Cuộc sống đời thường khác hẳn mẹ chồng ghê gớm trên phim của NSND Lan Hương
Những ngày sát Tết, trong căn nhà trên phố Tây Sơn (Hà Nội), NSND Lan Hương cùng chồng Đỗ Kỷ tất bật gói bánh chưng, trang trí nhà cửa. Ngoài đời, nữ nghệ sĩ khác hẳn với những vai mẹ chồng ghê gớm.
"Tết năm nào tôi cũng tự tay gói bánh chưng"
Với vai bà Phương trong phim Sống chung với mẹ chồng và vai bà Hiền trong Thương ngày nắng về , nhiều người gọi NSND Lan Hương là "mẹ chồng ghê gớm". Thế nhưng ngoài đời, nữ nghệ sĩ là một người thoải mái, vui tính và rất quảng giao. Lan Hương còn được các con dâu nhận xét là "mẹ chồng tâm lý", "luôn chiều chuộng yêu thương các con".
Những ngày sát Tết, trong căn nhà nhỏ trên phố Tây Sơn (Hà Nội), nữ nghệ sĩ tất bật cùng các thành viên trong gia đình dọn dẹp, trang trí nhà cửa.
Là người Hà Nội gốc, năm nào gia đình NSND Lan Hương, Đỗ Kỷ cũng giữ thói quen tự tay gói, nấu bánh chưng. Nữ nghệ sĩ cho hay, chị thích cảm giác tất bật chuẩn bị lá dong, thịt lợn, đậu xanh, vo gạo, chẻ lạt… Những bận rộn của ngày cuối năm khiến chị hạnh phúc.
"Cuộc sống hiện đại khiến nhiều gia đình ở Hà Nội không còn gói bánh chưng, họ mua sẵn ở các cửa hàng. Nhưng gia đình tôi thì năm nào 25, 26 Tết cũng quây quần gói bánh. Bánh chưng là hương vị của Tết Việt, không có cảm giác chờ đợi nồi bánh thì thật thiếu vắng.
Nhà tôi có truyền thống gói bánh chưng đã lâu, từ khi bà ngoại chuyển giao cho mẹ tôi, rồi đến tôi và bây giờ các con dâu trong nhà cũng đều thành thạo cả", NSND Lan Hương cười chia sẻ.
Lệ - con dâu cả của NSND Lan Hương có "thâm niên" gói bánh chưng 9 năm cùng mẹ chồng. Ngày cuối năm, gác lại những bận rộn, bộn bề các thành viên trong gia đình tập trung lại, mỗi người phụ trách một công đoạn làm hương vị Tết rộn ràng hơn.
NSND Lan Hương gói bánh không cần khuôn. Nữ nghệ sĩ cho biết, điều này chị được thừa hưởng từ bà ngoại - vốn là con gái làng Ngọc Hà (Hà Nội).
Năm nay nhà NSND Lan Hương gói khoảng 40 cái với 3 loại bánh chưng: Bánh chưng mặn, bánh chưng đường và bánh chưng chay. Phần nhân bánh, chị đồ chín nhưng không giã đậu.
Ngồi bên cạnh vợ, NSƯT Đỗ Kỷ cũng tất bật không kém. Anh cẩn thận, chăm chút sửa lại từng chiếc bánh cho vuông hơn, rồi nhóm bếp, chuẩn bị nồi luộc bánh chưng. Nam nghệ sĩ tiết lộ, nồi luộc bánh chưng được anh mua tặng vợ trong một lần đi diễn.
"Bây giờ nhà tôi luộc bánh chưng bằng bếp ga, anh Kỷ là người điều chỉnh nhiệt độ để luộc bánh. Luộc cũng phải khéo, sao cho bánh giữ được độ xanh, dền. Phải xem giờ nào sôi, chỉnh lửa, để khi vớt bánh ra là đủ 10 tiếng. Sau đó rửa bánh chưng và ép bánh. Tôi thích ăn bánh chưng nhà mình vì rất hợp khẩu vị và sạch sẽ.
Tôi không bao giờ quên được cảm giác ấm áp của nhiều năm về trước, khi đi trên những con phố Hà Nội, nhà nhà luộc bánh chưng, mùi thơm của lá dong, của gạo nếp tạo nên không khí rất Hà Nội", NSND Lan Hương chia sẻ.
Vợ nghệ sĩ Đỗ Kỷ chia sẻ thêm, chị cũng khá chú trọng đến mâm cơm ngày Tết. Mâm cỗ chị chuẩn bị là sự kết hợp của các món truyền thống từ xa xưa như nem rán, canh măng, canh bóng, gà luộc, giò, bò kho… và những món mới như tôm, cua hải sản, ngô chiên… mà con cháu thích ăn. Vì thế cũng thành ra nhiều bát, nhiều đĩa.
"Món ăn ngày Tết không thể thiếu của gia đình tôi là giò xào. Tôi luôn tự tay gói giò xào, kho nồi thịt cho gia đình mình. Cơm cúng được gia đình chuẩn bị chu đáo. Khí hậu miền Bắc vào Tết thường se lạnh, nhà lại có tủ lạnh, tủ đông nên tôi sẽ chuẩn bị luôn cái gì cũng nhân đôi để làm phần cơm cúng cho buổi chiều các mùng ngày Tết.
Cơm cúng buổi sáng sẽ được nấu lại để ăn vào bữa tối. Vì thế kể cả gia đình có đi chơi đến 4-5 giờ chiều thì cơm cúng và bữa cơm tối cũng được chuẩn bị rất nhanh gọn", chị Lan Hương chia sẻ.
Ngày Tết, gia đình nghệ sĩ Lan Hương - Đỗ Kỷ còn có thói quen ra Bờ Hồ xem pháo hoa trong thời khắc giao thừa, rồi đi lễ ở đền Ngọc Sơn. Sau đó, cả gia đình về lễ ở chùa Đồng Quan cạnh nhà.
"Từ Hồ Hoàn Kiếm trở về, cả nhà quây quần bên nhau thụ lộc và dành cho nhau lời chúc tốt đẹp trong đêm giao thừa. Nhà tôi vẫn duy trì việc đi chúc Tết đều đặn, đầu tiên là tứ thân phụ mẫu, sau là họ hàng, đặc biệt những ông bà, các bác lớn tuổi. Gia đình đông người nên đi một đoàn đổ bộ vào các nhà ríu ran, chúc tụng cười nói rất vui vẻ", nghệ sĩ Lan Hương kể.
Mẹ chồng - nàng dâu phải nhường nhau một chút
Năm 2022, NSND Lan Hương gây ấn tượng với vai diễn bà Hiền trong phim Thương ngày nắng về . Với hình tượng bà mẹ chồng tai quái, khó tính, chị bị nhiều khán giả… ghét.
Nữ nghệ sĩ trải lòng, chị không ngại bị mọi người ghét bỏ nhân vật. Với vai diễn nào NSND Lan Hương cũng nghiền ngẫm, đầu tư nghiên cứu sao cho khi hóa thân trên màn ảnh lột tả hết tính được tính cách, các sắc thái đa chiều của nhân vật.
"Tôi không quan trọng chuyện vai ngắn, vai dài, chính diện hay phản diện... Đã là một nghệ sĩ chuyên nghiệp, vai gì cũng sẽ hóa thân. Và khi nhận rồi phải làm cho tốt. Khi xem mình vào vai bà Hiền, bản thân tôi cũng "khiếp sợ" bà Hiền lắm. Tôi xem xong phim, nói với ông xã và các con tôi rằng: "Khiếp quá, mặt mũi bà này trông kinh nhỉ. Ngoài đời mà như thế kia thì ai mà dám chơi cùng" và mọi người cũng đồng tình", NSND Lan Hương cho hay.
Nổi tiếng với những vai diễn mẹ chồng ghê gớm, ai cũng tò mò việc NSND Lan Hương làm mẹ chồng ngoài đời thì như thế nào?
Tiết lộ về điều này, NSND Lan Hương cười cho biết: "Tôi không giống trong phim chút nào. Nếu các con dâu sợ mình một tý thì cũng thích đấy nhưng chẳng có đứa nào sợ tôi cả. Từ ngày có con dâu thứ, hai đứa hợp tác với nhau lắm. Bọn trẻ hay gọi bố mẹ chồng là… anh Kỷ, chị Hương.
Các con gọi như vậy vì yêu và trêu bố mẹ nên chúng tôi vui, trẻ trung ra, đặc biệt không có khoảng cách với các con. Mẹ chồng tôi cũng là người rất thương con dâu, nên tôi coi các con dâu như con gái của mình chứ không có sự phân biệt".
NSND Lan Hương chia sẻ quan điểm, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu có khi vì nàng dâu hiếu thắng, mẹ chồng bảo thủ mà không thể hòa hợp. Nhưng nếu mỗi người chịu nhường nhau một chút và tôn trọng sự khác biệt thì sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
"Các mối quan hệ tốt đẹp đều là do thấu hiểu nhau. Tôi và con dâu cùng là phận nữ, tôi cũng làm dâu, cũng có điều đã từng chạnh lòng. Vậy nên cố gắng để tránh cho nàng dâu gặp phải những tình huống khó xử đó, không nên đẩy họ về 1 chiến tuyến ngược với mình. Nội ngoại chỉ là cách để phân biệt 2 gia đình vợ hay chồng thôi, chứ không nên để phân biệt ai là chính, ai là phụ", nghệ sĩ Lan Hương tâm sự.
"Ngày cưới con trai thứ hai, điều tôi lo lắng nhất là các cô con dâu không hợp nhau. May mắn là hai đứa rất hòa hợp. Tôi chỉ là người kết nối chúng mà thôi. Khi có điều gì chưa hài lòng, tôi nhờ con dâu lớn nhắc nhở con dâu bé và ngược lại. Chúng nó bảo nhau là chính chứ tôi chẳng bao giờ phải nhắc cả", chị cho biết.
Trong những ngày cuối năm, NSND Lan Hương liên tục nhận được điện thoại của trai thứ 2 vì gia đình chị vừa đón thêm thành viên mới. Con dâu và cháu nội đang nghỉ tĩnh dưỡng ở bệnh viện phụ sản sau kỳ sinh nở, chị và chồng tranh thủ ở nhà gói bánh chưng để sau đó cả nhà sẽ lên viện đón con dâu và cháu về.
Vừa gói bánh chưng, Lệ - con dâu cả của NSND Lan Hương vừa gọi Facetime (ứng dụng gọi điện thoại video - PV) cho em dâu để cập nhật tình hình em bé mới sinh. Không khí trong nhà rộn ràng và đầm ấm.
Nhìn ánh mắt lấp lánh, viên mãn của nghệ sĩ Lan Hương - Đỗ Kỷ, thấy anh chị đang hạnh phúc và mùa xuân đang về trước hiên nhà…