Cuộc sống mới của bệnh nhân chạy thận ở xã đảo Thạnh An
Ông Dũng, chị Hoa, anh Tài khi không còn phải vất vả ra vào đất liền để chạy thận.
Trên chiếc ghe chở những chậu mai, cúc vàng rực rỡ từ đất liền hướng về xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP. HCM người dân râm ran chuyện trò về cuộc sống mới ở nơi này. Nào là, chuyện bán khô cá dứa, cá đù đắt hàng ngày Tết, cho đến niềm vui khôn xiết của ông Dũng, chị Hoa, anh Tài khi không còn phải vất vả ra vào đất liền để chạy thận.
Nỗi niềm "chạy thận"
Ðã gần 3 tháng nay, như thường lệ, cứ vào sáng sớm thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy, anh Huỳnh Tấn Tài (34 tuổi) và ông Lê Văn Dũng (54 tuổi) lại có mặt tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ thay vì lên thành phố để chạy thận. Cả hai đều đến từ Thạnh An - xã đảo duy nhất của TP.HCM. Hơn ai hết, chính họ là người thấu hiểu rõ nhất hành trình nhọc nhằn trước đây khi phải vào thành phố chạy thận.
Hơn 3 năm trước, anh công an xã đảo Huỳnh Tấn Tài sau một buổi chiều đi chơi thể thao về đến nhà thấy người mệt bủn rủn nên xuống Trạm Y tế xã Thạnh An khám rồi được chuyển lên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Tại đây, anh nhận được kết quả suy thận giai đoạn cuối.
Vốn trước là một chàng trai khỏe mạnh, là trụ cột của gia đình, Tài bị suy sụp. Anh buộc phải lựa chọn giữa việc chạy thận để duy trì sự sống hay buông xuôi đợi "ông Trời gọi đi".
Và Tài bắt đầu hành trình chạy thận gian nan. Ðó là hành trình dài 90km từ nhà - bến đò - nhà trọ - nhà xe - bến phà - bệnh viện và ngược lại. Do cư trú ở xã đảo, từ chiều hôm trước, anh và mẹ phải lên ghe vào thị trấn Cần Thạnh thuê nhà trọ. Suốt đêm, chàng trai 34 tuổi mất ngủ, bà Minh (mẹ Tài - PV) cũng cứ chập chờn vì lo ngủ quên, sợ sớm mai không kịp đón xe đò lên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5) chạy thận.
Cả đi lẫn về, mẹ con anh Tài mất ròng rã 25 tiếng, nếu tính ngày thì mất 2 ngày. Một tuần 3 lần, Tài mất đến 6 ngày đi chạy thận. Vợ và cô con gái 6 tuổi của Tài cũng đã quen với việc cứ đến 17 giờ chiều hôm trước Tài rời nhà đi chạy thận thì 18 giờ hôm sau mới có mặt ở nhà.
Chạy thận ngày thường đã cực nhọc vì đường sá xa xôi, phải "vượt sóng", phà xe, nhưng vào ngày Tết, hành trình của anh Tài còn cực hơn nhiều. Chân yếu, mọi di chuyển của anh đều phải nhờ người dìu và khiêng. Có năm lịch chạy thận rơi đúng mùng Một Tết nên chiều 30 mẹ con anh Tài phải sấp ngửa khăn gói ra bắt ghe lên khu trọ, sáng sớm mùng Một không xe đò nào chạy buộc phải thuê taxi vào viện.
"Ngày Tết chạy thận trên bệnh viện mình buồn lắm. Tết chỉ có được 3 ngày thôi mà mình đi bệnh viện đã mất 2 ngày, có năm ốm tùm lum là không có Tết. Mình sợ con gái buồn vì thiếu thốn tình cảm của cha. Mình cứ cầu mong được ở nhà cùng vợ con chơi trọn cái Tết, mấy năm nay vợ mình phải làm tất mọi việc, thay mình tự dọn dẹp và trang trí nhà cửa chứ mình đâu có phụ giúp được gì đâu", anh Tài vừa nói mắt vừa rưng rưng.
Ðược biết, chi phí mỗi tháng riêng đi lại của mẹ con anh Tài khoảng 10 triệu, có tháng lên đến 12 triệu đồng. Ðể tiết kiệm, mỗi sáng đưa con đến viện chạy thận, bà Minh chỉ mua đồ cho con trai ăn không bị đói trong suốt 4 tiếng lọc máu, còn bà thì xin suất cơm canh từ thiện ăn cho qua bữa. Thế nhưng bà Minh nói, vất vả bao nhiêu bà cũng chịu được, miễn là con trai mình duy trì được sức khỏe.
Tương tự anh Tài, ông Lê Văn Dũng ở ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh An cũng chạy thận được hơn 1 năm nay. Cứ tuần 3 lần, ông Dũng lại bắt ghe "vượt sóng", rồi ôtô vượt phà đến Bệnh viện Quận 8. Vợ đã mất nên ông Dũng một mình đi - về trong mỗi lần chạy thận. "Ám ảnh nhất với tôi là những hôm biển sóng lớn, cảm giác chòng chành, chao đảo muốn nôn. Nhiều khi chạy thận xong, bắt xe rồi đợi phà hàng tiếng đồng hồ, tôi rất mệt mỏi và ao ước gì được chạy thận ở bệnh viện gần nhà để vừa đỡ tốn kém vừa đỡ cực", ông Dũng tâm sự.
Cũng cùng quê xã đảo, chị Nguyễn Thị Hoa (48 tuổi) mắc bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối từ năm ngoái và phải chạy thận ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trên thành phố. Vợ chồng chị Hoa kinh tế khó khăn nên để tiết kiệm chi phí đò xe đi lại, vào ngày chạy thận, sáng sớm hai vợ chồng lên ghe ra đến thị trấn Cần Thạnh là chị Hoa bắt xe buýt còn chồng đi xe máy qua phà Bình Khánh đợi vợ rồi hai vợ chồng cùng chạy xe honda lên viện. Kết thúc chạy thận xong là 4 giờ chiều, về đến Cần Thạnh tối muộn, hai vợ chồng chị Hoa không kịp bắt chuyến ghe cuối cùng nên phải thuê trọ ở lại qua đêm, sáng mai mới về được nhà.
"Nhà xa, di chuyển liên tục (tuần 3 buổi - PV) khiến sức khỏe vợ tôi ngày càng suy kiệt, xanh xao. Cứ đến ngày vợ chạy thận là tôi bỏ công ăn việc làm để đưa vợ đi. Chi phí cho đi lại chạy thận nhiều quá, tôi cứ mơ một ngày nào đó vợ mình có thể chạy thận ở ngay gần nhà cho đỡ khổ", anh Lê Hồng Phúc - chồng chị Hoa bộc bạch.
Niềm mong mỏi thành sự thật
Thấu hiểu nỗi vất vả, sự thiệt thòi của những bệnh nhân ở xã đảo Thạnh An nói riêng và huyện Cần Giờ nói chung, từ ngày 18/10/2023, Ðơn vị chạy thận nhân tạo đã chính thức vận hành ngay tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ .
BS. Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Ðức), đơn vị xung phong hỗ trợ Cần Giờ chia sẻ, huyện Cần Giờ là địa phương duy nhất ở TP.HCM "qua sông phải lụy đò", đặc biệt là xã đảo Thạnh An xa đất liền. Khi biết câu chuyện bà con phải lặn lội chạy thận xa xôi, BS. Khanh đã gọi điện cho BS. Ðoàn Văn Huệ - Giám đốc Bệnh viện huyện Cần Giờ để bàn phương án thành lập Ðơn vị chạy thận nhân tạo". Kế hoạch nhanh chóng được báo cáo xin ý kiến và được Giám đốc Sở Y tế TP.HCM ủng hộ.
Hay tin Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ đã có Ðơn vị thận nhân tạo, anh Tài, chị Hoa và ông Dũng mừng lắm, đăng ký lọc thận ngay. Ðược biết, hiện tại huyện Cần Giờ có 41 bệnh nhân chạy thận thì đã có 17 bệnh nhân đăng ký chạy thận tại đây.
Ngồi bên ngoài hành lang bệnh viện chờ con trai nằm chạy thận, trò chuyện với phóng viên, bà Minh không khỏi xúc động: "Trước đây, mẹ con tôi đi chạy thận dưới thành phố thì chiều ngày hôm trước đi, hôm sau mới về đến nhà. Giờ chuyển về đây, sáng hai mẹ con từ nhà đi, qua trưa là về rồi, chưa kể tôi thấy ở đây phòng ốc sạch sẽ, thoải mái hơn trển. Em Tài tinh thần nó tốt hơn, ăn uống và ngủ được, tăng ký, vợ con nó mừng lắm".
Trên chuyến ghe từ Cần Thạnh về Thạnh An, ông Dũng tươi cười trò chuyện với bà con. Ða số mọi người quen biết nhau nên bắt chuyện rôm rả, nhiều người khen ông thần sắc tốt và da dẻ đẹp hơn trước. "Năm nay khỏe hơn nên Tết đến thấy mừng, mới dám mua sắm đồ trong nhà chút đỉnh chứ năm trước không muốn mua gì, sắm gì", ông Dũng hồ hởi nói.
Ðược về Cần Giờ chạy thận, vợ chồng chị Hoa bảo đó là niềm mong ước rất lớn và cả hai không ngờ ước mơ suốt thời gian trước đã trở thành sự thật. "Không gian ở đây rất thoáng mát, lại gần nhà, tôi thấy rất thoải mái", chị Hoa tâm sự.
Tiếp lời vợ, anh Phúc nói: "Bữa trước chạy thận trên thành phố vất vả nên bả tiều tụy lắm, từ ngày lọc thận ở Cần Giờ về thấy khỏe hơn, lúc trước bả khoảng 40kg mà giờ về tăng được 53kg. Năm nay Tết đến thấy vợ khỏe là mừng rồi".
Vừa bước xuống ghe, như bao lần khác, anh Tài lại được những người xe ôm xuống dìu và chở về nhà miễn phí. Hàng xóm thấy anh về, mọi người liền tíu tít qua hỏi han, trò chuyện khiến ngôi nhà nhỏ rộn ràng tiếng cười nói.
Trong nhà, nhìn con trai vui vẻ trò chuyện với hàng xóm và đoàn cán bộ bác sĩ từ thành phố về thăm, nụ cười bà Minh rạng rỡ, mắt lấp lánh niềm vui: "Năm nay thấy con mình khỏe mạnh hơn, tôi mới thấy vui được. Tết mấy năm kia không thiết tha sắm sửa, thời khắc Giao thừa chỉ lo đường từ nhà đến viện có suôn sẻ không, nay tôi mới cảm nhận được mùa xuân mới. Không gì bằng sức khỏe, con khỏe mạnh là món quà Tết quý giá nhất đối với tôi và gia đình. Gia đình tôi cảm ơn sự chăm sóc tận tình từ các bác sĩ đến điều dưỡng. Tôi chúc năm mới tất cả các gia đình hạnh phúc, bình an".
Ngày 18/10/2023, Ðơn vị chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế Cần Giờ chính thức đi vào hoạt động, với sự hỗ trợ của Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Trước đó, 41 bệnh nhân suy thận mạn ở Cần Giờ phải vượt quãng đường xa vào các bệnh viện ở nội thành như Nguyễn Tri Phương, Lê Văn Thịnh, Nhà Bè, Quận 8 và Bệnh viện Quân y 175 để chạy thận.
Trong số các bệnh nhân chạy thận ở Cần Giờ, bệnh nhân ở xã đảo Thạnh An gặp khó khăn hơn cả. Ðây là xã đảo duy nhất của thành phố, cách trung tâm huyện khoảng 8km với khoảng 5.000 dân. Cuộc sống biệt lập trên biển, điều mà người dân ở xã đảo này lo nhất không phải là cái đói, cái khổ, mà lo nhất việc phải vượt quãng đường xa đi khám, chữa bệnh. Khó khăn vậy nên không ít người suy thận mạn đã phải bỏ điều trị giữa chừng và ra đi trong bất lực.
Từ khi mở đơn vị chạy thận ở Cần Giờ, người dân nơi đây ai nấy đều vui mừng phấn khởi. Và với các bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, đây thật sự là giấc mơ họ được "chạm" tay tới. Nhờ vậy, sự sống mới tiếp nối, niềm vui tiếp nối niềm vui và mùa xuân mới trọn vẹn yêu thương, hạnh phúc.