Cuộc sống éo le của nữ sinh mồ côi trúng tuyển Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Nữ sinh Lê Thu Mai mồ côi cha lúc 3 tháng tuổi, mẹ bỏ đi lúc 5 tuổi, đã trúng tuyển nguyện vọng 1 chuyên ngành Sư phạm Toán dạy bằng Tiếng Anh, Trường Đại Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng không có tiền theo học đại học.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Lê Thu Mai (ngụ ở thị trấn Hà Trung, Thanh Hóa) đạt 27,25 điểm (Toán 8,6; Văn 9,25; Tiếng Anh 9,4).
Bố mất từ lúc còn đỏ hỏn, mẹ bỏ đi biền biệt
Trong căn nhà lụp xụp xuống cấp ở tiểu khu Thương Quý, thị trấn Hà Trung (Hà Trung, Thanh Hóa) bà Đoàn Thị Nguyệt (bà nội của Mai) vui mừng khi biết tin Mai trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Mừng cho cháu vào đại học, nhưng trong đôi mắt của bà Nguyệt là nỗi buồn, lo lắng vì sợ không có đủ tiền cho cháu theo đuổi ước mơ đến giảng đường.
Đôi vai gầy, mắt quầng sâu mang nỗi buồn thăm thẳm, bà Nguyệt tâm sự: "Bố của Mai qua đời do đột quỵ khi cháu mới tròn 3 tháng tuổi. Một thời gian sau đó, ba mẹ con bà cháu rời quê vào miền Nam kiếm sống, mưu sinh qua ngày.
Đến khi Mai lên 5 tuổi, hai bà cháu về quê sống tiện cho Mai đi học, còn mẹ Mai ở lại làm thuê. Kể từ khi về quê, hai bà cháu dần mất liên lạc với mẹ, con dâu.
Dù Mai lớn lên trong hoàn cảnh không được may mắn, nhưng bù lại cháu ít ốm đau, ngoan và học giỏi. Cuộc sống hiện nay của hai bà cháu, hàng ngày trồng rau mang ra chợ bán, lúc rảnh rổi thì ai thuê gì làm nấy miễn là có thêm tiền để cho Mai được đi học.
"Trong suốt 12 năm học, biết Mai có hoàn cảnh quá éo le, thầy cô giáo trong trường cũng đã hỗ trợ tối đa cho cháu khoản học phí nên Mai mới tiếp tục theo học được.
Bây giờ cháu vào đại học ai cũng chúc mừng, nhưng mà cũng lo không biết làm gì để cho cháu có đủ tiền theo học. Khi cháu vào học đại học, tôi chỉ mong mình được khỏe để đủ sức khỏe để làm việc nuôi cháu học xong đại học.
Khi có kết quả thi, tôi lúc động viên cháu không được bỏ học giữa chừng, Mai bảo sẽ bảo lưu kết quả thi rồi đi xuất khẩu lao động. Khi có điều kiện, cháu sẽ quay lại đi học cũng được, nhưng tôi không cho vì tôi còn cố được đến đâu thì nhất định không cho cháu nghỉ học.
Những ngày qua, nhiều đêm tôi không ngủ được cứ nghĩ đến cháu là tôi lại khóc, nó lại ôm tôi khóc theo vì lo lắng không có đủ sức khỏe để nuôi cháu theo đuổi được ước mơ”, bà Nguyệt chia sẻ về tình cảnh gia đình nhiều lần rơi nước mắt.
Cô học trò luôn kiên cường và nỗ lực vượt khó
Nói về Mai, người dân kể cô gái dù có hoàn cảnh rất đáng thương nhưng lại mang tấm lòng thiện nguyện khi mở lớp dạy học miễn phí cho các em nhỏ trong làng vào tối chủ nhật hàng tuần.
Còn cô Phạm Thị Hải Yến, giáo viên chủ nhiệm của Mai cho biết, trong 12 năm đi học, năm nào Mai cũng đạt học sinh giỏi các cấp. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Mai kiên cường và luôn nỗ lực vượt khó.
"Mai đỗ đại học là niềm vui, nhưng thời gian tới sẽ là thách thức đối với hai bà cháu khi điều kiện hoàn cảnh quá khó khăn. Thông qua báo đài, tôi mong muốn các nhà hảo tâm tiếp tục giúp đỡ để Mai để ước mơ của Mai thành sự thật”, cô Yến tâm sự.
Nói về con đường phía trước của mình, Mai tâm sự: "Ước mơ của em là được theo học kinh tế, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên em chuyển hướng đăng ký ngành Sư phạm Toán.
Vì chỉ có theo học ngành sư phạm sẽ bớt đi gánh nặng của bà và em có cơ hội bước chân vào giảng đường.
Suốt 12 năm qua, em luôn biết ơn, trân trọng tình cảm của thầy cô giáo, hàng xóm, các nhà hảo tâm đã giúp đỡ em được đến trường như bao người bạn cùng trang lứa", Mai bày tỏ.