Cước SMS Banking sẽ chỉ còn 11.000 đồng/tháng
Mới đây nhiều khách hàng đã phản ứng về việc một số ngân hàng nâng mức thu phí cước SMS Banking.
Sau đó, các nhà mạng và các ngân hàng đã ngồi lại với nhau dưới sự chủ trì của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) và Hiệp hội Ngân hàng để tìm cách giải quyết vấn đề.
Ông Trần Duy Hải, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT-TT, ngày 2-3 cho biết tại cuộc họp đã có nhiều phương án được đưa ra thảo luận như tính toán theo sản lượng, thay đổi phương pháp tính cước theo gói... Các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất phương án thu trọn gói một mức thu cố định 11.000 đồng/tháng (đã bao gồm VAT) và không giới hạn số lượng tin nhắn khi sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Mức giá cước trọn gói không giới hạn lưu lượng đã nhận được sự chào đón và nhất trí cao của các ngân hàng thương mại tham dự cuộc họp do đáp ứng được xu hướng người dân, khách hàng ngày càng ưu thích sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nhưng không tăng cước thu của khách hàng. Về cơ bản, mức giá này dựa trên mức thu khách hàng của đa số các ngân hàng thương mại trước đây, nhưng với việc áp dụng phương pháp tính cước mới, cũng cùng số tiền này, khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt sẽ không phải trả thêm chi phí tin nhắn do không giới hạn về lưu lượng (thay thế cho phương pháp hiện nay các ngân hàng thương mại đối soát với các doanh nghiệp viễn thông theo từng tin nhắn, dẫn đến phải ban hành nhiều gói cước do sản lượng tin nhắn thấp hoặc cao hơn số thu của khách hàng).
Hiện nay, với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt thì số lượng tin nhắn của khách hàng và ngân hàng trong các giao dịch sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Ông Trần Duy Hải cho biết áp dụng mức cước trọn gói này, trước mắt có ảnh hưởng đến doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông, theo tính toán sơ bộ, mỗi doanh nghiệp viễn thông sẽ giảm doanh thu của chính dịch vụ này khoảng 20% - 30% doanh thu tùy theo từng nhà mạng. Đối với các ngân hàng thương mại, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, hiện cũng đã giảm giá các dịch vụ liên quan đến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt… nên cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, việc tính cước theo gói, không giới hạn lưu lượng đã được các doanh nghiệp viễn thông áp dụng đối với một số dịch vụ trong lĩnh vực viễn thông trong những năm qua, đều đã phát huy tác dụng tốt, với phương thức tính cước này, dịch vụ được kích cầu và phát triển mạnh mẽ, lưu lượng tăng cao nên nếu tính theo lưu lượng bình quân thì giá bán rất rẻ, khách hàng và người dân được thụ hưởng và từ đó lại có tác động kích cầu, khuyến khích người sử dụng dịch vụ.
Với kinh nghiệm đó, với xu thế của thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, trên nền tảng hạ tầng số (viễn thông) đang có chi phí thấp, nay cộng hưởng thêm giá dịch vụ tin nhắn ngân hàng được tính theo phương thức mới, sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp viễn thông, các ngân hàng thương mại cũng như các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng , chúng tôi cho rằng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử sẽ tiếp tục có những bước phát triển bùng nổ hơn trong thời gian tới.
Còn ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng đây là mức phí phù hợp cho khách hàng. Mức giá cước trọn gói của nhà mạng đưa ra cho các ngân hàng là 11.000 đồng/tháng cũng là giá cước trung bình mà các ngân hàng đang thu của khách hàng. Với cách tính cước này thì khách hàng sử dụng ít hay nhiều tin nhắn thì vẫn trả 11.000 đồng vì đã tính trọn gói.
"Bên cạnh đó, ngân hàng cũng khuyến cáo khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ OTT để không phải mất phí. Nếu khách hàng sử dụng SMS Banking thì cũng chỉ trả cước trọn gói như vậy chứ không phát sinh thêm cước nữa. Vấn đề là khách hàng lựa chọn sử dụng dịch vụ nào thuận tiện cho mình"- ông Hùng đánh giá.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, vừa qua, Bộ TT-TT đã rất quyết liệt để chỉ đạo các nhà mạng tháo gỡ khó khăn này. Đây là động thái rất tốt của các nhà mạng và ngân hàng đã phối hợp để chia sẻ với nhau để cùng hỗ trợ khách hàng và khách hàng sẽ được hưởng lợi với giá hợp lý.
Ông Hùng cũng nhấn mạnh, việc đưa ra mức phí hợp lý như vậy sẽ thúc đẩy người dân thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, nhiều khách hàng của Vietcombank cho biết bị bất ngờ khi phí SMS Banking tháng 1-2022 tăng cao, tối đa lên tới 77.000 đồng/tháng. Thực tế không chỉ Vietcombank mà nhiều ngân hàng khác cũng áp dụng các tính phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng theo số lượng tin nhắn phát sinh hàng tháng, thay vì thu phí trọn gói khoảng 11.000 đồng/tháng như trước.
Theo lý giải của ngân hàng, việc tăng phí SMS Banking cao gấp 5-7 lần trước đó của nhiều ngân hàng là để khuyến khích khách hàng chuyển sang nhận thông báo biến động số dư tài khoản qua ứng dụng (app) miễn phí, và ngân hàng cũng giảm bù lỗ chi phí từ SMS Banking khi nhiều lần kiến nghị nhưng nhà mạng không giảm cước tin nhắn.