Cuộc sống mới ở Bản Bung

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: 'Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công'. Thấm nhuần lời dạy của Người, công tác dân vận luôn được Chi bộ Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang) quan tâm, thực hiện bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, đặc biệt là nhân rộng các mô hình 'Dân vận khéo', tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thôn “Ba không” ngày ấy

Thôn Bản Bung thuộc vùng đặc biệt khó khăn của xã Thanh Tương. Thôn có 49 hộ, với 237 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Dao. Năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chiếm hơn 70%. Thu nhập chủ yếu xoay quanh công việc nương rẫy, đồng áng, chăn nuôi nhỏ lẻ. Trước kia thôn Bản Bung được mọi người nói vui với cái tên “thôn 3 không”, tức là không đường, không điện, không sóng điện thoại.

Con đường từ trung tâm xã lên đến thôn dài khoảng 6 km, trong đó có khoảng hơn 3 km là đường mòn rộng gần 1m băng qua cánh rừng một bên là rừng núi đá, một bên là vực sâu, đi lại rất khó khăn và nguy hiểm. Đặc biệt vào những ngày mưa gió thì đường bị sói mòn lởm chởm đất đá, có những đoạn đường thì bùn lầy lội trơn trượt, đi rồi mới thấu hiểu những khó khăn của bà con. Rồi nữa, thôn chưa có điện lưới quốc gia, cứ đêm xuống bản làng lại chìm trong màn đêm heo hút.

 Toàn cảnh Bản Bung

Toàn cảnh Bản Bung

Không có điện khổ vô cùng, trời nắng nóng phải dùng quạt tay, không có tivi để xem; trong thôn chỉ có vài hộ dân tự chế những máy phát điện lấy từ những khe suối chảy ra để thắp sáng. Không có điện đồng nghĩa với không có thông tin, sản xuất không phát triển, không có kết nối thông tin với bên ngoài, đời sống tinh thần thiếu thốn đủ bề. Cuộc sống của người dân nơi đây bị bó buộc bởi những khó khăn về cơ sở hạ tầng, đường giao thông đi lại vất vả, thông tin liên lạc thì hạn chế, mọi hoạt động sinh hoạt của nhân dân trong bản hầu như đều phải tự cung tự cấp khiến cho cuộc sống của bà con càng trở nên gian nan, thiếu thốn.

Trước những khó khăn đó, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang và lãnh đạo huyện Na Hang, thôn có dự án làm đường, điện lên thôn và đặc biệt là Đề án của Ủy ban nhân dân huyện Na Hang về phát triển kinh tế - xã hội thôn Bản Bung giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội... Khi triển khai những chủ trương, cơ chế, chính sách này và nhờ làm tốt công tác dân vận tại cơ sở mà các công việc ở thôn được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Anh Triệu Thế Hải - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Bung là một lãnh đạo thôn nhiệt tình, trách nhiệm, luôn quan tâm cho lợi ích tập thể, đi đầu trong mọi công việc. Anh luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị của địa phương để tuyên truyền đến đảng viên và nhân dân thực hiện. Trong các cuộc họp chi bộ, họp thôn anh luôn lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của đảng viên và nhân dân để giải quyết có tình, có lý, hợp lòng dân, nhờ đó anh đã xây dựng được một tập thể đoàn kết, đồng lòng.

Ngoài những công việc của thôn, anh còn là một tấm gương về phát triển kinh tế. Anh đã tranh thủ cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang để xây dựng Homesaty tại gia đình. Đây là Homestay đầu tiên của thôn đang hoạt động hiệu quả tạo thêm một nguồn thu lớn cho gia đình, đến nay mô hình này đã lan tỏa đến bà con nhân dân. Hiện thôn đã có 02 Homesaty đang hoạt động hiệu quả, thu hút được nhiều khách đến thăm quan, lưu trú, ăn nghỉ và trải nghiệm.

Nhà Văn hóa thôn Bản Bung.

Nhà Văn hóa thôn Bản Bung.

Về cơ sở hạ tầng trong thôn, khi triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất mở đường lên thôn, 100% các hộ dân đều đồng tình nhất trí hiến đất để làm đường với tổng diện tích hơn 10.132 m2 đất và tài sản trên đất để thực hiện dự án làm đường lên thôn mà không cần đền bù. Đến nay con đường lên thôn đã rất đẹp và thuận lợi, cùng với đó điện lưới quốc gia đã về với bản và đến từng hộ dân, thông tin liên lạc được phủ sóng khắp thôn, nếp nhà sàn văn hóa của thôn khang trang mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; công trình nước sạch, các công trình giao thông, kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất được xây dựng kiên cố...

Những con đường bê tông, đường giao thông, kênh mương nội đồng được đầu tư, việc đi lại cũng như phát triển kinh tế được thuận lợi; điện lưới quốc gia, sóng thông tin liên lạc đã được phủ khắp bản làng. Đây có lẽ là niềm vui lớn nhất của bà con khi giờ đây thôn “3 không” chỉ còn trong quá khứ.

Bản Bung bừng sáng

Nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền từ xã đến thôn bản, kinh tế của thôn Bản Bung đã có những bước phát triển vượt bậc. Người dân không chỉ dựa vào nương rẫy, chăn nuôi mà còn biết tận dụng các nguồn lực khác để phát triển kinh tế.

Nhận thấy thôn có nhiều tiềm năng, điều kiện để phát triển, chi bộ thôn đã họp bàn và đưa vào Nghị quyết, kế hoạch để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng; từ đó nhân dân trong thôn đã có sự thay đổi về tư duy, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế cho thu nhập cao; thành lập hợp tác xã; phối hợp liên kết phát triển kinh tế.

Bản Bung phát triển vùng trồng rau sạch.

Bản Bung phát triển vùng trồng rau sạch.

Hiện nay thôn có 01 Hợp tác xã nông nghiệp xanh và du lịch Kim Sơn; thôn có 13 người tham gia thành viên của các hợp tác xã; có 15 hộ dân phối hợp liên kết với các hợp tác xã phát triển kinh tế và một số mô hình kinh tế của các hộ gia đình; phát triển đàn gia súc, gia cầm đều đạt chỉ tiêu hằng năm giao; thôn có 35 công dân đi lao động tại các khu công nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động cho nguồn thu khá lớn...Có thể so sánh tỉ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2021 tại thôn là hơn 70% thì đến hết năm 2023 tỉ lệ hộ nghèo đa chiều của thôn chỉ còn hơn 18%, đó là minh chứng sống động cho cuộc sống mới, cuộc sống tốt đẹp hơn của bà con Bản Bung nơi đây.

Bên cạnh đó, sự phát triển của du lịch cũng mang lại những cơ hội mới cho người dân. Bản Bung với cảnh sắc thiên nhiên hùng vỹ, nhiều hang động, rừng nguyên sinh và có văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách.

Hiện nay trong thôn đã có 02 Homestay đang hoạt động đáp ứng được nhu cầu cho khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm, ăn và nghỉ; có 01 đội văn nghệ truyền thống, 01 câu lạc bộ hát then đàn tính; thôn đã khai thác được tuyến trải nghiệm Rừng Bó Kim - Nà Niếng và khám phá hang Bó Kim. Thôn có khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung và có 02 cây nghiến cổ thụ được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Các dịch vụ Homestay, trải nghiệm văn hóa bản địa, trải nghiệm rừng nguyên sinh, hang động đã giúp người dân tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Có thể nói con người, đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu và sinh thái nơi đây là tiềm năng rất lớn để người dân phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng làng văn hóa du lịch trong tương lai, góp phần cùng với địa phương, huyện, tỉnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng như mục tiêu mà nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định.

Từ những kinh nghiệm trong công tác Dân vận của Đảng mà thôn Bản Bung đã vận dụng hiệu quả trong thời gian qua và những nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong thời gian tới, nhất định thôn Bản Bung sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa, với mục tiêu xây dựng thôn trở thành làng văn hóa du lịch tiêu biểu của xã và của huyện Na Hang trong thời gian tới, góp phần cùng với Nhân dân các dân tộc xã Thanh tương thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Thanh Tương trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Phạm Tiến Sỹ(xã Thanh Tương, Na Hang)

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/cuoc-song-moi-o-ban-bung-196634.html