Cuộc sống mới của người vợ mang tiếng oan 'bán tạng chồng'

Từ ngày chồng mất, người phụ nữ 33 tuổi nén nhịn nỗi đau, bỏ ngoài tai bao điều tiếng ác ý để gồng gánh nuôi dạy các con nhỏ nên người…

Chị Giang chia sẻ về quyết định bước qua rào cản để hiến tạng chồng cứu nhiều người.

Chị Giang chia sẻ về quyết định bước qua rào cản để hiến tạng chồng cứu nhiều người.

Nỗi đau đè nén

Chị là Nguyễn Thị Giang (ở thôn Ngọ Xá, xã Châu Minh, Hiệp Hòa, Bắc Giang). Qua hỏi thăm, chúng tôi được một người dân dẫn đến căn nhà cấp bốn trong một con ngõ nhỏ của mẹ con chị Giang. Phải chờ một lúc khi gọi cửa, con trai lớn của chị Giang đang chơi bên nhà hàng xóm mới chạy về: "Để cháu đi gọi mẹ".

Vài phút sau, chị Giang tất tưởi chạy về. Bên trong ngôi nhà trống trơn là hai chiếc giường nhỏ, tủ thờ và tấm phông dịp cuối năm 2019 gia đình chị nhận kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" treo trên tường. "Từ ngày chồng mất, tôi cũng ít ở nhà, sợ mỗi lần nhìn thấy ảnh của chồng lại đau lòng", chị Giang vừa mời nước vừa nói với chúng tôi. Khó mà tin được, người phụ nữ nhỏ nhắn, khuôn mặt phúc hậu ấy luôn mang trong mình nỗi trăn trở về cuộc đời.

Thỉnh thoảng, cậu con trai út lại đến sà vào lòng mẹ. "Con tên là gì, năm nay mấy tuổi nhỉ?", chúng tôi hỏi. Cậu bé nhanh miệng trả lời như muốn giới thiệu với khách lạ: "Con là Ngọ Văn Đạt, con của bố Ngọ Văn Soái, năm nay 4 tuổi. Anh con học lớp 7, chị con học lớp 5…".

Anh Soái là con út trong gia đình nghèo đông con. Từ ngày còn nhỏ, anh đã biết đi mò cua, bắt ốc bán kiếm tiền tự nuôi mình rồi. "Cho đến khi chúng tôi yêu nhau, anh còn vay ngân hàng để có tiền lấy vợ. Về chung sống, anh lúc nào cũng chăm chỉ làm ăn và chăm lo cho vợ con. Anh sống chẳng để mất lòng ai bao giờ, họ hàng và xung quanh làng xóm ai cũng quý mến…", chị Giang vừa kể vừa quệt ngang dòng nước mắt.

Ngôi nhà cấp bốn được xây từ năm 2003, nơi chị Giang cùng ba con nhỏ đang sống. Ảnh: Lương Hạnh

Ngôi nhà cấp bốn được xây từ năm 2003, nơi chị Giang cùng ba con nhỏ đang sống. Ảnh: Lương Hạnh

Làm nghề sửa điện cũng chẳng được bao nhiêu, chăn nuôi cũng hay thua lỗ nhưng hai vợ chồng luôn bảo nhau làm ăn tích cóp để sớm xây được căn nhà. Nào ngờ tai họa ở đâu ập đến, ngôi nhà chưa kịp sửa sang thì anh đã đột ngột ra đi.

29/9/2019 có lẽ là ngày chị Giang không thể nào quên khi hung tin ập đến: Anh Soái trên đường đi mua đồ bị tai nạn (do tự ngã) dẫn đến chấn thương sọ não, không có khả năng qua khỏi.

Được sự chia sẻ của các bác sĩ về việc hiến tạng cũng như sự động viên từ các anh chị của chồng, chị Giang đã mất 3 ngày suy nghĩ để quyết định hiến toàn bộ mô tạng của anh Soái cho những người bệnh khác. "Mình mất chồng đau đớn như thế nào thì người ta mất người thân cũng đau đớn như vậy. Người mất thì cũng đã mất, nếu hiến tạng của anh mà cứu được bao nhiêu người khác thì sao không làm", chị Giang bộc bạch.

Sau khi bàn bạc với gia đình và ký vào đơn đăng ký hiến tạng, không ngờ rằng về nhà chị Giang bị một số người làng bàn tán rằng "bán tạng chồng lấy 1 tỷ". "Tôi nghe mà đau lắm, nhưng không thể giải thích được bởi có ai nghe, ai hiểu… Xót xa hơn cả là các con đi học bị bạn bè nói "bố mày chết, mẹ mày bán tạng bố mày để lấy tiền" khiến các cháu xấu hổ, mặc cảm không dám đến trường. Nỗi ám ảnh ấy đi cả vào giấc ngủ của các cháu…", chị Giang xót xa kể.

Mong nuôi dạy các con nên người

Gia cảnh đơn sơ của gia đình chị Giang.

Gia cảnh đơn sơ của gia đình chị Giang.

Cho đến khi Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lễ tri ân và truy tặng Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" cho gia đình anh Nguyễn Văn Soái tại UBND xã Châu Minh, Hiệp Hòa, Bắc Giang thì làng nước mới rõ chuyện. Lãnh đạo Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia cho biết, nhờ nghĩa tử cao đẹp của gia đình anh Soái khi chấp nhận hiến tặng một phần cơ thể cứu người sau khi qua đời mà nhiều người đã được hồi sinh sự sống. Đây cũng là trường hợp hiến toàn bộ mô tạng cứu người đầu tiên tại tỉnh Bắc Giang.

Từ khi anh Soái mất, cuộc sống của 4 mẹ con chị Giang vất vả hơn. Bất cứ ai thuê gì chị làm nấy, kết hợp ruộng vườn sống qua ngày. Chị tâm sự, số tiền trợ cấp từ diện hộ nghèo không đủ cho bốn miệng ăn. Cũng may nhờ anh em nội ngoại giúp đỡ động viên, nên chị mới lo được cho các con chuyện ăn học.

Dù cuộc sống muôn vàn khó khăn nhưng niềm vui lớn lao của chị là các con luôn tự hào về bố của mình. "Bây giờ tôi cũng không có gì để hối hận, tôi tin chồng tôi cũng sẽ đồng tình với mình. Anh mất đi rồi nhưng những phần cơ thể anh vẫn sống và mang lại sự sống cho người khác. Tôi cũng mong những người rơi vào trường hợp như mình sẽ thật mạnh mẽ và làm được như mình để mang lại niềm vui cho nhiều người khác", chị Giang tâm sự.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Sáu, Trưởng thôn Ngọ Xá (xã Minh Châu) cho biết, những lời đồn ác ý về vợ anh Soái và gia đình giờ đã được giải tỏa hết. Theo bà Sáu, đó là do mọi người chưa hiểu việc hiến tạng có thể cứu người khác nên đã có những lời nói không hay. Sau đó, chính quyền địa phương đã tuyên truyền phổ biến về việc đăng ký hiến tạng đã được làm ở nhiều nơi, nhiều tỉnh và nhiều người được cứu sống thì người dân rất chia sẻ.

"Qua trường hợp của gia đình anh Soái, địa phương chúng tôi cũng có ý tưởng lồng ghép tuyên truyền về việc hiến ghép mô tạng để người dân được hiểu hơn về việc làm giàu ý nghĩa này, bên cạnh việc hiến máu nhân đạo đang được thực hiện rất tốt ở địa phương", Trưởng thôn Ngọ Xá chia sẻ thêm.

H.Chiến - L.Hạnh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/cuoc-song-moi-cua-nguoi-vo-mang-tieng-oan-ban-tang-chong-20200311184350269.htm