Cuộc sống nạn nhân chất độc da cam bị lãng quên ở Lào

Nhiều thế hệ tại biên giới phía đông của Lào mang trong mình những dị tật bẩm sinh, nghi do ảnh hưởng của chất độc da cam. Họ là những nạn nhân chiến tranh chưa được thừa nhận.

Zing trích dịch bài phóng sự của phóng viên George Black về cuộc sống những người bị ảnh hưởng bởi chất dioxin - loại chất độc khai quang mà quân đội Mỹ rải xuống trong chiến tranh - tại Lào. Bài viết được đăng trên New York Times vào ngày 16/3, là một phần trong dự án hợp tác với Trung tâm Pulitzer.

Một ngày nắng như thiêu đốt hồi tháng 10/2019, Susan Hammond, Jacquelyn Chagnon cùng Niphaphone Senthong vất vả vượt qua đoạn suối đầy cát sỏi để đến làng Labeng Khok, ở biên giới phía đông Lào.

Trong thời gian cao điểm của chiến tranh, Labeng Khok là căn cứ hậu cần được quân giải phóng Việt Nam sử dụng để tiếp tế cho chiến trường miền Nam Việt Nam. Giờ đây, khoảng 400 người đang sống tại làng.

Tại một ngôi nhà làm từ thanh tre và nứa lá, chủ nhà dùng mảnh bom cũ bằng kim loại để làm bậc thang đi lên.

Gia đình có một cậu con trai 4 tuổi tên Suk, từ khi sinh ra đã bị khuyết tật, khiến những hoạt động đơn giản nhất như đi lại cũng gặp khó khăn.

"Cả cơ thể đứa bé mềm nhũn, như là không có xương. Đứa nhỏ không thể ngồi thẳng", một người bác của Suk nói.

Và Suk không phải là trường hợp cá biệt trong gia đình. Một người họ hàng khác của Suk bị câm bẩm sinh và không thể đi lại mãi tới năm bảy tuổi. Trong khi đó, em gái của Suk qua đời khi mới chỉ lên 2.

 Máy bay Mỹ rải chất hóa học khai quang trong chiến tranh. Ảnh: Quân đội Mỹ.

Máy bay Mỹ rải chất hóa học khai quang trong chiến tranh. Ảnh: Quân đội Mỹ.

Vùng đất bị quên lãng

Hammond, Chagnon và Sengthong là ba thành viên cốt cán của tổ chức phi chính phủ War Legacies Project. Tổ chức được thành lập năm 2008 bởi Hammond, người có cha từng là cựu binh Mỹ tham chiến ở miền Nam Việt Nam.

Trong khi đó, Chagnon là một trong những người nước ngoài đầu tiên được cho phép làm việc tại Lào sau khi chiến tranh trên bán đảo Đông Dương kết thúc. Cô đại diện cho tổ chức hướng về công bằng xã hội có tên American Friend Services Committee.

Còn Sengthong là một giáo viên người Lào về hưu, từng là hàng xóm của Chagnon tại thủ đô Vientiane. Công việc của cô là điều phối các hoạt động của War Legacies Project tại địa phương. Mục tiêu chính của tổ chức này là ghi nhận lại những tác động lâu dài của chất độc da cam dioxin, cũng như hỗ trợ nhân đạo tới các nạn nhân.

Việc sử dụng chất dioxin tại Lào được Mỹ thực hiện trong bí mật và trên quy mô lớn. Đến nay, nó vẫn là một trong những chương cuối cùng chưa được công khai trong cuộc chiến của Washington ở Đông Nam Á.

Hàng chục năm qua đi, ngay cả trong các ghi chép quân sự chính thức, việc phun chất dioxin ở Lào chỉ được nhắc đến thoáng qua.

Khi Không quân Mỹ năm 1982 công bố một phần lịch sử chiến dịch khai quang, có tên Operation Ranch Hand, ba trang tài liệu về hoạt động trên lãnh thổ Lào hầu như không được chú ý đến.

Lào đến nay vẫn là vùng đất bị lãng quên trong toàn bộ bối cảnh cuộc chiến tranh.

Mặc dù vẫn có một số ghi chép về chiến dịch khai quang ở Lào, quy mô các hoạt động này chưa bao giờ được thông tin đầy đủ.

Qua quá trình đánh giá, phân tích sâu các ghi chép của Không quân Mỹ về các nhiệm vụ, cùng phỏng vấn những người sống dọc vùng biên giới, các chuyên gia mới có thể ước tính sơ bộ ít nhất 2,2 triệu lít chất dioxin được phun ở Lào trong chiến tranh, dưới danh nghĩa hoạt động khai quang diệt cỏ.

Trong nhiều năm, War Legacies Project biết về chiến dịch khai quang trên đất Lào, nhưng không thể tiếp cận những khu vực vùng sâu vùng xa bị chất độc ảnh hưởng.

Tới năm 2017, khi một dự án đường trải nhựa được hoàn thành, tổ chức này mới có thể đến thăm thường xuyên các ngôi làng của người Bru, Ta Oey, Pa Kô và Cơ Tu ở biên giới Việt - Lào. Đó là lần đầu tiên tác động của chất độc da cam với các cộng đồng dân cư ở đây được đánh giá đầy đủ.

Những nạn nhân chưa được biết tới

Trong tổng số 517 trường hợp khuyết tật và dị tật bẩm sinh được War Legacies Project ghi nhận ở Lào, khoảng 3/4 người bị dị tật tứ chi, có thể quan sát bằng mắt thường, và được xác định có liên quan tới nhiễm chất độc da cam.

"Khi bắt đầu điều tra, tôi nói với các quan chức chính phủ Mỹ rằng chính chúng tôi cũng không biết sẽ tìm thấy điều gì. Thực tế, thâm tâm tôi hy vọng sẽ không tìm thấy gì cả. Nhưng kết quả là chúng tôi phát hiện quá nhiều trường hợp dị tật", bà Hammond nói.

Trong các trường hợp khuyết tật được War Legacies Project ghi nhận, hơn phân nửa là trẻ em dưới 16 tuổi. Các em là đời thứ hai, thậm chí là đời thứ ba của những người nhiễm chất độc da cam trong thời chiến. Những dị tật phổ biến gồm bàn chân khoèo, sứt môi, hở hàm ếch.

Một số trường hợp nghiêm trọng hơn, khi nhiều thành viên trong cùng gia đình bị dị tật. Tại quận Nong, tỉnh Savanakhet, một gia đình có 5 con đều bị mất một bên mắt, hay một gia đình khác có 5 người bị câm điếc bẩm sinh.

Bên cạnh đó, vô số trường hợp chi ngắn, dị tật ở chân, xương hông dị dạng. Với điều kiện chăm sóc y tế nghèo nàn ở vùng nông thôn Lào, rất ít trẻ sơ sinh được chẩn đoán và điều trị các chứng dị tật như vậy.

Tại những ngôi làng mà các thành viên War Legacies Project ghé thăm, họ được nghe kể về chuyện thời chiến, mà đến nay vẫn hằn sâu trong tâm trí những người cao tuổi.

Dân làng chỉ nhớ tới tên những máy bay, như T-28, C-123 hay B-52. Họ không biết ai mang bom đạn tới, hay thứ sương mờ trắng đục rải xuống đất đai họ là gì.

Tại các ngôi làng, những nạn nhân đầu tiên của chiến tranh qua đời vì mưa bom bão đạn và nạn đói đi kèm. Những người sống sót phải trú ẩn trong rừng, hang đá.

"Chúng tôi sống suốt 9 năm mà không có một hạt gạo", một già làng nhớ lại.

Mía và cây sả sống sót sau những chiến dịch phun hóa chất. Riêng cây sắn thì phình to tới mức dị thường, nhưng lại không thể ăn. Chất độc da cam đã giết chết cành, lá cây nhưng cũng đồng thời đẩy nhanh sự phát triển của các mô thực vật.

Ông Kalod là một già làng thuộc dân tộc Pa Kô sống tại Lahang. Trong thời gian chiến tranh, người dân tại làng ông qua lại hai bên biên giới, tùy vào tình hình ném bom và phun chất diệt cỏ của Mỹ, ông Kalod nói.

"Chúng tôi cần được hỗ trợ, cũng như các nạn nhân da cam ở Việt Nam được Mỹ đền bù, hỗ trợ", ông Kalod nói.

"Ở Việt Nam, vấn đề nạn nhân da cam nghiêm trọng đến mức không thể bị làm ngơ. Nhưng ở Lào, số nạn nhân nhỏ hơn nhiều, lại ở các vùng hẻo lánh", bà Hammond cho biết thêm.

Lào cần hỗ trợ

Hàng chục năm sau khi cuộc chiến kết thúc, Mỹ đồng ý phối hợp cùng Việt Nam làm sạch sân bay Biên Hòa và Đà Nẵng, hai điểm nóng của chất da cam.

Chính phủ và các tổ chức từ thiện của Mỹ cũng tích cực hỗ trợ cho nạn nhân chất da cam ở Việt Nam. Từ một di sản đau thương của chiến tranh, việc khắc phục hậu quả chất độc da cam trở thành cột mốc của tinh thần hòa giải giữa hai nước.

Năm 2019, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tiếp tục cam kết chi 65 triệu USD hỗ trợ người khuyết tập sống ở các khu vực bị phun chất da cam hoặc bị nhiễm dioxin ở Việt Nam. Số tiền này được chuyển qua Quỹ Nạn nhân Chiến tranh Leahy, lấy theo tên của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy - một trong các chính trị gia đi đầu các nỗ lực khắc phục hậu quả chất da cam.

Tuy nhiên, các chương trình hỗ trợ như vậy cho nạn nhân chất độc da cam tại Lào đến nay vẫn chưa có.

Người sáng lập War Legacies Project đề nghị chính phủ Mỹ và Lào công nhận tác động lâu dài của các chiến dịch khai quang, nhưng tới nay chưa có hiệu quả.

Quốc hội Mỹ không thể hành động nếu không có tín hiệu rõ ràng từ Lào. Trong khi đó, Lào cũng không sẵn sàng nếu chưa có dữ liệu khoa học chắc chắn.

Tại thủ đô Vientiane, các quan chức của USAID thông cảm với nỗ lực của War Legacies Project, nhưng một số nhân vật cấp cao tại Đại sứ quán Mỹ tại Lào lại không mấy mặn mà, theo bà Hammond.

"Chúng tôi không biết tới hoạt động khai quang quy mô lớn ở Lào, hay người sống tại khu vực đó bị dị tật vì phơi nhiễm dioxin. Nhưng nếu có dữ liệu cho thấy tình trạng đó, chúng tôi cần xem xét chúng và thảo luận với chính phủ Lào để xem có thể giúp gì cho các gia đình nạn nhân", Thượng nghị sĩ Patrick Leahy viết trong một email cho War Legacies Project.

Tim Rieser, trợ lý của Thượng nghị sĩ Leahy, cho biết Quỹ Nạn nhân Chiến tranh Leahy rất muốn biết thêm về các nạn nhân chất da cam tại Lào.

"Rõ ràng những người có trách nhiệm trong cuộc chiến đã không giúp (chiến dịch phát quang ở Lào) được biến đến rộng rãi. Tôi cho rằng nếu vấn đề lớn hơn những gì chúng ta biết, chúng ta sẽ phải tìm cách giải quyết", ông Rieser nói.

Duy Anh dịch

Theo Pulitzer Center/New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-song-nan-nhan-chat-doc-da-cam-bi-lang-quen-o-lao-post1194044.html