Cuộc sống công dân thứ một tỷ của Ấn Độ sau 20 năm

Sau thời gian đầu đời nhận được nhiều sự chú ý vì là 'em bé thứ một tỷ của Ấn Độ', Aastha Arora hiện phải từ bỏ giấc mơ trở thành bác sĩ khi gia đình cô gặp khó khăn về tài chính.

 Cột mốc Aastha Arora ra đời vào năm 2000 đã thu hút sự chú ý trên toàn cầu. Ảnh: BBC.

Cột mốc Aastha Arora ra đời vào năm 2000 đã thu hút sự chú ý trên toàn cầu. Ảnh: BBC.

Trong vòng vài giờ sau khi chào đời lúc 5h5 ngày 10/5/2000 tại Bệnh viện Safdarjung ở Delhi, Ấn Độ giới thiệu với thế giới đứa trẻ mới chào đời là "công dân thứ một tỷ" của nước này. Các bộ trưởng chụp ảnh ôm đứa trẻ sơ sinh trong chiếc chăn màu hồng mềm mại.

Sự ra đời của Aastha Arora đã đưa Ấn Độ vào “câu lạc bộ độc quyền”, gia nhập cùng Trung Quốc thành nước có dân số hơn 1 tỷ người.

Tại sự kiện kỷ niệm cột mốc quan trọng này, đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc ở Ấn Độ Micheal Vlassoff mô tả Aastha là em bé "rất đặc biệt và độc đáo", theo Guardian. Aastha trong tiếng Hindi là "đức tin".

Tuy vậy, các quan chức cũng chỉ ra sự ra đời của cô bé là hồi chuông cảnh báo, suy nghĩ về cách kiểm soát dân số đang gia tăng của Ấn Độ, theo BBC.

Hơn 2 thập niên sau, phóng viên BBC đã tìm đến nhà “công dân thứ một tỷ” của Ấn Độ ở Najafgarh, phía tây nam Delhi để tìm hiểu về cuộc sống của “em bé đặc biệt” này.

Từ bỏ giấc mơ

Aastha Arora cho biết bản thân đã không còn cảm thấy mình đặc biệt từ rất lâu. Phóng viên BBC gặp cô gái 22 tuổi vào một buổi sáng chủ nhật bởi đó là ngày nghỉ duy nhất trong tuần của Arora. Gần đây, cô bắt đầu làm y tá tại một bệnh viện tư nhân.

"Tôi muốn nghiên cứu khoa học và trở thành bác sĩ, nhưng cha mẹ tôi không đủ khả năng để gửi tôi đến trường tư. Vì vậy, tôi đành chấp nhận và học để trở thành y tá”, Arora nói.

Aastha giở tập tài liệu gồm những mẩu báo do cha mẹ cô cất giữ. Chính những bài báo này giúp cô hiểu được hoàn cảnh ra đời của bản thân. Aastha gây chú ý một thời gian dài sau khi ra đời.

Theo báo cáo, cô được mời khai trương trang web do Bộ Y tế Ấn Độ và UNFPA cùng mở khi cô mới 11 tháng tuổi. Một tuần sau sinh nhật đầu tiên, một ngày đi chơi của Aastha với gia đình ở thành phố Ajmer đã được xuất bản thành ấn phẩm địa phương, viết về cách cô "thích xé sách văn và bài tập về nhà của anh trai năm tuổi".

 Aastha xem các bài báo viết về bản thân do cha mẹ sưu tầm. Ảnh: BBC.

Aastha xem các bài báo viết về bản thân do cha mẹ sưu tầm. Ảnh: BBC.

Aastha cho biết bản thân lần đầu tiên hiểu về sự đặc biệt của bản thân là khi bắt đầu đi học.

“Lúc đó tôi mới 4 hay 5 tuổi, đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy cụm ‘em bé thứ một tỷ’ vào ngày Dân số Liên Hợp Quốc, và một đoàn quay phim đến trường tôi”, cô kể lại. “Đối với một đứa trẻ, việc xuất hiện trên tivi là điều lớn lao và tôi yêu thích sự chú ý”.

Sự chú ý của giới truyền thông cũng khiến Aastha nhận được một số lợi ích.

Cha của Aastha làm nhân viên bán hàng và kiếm được hơn 50 USD/tháng. Ông phải vật lộn để chi trả học phí cho 2 con. Do đó, mỗi năm nhà báo tới và viết về Aastha, do trường học được quảng bá miễn phí, họ miễn học phí cho cô. Ở trường, Aastha học giỏi và có nhiều hoạt động sôi nổi.

Tuy nhiên, bất chấp Aastha có điểm số xuất sắc, tình trạng tài chính của gia đình khó khăn buộc cô phải chuyển sang một trường công lập khác. Cô nói điều này đặt dấu chấm hết cho ước mơ trở thành bác sĩ.

Quá đông, quá nhiều sự cạnh tranh

BBC cho biết mặc dù không đưa ra bằng chứng, gia đình Aastha kể Sumitra Mahajan - lúc đó là Bộ trưởng phụ nữ và phát triển trẻ em - hứa con gái họ "sẽ được giáo dục, chăm sóc sức khỏe và sử dụng đường sắt miễn phí" khi bà tới bệnh viện thăm Aastha.

Bà Arora cho hay trong chuyến thăm khác đến nhà họ vài tháng sau đó, các quan chức đảm bảo cha Aastha sẽ có công việc nhà nước.

"Chúng tôi cố gắng liên hệ với văn phòng của bà ấy nhiều lần. Tuy nhiên, họ luôn nói bà ấy đã ra ngoài”, mẹ Aastha nói.

Gia đình cho biết trợ giúp tài chính duy nhất mà họ nhận được đến từ UNFPA. Tổ chức này thành lập quỹ 2.425 USD để gia đình chi trả học phí đại học của Aastha.

 Ấn Độ được dự đoán sẽ vượt qua Trung Quốc và trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023. Ảnh: Reuters.

Ấn Độ được dự đoán sẽ vượt qua Trung Quốc và trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023. Ảnh: Reuters.

Theo bà Mahajan, bà không biết tới lời hứa nào, ngoại trừ quỹ từ UNFPA.

"Tôi đến thăm gia đình với tư cách là bộ trưởng”, bà nói. “Gia đình chưa bao giờ liên hệ với tôi. Nếu họ viết thư, tôi chắc chắn sẽ giúp. Ngay cả bây giờ nếu họ làm vậy, tôi cũng sẽ cố gắng giúp họ”.

Lễ kỷ niệm "em bé thứ một tỷ" là thời điểm để suy nghĩ về hệ quả khi gia tăng dân số nhanh chóng. Tại các diễn đàn công khai, Aastha đã mô tả dân số khổng lồ của Ấn Độ là "một vấn đề".

Năm 2000, khi Aastha ra đời, các dự báo cho thấy Ấn Độ có thể vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2045.

Theo Hindu, vào tháng 7, Liên Hợp Quốc cho biết viễn cảnh này sẽ diễn ra sớm nhất là vào năm sau, khi Ấn Độ đạt 1,4 tỷ dân.

Aastha cảm thấy cuộc sống có quá nhiều sự cạnh tranh.

"Tôi là em bé thứ một tỷ đầu tiên, chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ có em bé thứ một tỷ tiếp theo", cô nói. "Tôi hy vọng chúng tôi sẽ không bao giờ chạm tới cột mốc đó".

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-song-cong-dan-thu-mot-ty-cua-an-do-sau-20-nam-post1369347.html