Cuộc so găng giữa Victor Vũ và Lý Hải, ai thắng?

Mùa phim lễ 30/4-1/5 năm nay trở nên sôi động hơn hẳn khi bên cạnh Lý Hải - người nhiều năm qua gần như 'một mình một ngựa' thống lĩnh phòng vé dịp này - nay có thêm sự nhập cuộc của Victor Vũ. Cuộc so tài giữa hai đạo diễn có phong cách làm phim rất khác biệt hứa hẹn tạo nên một tiền lệ đáng chú ý tại các rạp chiếu dịp lễ này.

Cả Lật mặt 8: Vòng tay nắngThám tử Kiên: Kỳ án không đầu đều cho thấy mặt bằng chất lượng phim Việt mùa lễ 2025 đã được nâng cao hơn so với mùa phim Tết nguyên đán hồi đầu năm. Không chỉ thể hiện sự lên tay về kỹ thuật và sản xuất, hai bộ phim còn cho thấy tư duy tiếp cận khán giả đại chúng ngày càng bài bản của các nhà làm phim Việt.

Victor Vũ cân bằng giữa thương mại và đam mê sáng tạo

Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu có thể xem như một “ngoại truyện” từ phim Người vợ cuối cùng (2023), tập trung vào nhân vật Kiên - thám tử dân gian có tuyến truyện hấp dẫn nhất. Với sở trường ở thể loại tâm lý ly kỳ pha kinh dị, Victor Vũ tiếp tục thể hiện sự yêu thích dòng phim trinh thám, đặc biệt trong bối cảnh phim kinh dị Việt đang chiếm lĩnh phòng vé những năm gần đây.

Bộ phim mang đậm dấu ấn Victor Vũ: từ phong cách quay dựng chỉn chu, ánh sáng đậm đặc, đến cách dẫn dắt câu chuyện bài bản. Tuy nhiên, so với các tác phẩm như Scandal: Bí mật thảm đỏ hay Quả tim máu, Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu không tạo được sự bất ngờ mạnh mẽ, dù vẫn giữ được nhịp phim chắc tay và kỹ thuật tốt.

Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu có thể xem như một “ngoại truyện” từ phim Người vợ cuối cùng.

Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu có thể xem như một “ngoại truyện” từ phim Người vợ cuối cùng.

Một điểm đáng chú ý là bộ phim đi theo lối kể chuyện an toàn: hướng đến số đông, dễ hiểu, và liên tục thỏa mãn những kỳ vọng cơ bản của khán giả đại chúng. Các nút thắt được cài cắm khéo léo. Tuy nhiên, với những người quen thuộc cấu trúc phim Hollywood, diễn biến phim khá dễ đoán.

Dù vậy, việc áp dụng thành công khái niệm trong cấu trúc ba hồi của kịch bản Hollywood điển hình là “wish fulfillment” - khơi dậy những mong muốn thầm kín của người xem qua các đoạn cao trào - đã giúp bộ phim giữ chân khán giả tới những phút cuối cùng. Phân đoạn 15 phút cuối, khi hàng loạt bí mật được lật mở, đủ sức tạo nên hiệu ứng phấn khích trong phòng chiếu.

Ở phương diện diễn xuất, Đinh Ngọc Diệp với nhân vật Hai Mẫn tạo nên điểm nhấn hài hước duyên dáng, làm bật lên một khía cạnh diễn xuất ít được khai thác của cô trong nhiều năm qua. NSND Mỹ Uyên, với kinh nghiệm và đẳng cấp của một diễn viên thực lực gạo cội, tiếp tục thể hiện bản lĩnh qua những phân đoạn đối đầu khẩu nghiệp sắc sảo.

Nhân vật Hai Mẫn của Đinh Ngọc Diệp tạo nên điểm nhấn hài hước duyên dáng.

Nhân vật Hai Mẫn của Đinh Ngọc Diệp tạo nên điểm nhấn hài hước duyên dáng.

Quốc Huy trong vai Kiên có màn thể hiện tròn vai, đủ để kỳ vọng về khả năng phát triển thành một nhân vật franchise cho dòng phim thám tử Việt Nam.

Một vài điểm trừ vẫn tồn tại: việc lạm dụng hồi tưởng khiến nhịp phim đôi lúc chững lại, một số chi tiết có thể tinh giản để câu chuyện thêm mạch lạc. Tuy nhiên, xét trên tổng thể, Victor Vũ đã đạt được sự cân bằng giữa yếu tố thương mại và đam mê sáng tạo - điều không dễ trong bối cảnh thị trường điện ảnh Việt hiện nay.

Lý Hải bền bỉ với cách kể chuyện bình dân

Trái ngược với Victor Vũ, Lý Hải chọn con đường xây dựng thương hiệu Lật mặt theo cách riêng: kết hợp giữa nhịp kể nhanh, nhiều tình tiết đảo chiều, đôi lúc phi lý nhưng giàu cảm xúc và gần gũi.

Nếu như những phần đầu tiên của Lật mặt chưa thực sự gây chú ý, thì từ phần ba trở đi, thương hiệu này dần định hình một phong cách riêng: phim đại chúng, hài hước, kịch tính và luôn có những thông điệp gia đình ấm áp lồng ghép khéo léo.

Kịch bản phần 8 của Lật mặt xoay quanh mâu thuẫn thế hệ.

Kịch bản phần 8 của Lật mặt xoay quanh mâu thuẫn thế hệ.

Lật mặt 8: Vòng tay nắng không vượt qua được chất lượng sáng tạo và bất ngờ của Lật mặt 5: 48h (có thể coi là tập tốt nhất trong series), nhưng vẫn giữ vững phong độ: một câu chuyện đơn giản, dễ hiểu, nhưng biết cách tạo xúc cảm và chạm vào những nỗi niềm đời thường.

Kịch bản phần 8 xoay quanh mâu thuẫn thế hệ - câu chuyện tưởng đã cũ nhưng vẫn luôn thời sự. Dù không khai thác quá sâu, phim vẫn ghi điểm nhờ việc đan cài những tình tiết giản dị, đời thường: một ông bố tài xế thất vọng vì con trai từ bỏ giấc mơ thi Bách Khoa để đu idol, từ đó tạo nên những mâu thuẫn giữa cha, con, gia đình thuộc tầng lớp lao động.

Dàn diễn viên không có ngôi sao nổi bật, nhưng các tuyến nhân vật được chia đều “đất”, tạo nên một tập thể tương đồng nhau trong câu chuyện thế hệ. Đặc biệt, cách Lý Hải dẫn dắt các “cú lật” trong phim - từ chuyện gia đình đến tình tiết hành động - tiếp tục cho thấy tay nghề kể chuyện đã thành thương hiệu.

Đoạn kết của phim, khi lý giải ý nghĩa “vòng tay nắng”, không chỉ khép lại câu chuyện mà còn dễ dàng “câu” nước mắt khán giả đại chúng - một dấu ấn đặc trưng của Lý Hải được thể hiện từ phần 7 năm ngoái - Một điều ước.

Phim nào sẽ thắng?

Cả Thám tử Kiên: Kỳ án không đầuLật mặt 8: Vòng tay nắng đều cho thấy sự lên tay trong tư duy làm phim thương mại của hai đạo diễn. Hai bộ phim phục vụ hai nhóm đối tượng khán giả rất khác nhau. Nếu Thám tử Kiên hướng tới tệp khán giả đang theo trend phim kinh dị có yếu tố dân gian của điện ảnh Việt, thì Lật mặt 8 nhắm vào nhóm khán giả bình dân, ưa thích sự giản dị, gần gũi.

Cả hai phim sẽ cùng gia nhập câu lạc bộ phim trăm tỷ của điện ảnh Việt. Tuy nhiên, với độ phủ sóng rộng và sức hút thương hiệu đã được kiểm chứng, Lật mặt 8 nhiều khả năng sẽ có doanh thu gấp đôi hoặc gấp ba Thám tử Kiên.

Lật mặt 8 sẽ có tốc độ bùng nổ nhanh ngay từ tuần đầu tiên nhờ nhóm khán giả trung thành, trong khi Thám tử Kiên có thể bứt phá từ tuần lễ thứ hai nếu hiệu ứng truyền miệng tích cực. Dù kết quả cụ thể ra sao, một điều chắc chắn: mùa phim lễ 30/4 năm nay sẽ ghi nhận hai chiến thắng quan trọng cho điện ảnh Việt Nam.

Xu hướng mùa lễ: Đa dạng hóa dòng phim thương mại

Từ cuộc đối đầu giữa Lật mặt 8Thám tử Kiên, có thể rút ra một số xu hướng nổi bật của điện ảnh Việt mùa lễ năm nay. Các phim Việt hiện nay đều đầu tư mạnh về kỹ thuật và sản xuất. Cả hai bộ phim lần này đều cho thấy rõ sự nâng cấp về hình ảnh, hóa trang, bối cảnh so với mặt bằng phim Việt cách đây 5-7 năm. Các nhà làm phim đã chú trọng vào đối tượng khán giả cụ thể, không còn làm phim kiểu “bắt cá hai tay” nữa, mà xác định rất rõ tệp khán giả mục tiêu ngay từ kịch bản, poster đến chiến dịch truyền thông.

Mỗi dự án cũng thể hiện cách khai thác an toàn hơn trong kịch bản: Dễ thấy rằng dù khai thác thể loại trinh thám hay hành động gia đình, các phim vẫn ưu tiên sự dễ hiểu, dễ tiếp nhận thay vì quá “kén” như một số tác phẩm độc lập dự thi liên hoan phim quốc tế.

Lý Hải so tài với Victor Vũ.

Lý Hải so tài với Victor Vũ.

Các mùa phim nghỉ lễ cũng tạo nên sự hình thành các thương hiệu phim nội địa: Lật mặt là một trong số ít thương hiệu phim Việt có sức sống bền bỉ qua nhiều năm, cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng series trong chiến lược dài hạn. Chiến thắng phòng vé của các phim Việt từ đầu năm đến nay cũng mở ra kỳ vọng vào sự chuyên nghiệp hóa.

Nếu trước đây phim Việt dịp lễ chủ yếu là phim hài đơn thuần, thì hiện nay đã có sự phân hóa rõ hơn: từ kinh dị, trinh thám đến hành động gia đình, đáp ứng đa dạng nhu cầu giải trí.

Ngọc Nick M

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cuoc-so-gang-giua-victor-vu-va-ly-hai-ai-thang-post1738622.tpo