hán xác định rằng virus Corona chủng mới là thủ phạm gây ra căn bệnh mà những bệnh nhân “viêm phổi lạ” mắc phải – một kết luận dựa trên kết quả phân tích phản ứng chuỗi polymerase, giải mã đầy đủ trình tự bộ gien, xét nghiệm kháng thể của mẫu máu và khả năng tấn công vào tế bào phổi người của virus.

Trình tự bộ gien của virus Corona chủng mới - lúc này được đặt tên chính thức là SARS-CoV-2 vì có liên quan đến mầm bệnh SARS - giống tới 96% với một loại virus Corona mà nhóm nghiên cứu của Thạch Chính Lệ đã xác định được trên dơi móng ngựa ở Vân Nam. Nói một cách rõ ràng thì dơi, một lần nữa, lại là một "ổ chứa tự nhiên" của virus.

Trình tự bộ gien của các chủng virus Corona từ các bệnh nhân, trên thực tế rất giống nhau, không có thay đổi đáng kể kể từ cuối tháng 12 năm ngoái - dựa trên các phân tích của 326 trình tự gien được công bố. Đây là gợi ý cho thấy các loại virus có chung một ‘tổ tiên’.

Một hang dơi mà nhóm của Thạch Chính Lệ từng lấy mẫu nghiên cứu. Ảnh: EcoHealth Alliance

Một hang dơi mà nhóm của Thạch Chính Lệ từng lấy mẫu nghiên cứu. Ảnh: EcoHealth Alliance

Với việc virus SARS-CoV-2 dường như khá ổn định và nhiều người nhiễm virus có triệu chứng nhẹ, các nhà khoa học nghi ngờ mầm bệnh này có thể đã tồn tại trong nhiều tuần hoặc thậm chí vài tháng trước khi các ca bệnh nghiêm trọng đầu tiên dẫn đến báo động. Dịch bùng phát ở Vũ Hán không phải là ngẫu nhiên. Nói cách khác, có một yếu tố không thể tránh khỏi.

Đối với nhiều người, chợ động vật hoang dã mọc lên nhiều trong khu vực - nơi bán nhiều loại động vật như dơi, cầy hương, tê tê, lửng và cá sấu - là những “lò luyện virus” hoàn hảo. Mặc dù con người có thể lây virus chết người này trực tiếp từ dơi (theo một số nghiên cứu, bao gồm cả của Thạch Chính Lệ), các nhóm nghiên cứu độc lập đã lưu ý rằng tê tê có thể là vật chủ trung gian. Các nhóm này được cho là đã phát hiện virus giống SARS-CoV-2 ở những con tê tê bị thu giữ trong hoạt động chống buôn lậu ở miền Nam Trung Quốc.

Vào ngày 24/2, Trung Quốc đã tuyên bố cấm vĩnh viễn tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã trừ mục đích nghiên cứu, dược phẩm hoặc trưng bày. Lệnh cấm này có thể dập tắt một ngành công nghiệp trị giá 76 tỷ USD và khiến khoảng 14 triệu người mất việc làm - theo báo cáo năm 2017 của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc. Một số người hoan nghênh sáng kiến này, trong khi những người khác như Daszak, lo lắng rằng nếu không nỗ lực thay đổi chính con người, hoặc cung cấp sinh kế thay thế, lệnh cấm có thể đẩy hoạt động buôn bán động vật hoang dã vào thế giới ngầm. Và điều này có thể làm cho việc phát hiện bệnh thậm chí còn khó khăn hơn.

Cầy hương buôn bán trái phép bị bắt giữ tại Trung Quốc. Ảnh: Washington Post

Cầy hương buôn bán trái phép bị bắt giữ tại Trung Quốc. Ảnh: Washington Post

Dù thế nào, theo Thạch Chính Lệ, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã chỉ là một phần của vấn đề. Vào cuối năm 2016, đàn lợn tại bốn trang trại ở quận Thanh Viễn, tỉnh Quảng Đông – cách nơi bùng phát dịch SARS năm 2002 khoảng 90km – bị ói mửa và tiêu chảy cấp, và gần 25.000 cá thể đã chết. Bác sĩ thú y địa phương nhờ bà Thạch giúp đỡ. Nguyên nhân gây ra căn bệnh, được gọi là hội chứng tiêu chảy cấp ở lợn (SADS), hóa ra lại llà một loại virus có trình tự gien giống 98% với loại virus Corona được tìm thấy ở dơi móng ngựa trong một hang động gần đó.

Đây là một lý do nghiêm trọng gây lo ngại, theo nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm Gregory Gray, thuộc Đại học Duke tại North Carolina (Mỹ). Lợn và người có hệ thống miễn dịch rất giống nhau, khiến virus dễ dàng lây lan giữa hai loài. Ngoài ra, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Chiết Giang, Hàng Châu (Trung Quốc) đã phát hiện virus SADS có thể lây nhiễm vào tế bào của nhiều loài, bao gồm động vật gặm nhấm, gà, các loài linh trưởng và con người. Với quy mô chăn nuôi lợn ở nhiều quốc gia, như Trung Quốc và Mỹ, việc tìm ra các loại virus Corona mới ở lợn nên là ưu tiên hàng đầu – ông Gray đề xuất.

Phòng tránh những trận dịch trong tương lai

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào phổi của con người bằng cách sử dụng một thụ thể gọi là angiotensin – hay enzyme chuyển đổi 2 (ACE2). Các nhà khoa học đã sàng lọc lại các loại thuốc có thể ngăn chặn nó. Họ cũng đang chạy đua để phát triển vắc-xin và đang thử nghiệm các ứng cử viên đầy triển vọng. Về lâu dài, nhóm nghiên cứu có kế hoạch phát triển các loại vắc-xin phổ rộng và thuốc chống lại vỉrus Corona gây nguy hiểm cho con người.

“Dịch COVID-19 bùng phát từ Vũ Hán là một hồi chuông cảnh tỉnh”, "người dơi" Thạch Chính Lệ nói.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 19/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 19/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhiều nhà khoa học cho rằng thế giới nên vượt ra ngoài việc chỉ đơn thuần là phản ứng với mầm bệnh chết người khi chúng phát sinh. Cách tốt nhất là phòng ngừa. "Do 70% các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện trên động vật đến từ các sinh vật hoang dã, nên nơi chúng ta nên bắt đầu là tìm kiếm tất cả các loại virus đó trong động vật hoang dã trên toàn cầu và phát triển các xét nghiệm chẩn đoán tốt hơn”, nhà khoa học sinh thái bệnh tật Peter Daszak, Chủ tịch tổ chức EcoHealth Alliance, nói.

Làm như vậy về cơ bản có nghĩa là triển khai những gì các nhà nghiên cứu như Daszak và Thạch Chính Lệ đã và đang làm ở quy mô lớn hơn nhiều.

Những nỗ lực như vậy nên tập trung vào các nhóm virus có nguy cơ cao ở một số động vật có vú dễ bị nhiễm Corona, chẳng hạn như dơi, động vật gặm nhấm, lửng, cầy hương, tê giác và các loài linh trưởng không phải người, chuyên gia Daszak đề xuất. Ông cho biết thêm rằng các nước đang phát triển ở vùng nhiệt đới, nơi có đa dạng động vật hoang dã lớn, nên là tiền tuyến của cuộc chiến chống virus.

Quay trở lại Vũ Hán, “nữ người dơi” Trung Quốc đã quyết định rời khỏi tuyến đầu của các cuộc thám hiểm săn virus. Tuy nhiên, “sứ mạng vẫn tiếp tục”, Thạch Chính Lệ nói. Bà sẽ tiếp tục lãnh đạo các chương trình nghiên cứu về virus. “Những gì chúng tôi đã phát hiện ra chỉ là phần nổi của tảng băng”. Nhóm nghiên cứu của Peter Daszak đã ước tính rằng có tới 5.000 chủng virus Corona đang chờ được phát hiện ở loài dơi trên toàn cầu. Thạch Chính Lệ đang lên kế hoạch cho một dự án quốc gia để lấy mẫu virus một cách có hệ thống trong hang dơi, với quy mô lớn hơn nhiều so với những nỗ lực trước đây.

“Virus Corona từ dơi sẽ sinh ra nhiều dịch bệnh hơn”, bà Thạch Chính Lệ khẳng định. “Chúng ta phải tìm ra chúng trước khi chúng tìm ra chúng ta”.

Xem từ Kỳ 1: "THỢ SĂN VIRUS"

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Scientific American)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/ho-so/cuoc-san-lung-virus-sars-va-sarscov2-cua-nu-nguoi-doi-trung-quoc-ky-cuoi-20200420115257700.htm