Cuộc sống mới ở Nậm Sin

Bản Nậm Sin (xã Chung Chải, huyện Mường Nhé) là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Si La. Hơn 40 năm lập bản, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, Nậm Sin đã có những bước chuyển mình. Từ bản đặc biệt khó khăn, nay diện mạo nơi đây đang dần khởi sắc, đời sống người dân từng bước cải thiện. Dẫu vậy, để người dân có sinh kế ổn định, thoát nghèo và phát triển bền vững, Nậm Sin còn nhiều thách thức.

Giao thông, điện, nước sinh hoạt tại bản Nậm Sin đã được đầu tư đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt và sản xuất.

Giao thông, điện, nước sinh hoạt tại bản Nậm Sin đã được đầu tư đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt và sản xuất.

Diện mạo mới

Cách trung tâm huyện Mường Nhé khoảng 40km, bản Nậm Sin gần như tách biệt hoàn toàn với các bản làng khác. Với địa thế hiểm trở, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và đặc thù của dân tộc Si La, Nậm Sin là một trong những bản khó khăn nhất của huyện Mường Nhé.

Trong ký ức của những người cao tuổi nơi đây, những năm đầu mới thành lập, cả bản chỉ có vài ngôi nhà tranh tre, vách đất tạm bợ, xiêu vẹo. Do sống biệt lập, sinh kế của người dân khi ấy chủ yếu dựa vào cây ngô, một ít diện tích lúa nương, kỹ thuật canh tác lạc hậu. Do đó, nghèo đói cứ bám riết các hộ dân Nậm Sin trong suốt thời gian dài, gần như 100% hộ thuộc diện nghèo.

Ông Lỳ Lóng Hừ, 62 tuổi ở bản Nậm Sin nhớ lại: “Ngày ấy, người dân nghèo đói lắm, làm không đủ ăn. Xa xôi, cách trở, nếu có việc muốn ra trung tâm xã, bà con phải lội suối, băng rừng mất cả ngày. Còn ra huyện thì phải đi bộ cả tuần”.

Nhưng đó là chuyện cũ. Nậm Sin hôm nay đã có nhiều đổi thay!

Con đường đất lầy lội vào Nậm Sin ngày nào giờ đã được thay thế bằng mặt đường bê tông phẳng lì. Năm 2020, tuyến đường nối quốc lộ 4H vào trung tâm bản Nậm Sin được đầu tư nâng cấp dài gần 10km. Những công trình hạ tầng thiết yếu như: Điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt, hệ thống thủy lợi và trường học cũng được quan tâm đầu tư đồng bộ.

Trở lại Nậm Sin sau nhiều năm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những căn nhà kiên cố mọc lên, trẻ em đến trường đầy đủ, cuộc sống người dân dần ổn định. Những đổi thay ấy là kết quả của sự quan tâm đặc biệt từ Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, đặc biệt là từ Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025.

Nhắc đến những đổi thay này, ông Lỳ Lóng Hừ không giấu được niềm vui: “Bây giờ có đường đi lại thuận tiện, không còn phải lo lắng mỗi khi ra xã hay huyện. Khi ốm đau cũng dễ dàng đến trạm y tế, các y bác sĩ rất tận tình. Cuộc sống bây giờ đã tốt hơn nhiều rồi”.

Hiện nay, bản Nậm Sin có 56 hộ, 228 khẩu người dân tộc Si La. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 57,14% và hộ cận nghèo chiếm 12,5%. Cả bản có hơn 10ha lúa nước 2 vụ; 1,2ha ao cá; 35 con trâu và 20 con bò... Sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt trên 360kg/người/năm, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ.

Ông Lỳ Hồng Sơn, Trưởng bản Nậm Sin cho biết: Trong bản đã có một số thanh niên đi làm công nhân tại các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang... nhờ đó có điều kiện xây dựng, sửa chữa nhà cửa, mua sắm ti vi, xe máy. Bản có một điểm trường tiểu học và một trường mầm non, 100% học sinh đến trường đúng độ tuổi.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Dù đã có nhiều đổi thay vượt bậc, nhưng so với các bản khác trong xã, Nậm Sin vẫn nằm trong nhóm nghèo và khó khăn nhất.

Người dân bản Nậm Sin kiến nghị với đoàn công tác của tỉnh về hỗ trợ thêm các chính sách an sinh.

Người dân bản Nậm Sin kiến nghị với đoàn công tác của tỉnh về hỗ trợ thêm các chính sách an sinh.

Thách thức lớn nhất là nhiều người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc thiếu động lực đã cản trở con đường thoát nghèo của bà con nơi đây.

Năm 2020, từ nguồn vốn Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, Nhà nước đã hỗ trợ 48 hộ dân bản Nậm Sin xây chuồng trại và cấp 96 con lợn giống. Tuy nhiên, thay vì được nhân rộng, mô hình chăn nuôi ngày càng thu hẹp. Nhiều chuồng trại xuống cấp nhưng người dân không chủ động sửa chữa, mà trông chờ vào sự hỗ trợ tiếp theo từ Nhà nước. Tại các cuộc họp bản hay hội nghị tiếp xúc cử tri, 100% hộ từng được hỗ trợ đều đề nghị tiếp tục được cấp lợn giống và kinh phí sửa chuồng để duy trì chăn nuôi.

Không chỉ riêng đề án này, Nậm Sin còn là đối tượng thụ hưởng các chương trình mục tiêu quốc như: Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, xóa nhà tạm, dột nát... Thế nhưng, sau khi nhận hỗ trợ, hầu hết mô hình sinh kế không được duy trì, người dân vẫn phụ thuộc vào sự trợ giúp của Nhà nước. Đơn cử, bản có 14 - 15 hộ không thuộc diện hỗ trợ xóa nhà tạm nhưng vẫn đề nghị Nhà nước cấp kinh phí sửa chữa nhà ở. Gần đây, toàn bộ hộ dân trong bản cũng kiến nghị hỗ trợ mỗi hộ một nhà vệ sinh.

Một trong những khó khăn của Nậm Sin hiện nay là thiếu đất sản xuất. Toàn bản có hơn 10ha lúa nước hai vụ nhưng thuộc sở hữu của khoảng 20 hộ, trong khi các hộ còn lại chỉ canh tác trên nương, mỗi hộ chỉ có khoảng 2 - 3ha. Vì vậy, người dân chỉ canh tác lúa nương, ngô để đảm bảo lương thực, không có điều kiện tham gia các dự án chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.

Đơn cử, năm 2023, bản Nậm Sin có 7 hộ tham gia trồng quế nhưng do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc hạn chế, nhiều cây bị chết. Khi UBND xã Chung Chải hỗ trợ cây giống trồng dặm, các hộ cũng từ chối, giữ đất cho cây trồng truyền thống.

Ông Lỳ Chà Là chia sẻ: “Tôi đã thử trồng quế theo chủ trương của xã nhưng tỷ lệ cây sống không cao. Tôi nghĩ quế không hợp đất ở đây nên không muốn trồng dặm, nếu cây tiếp tục chết, tôi sẽ quay lại trồng các loại cây quen thuộc”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Giàng A Sử, Phó Chủ tịch UBND xã Chung Chải cho biết: “Thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại. Tuy nhiên, đây là quá trình lâu dài, không thể thay đổi trong thời gian ngắn”.

Để bảo tồn và phát triển cộng đồng người dân tộc Si La tại bản Nậm Sin, ngoài chính sách chung cho đồng bào dân tộc thiểu số, Nhà nước đã có cơ chế riêng. Song, để các chính sách thực sự phát huy hiệu quả, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền trong việc rà soát, áp dụng chính sách cho phù hợp thực tế. Quan trọng hơn cả, phải khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường trong mỗi người dân, giúp họ chủ động vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no, bền vững.

Nhật Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/xa-hoi/cuoc-song-moi-o-nam-sin