Cuộc sống mới ở Pơ Nang

Trở lại bản tái định cư Pơ Nang, xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay trong cuộc sống của người dân nơi đây. Những lo lắng của người dân mỗi khi bước vào mùa mưa lũ đã không còn, thay vào đó là sự yên tâm, phấn khởi của nhân dân khi được nhà nước hỗ trợ sản xuất; đầu tư các công trình điện, đường, trường, trạm kiên cố ở bản mới.

Điểm trường mầm non ở bản tái định cư Pơ Nang, xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu.

Điểm trường mầm non ở bản tái định cư Pơ Nang, xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu.

Bản Pơ Nang cũ nằm bên hồ thủy điện Hòa Bình. Trước đây, chúng tôi phải đến bến phà Vạn Yên, sau đó đi thuyền ngược hồ thủy điện Hòa Bình để vào bản. Đầu tháng 7/2018, ở dãy núi phía sau bản xuất hiện nhiều vết nứt lớn, nhiều khu vực sản xuất của người dân bị sạt lở và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đến cuối tháng 7/2018, do bị ảnh ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, bản Pơ Nang có 3 nhà bị đổ sập hoàn toàn, 2 điểm trường với 7 phòng học và phòng công vụ bị đất đá sạt lở, gần 10 ha ngô, lúa của nhân dân bị thiệt hại. Mưa lũ làm tuyến đường từ trung tâm xã đến bản bị chia cắt hoàn toàn.

Đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, sau khi khảo sát thực địa, tháng 10/2018, huyện Mộc Châu đã lựa chọn khu đất Bó Nhèn, thuộc bản Sam Kha, xã Tân Hợp, cách bản Pơ Nang cũ khoảng 3 km làm điểm tái định cư để di chuyển toàn bộ các hộ đến nơi ở mới. Mộc Châu huy động các lực lượng phối hợp với Bộ CHQS tỉnh giúp người dân ở Pơ Nang di dời, dựng lại nhà ở bản tái định cư.

Pơ Nang hôm nay tràn đầy sức sống, với những ngôi nhà xây kiên cố, khang trang giữa màu xanh của núi rừng, những tuyến đường bê tông nội bản sạch sẽ với hàng hoa nở rộ hai bên. Đón chúng tôi, ông Mùi Văn Nghĩa Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, thông tin: Cuộc sống ấm no ở Pơ Nang hôm nay là nhờ quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo tỉnh và huyện Mộc Châu; sự chung sức của cả cộng đồng và sự nỗ lực của người dân. Bà con giờ đây yên tâm sinh sống ở những ngôi nhà đủ 3 cứng “cứng mái, cứng nền, cứng tường”.

Con đường vào bản cũng thuận tiện hơn giúp người dân đi lại, giao thương, phát triển sản xuất; toàn bộ tuyến đường nội bản được lắp điện chiếu sáng. Nhà văn hóa bản, điểm trường được xây dựng, các cháu đi học thuận tiện, các hoạt động chung của bản được duy trì thường xuyên và hiệu quả.

Ghé thăm điểm trường mầm non Pơ Nang, sau bài tập thể dục giữa giờ, các cháu vui vẻ nô đùa với những đồ chơi trong sân trường. Cô giáo Mùi Thị Thủy, giáo viên phụ trách điểm trường, thông tin: Điểm trường có 2 lớp, với 26 cháu. Từ khi chuyển về đây, điểm trường được đầu tư xây mới, bố trí đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, phụ huynh yên tâm khi gửi con tại đây.

Chuyển nhà về bản mới, bà con được chia đất sản xuất, nhưng bà con vẫn tận dụng cả đất ở bản cũ để canh tác. Hiện nay, người dân trong bản đang tập trung sản xuất 200 ha sắn, trên 20 ha xoài; duy trì đàn trâu, bò trên 200 con và nuôi trên 50 lồng cá trên hồ thủy điện Hòa Bình. Cuộc sống của người dân ngày càng ổn định, thu nhập bình quân đạt gần 40 triệu đồng/người/năm; bản có 83 hộ thì chỉ còn 5 hộ nghèo, đang được xã, bà con trong bản hỗ trợ để thoát nghèo. Nhân dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, hiện bản đã đạt 13/16 tiêu chí của bản nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm sẽ đạt chuẩn nông thôn mới.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Mùi Văn Hợp, bản Pơ Nang, phấn khởi nói: Hiện nay, gia đình tôi trồng hơn 1 ha ngô, 2 ha cây ăn quả, nuôi 4 lồng cá, thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí đạt 200 triệu đồng/năm. Không còn phải lo mưa lũ, chúng tôi yên tâm, đoàn kết xây dựng bản phát triển.

Chia tay Pơ Nang, chúng tôi vui chung với niềm vui của bà con về sự đổi thay của bản. Với sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự nỗ lực của nhân dân, cuộc sống ấm no, hạnh phúc sẽ ngày càng hiện hữu nơi đây.

Bài, ảnh: Duy Tùng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/cuoc-song-moi-o-po-nang-laGLH4ySR.html