Cuộc sống người dân khởi sắc nhờ mô hình phát triển du lịch cộng đồng
Nhiều năm trở lại đây, mô hình du lịch cộng đồng phát triển ở tỉnh Kon Tum. Nhờ vậy, người đồng bào dân tộc thiểu số đổi đời, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa
Thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum cách trung tâm Tp.Kon Tum chừng 60km. Nơi đây được ví như Đà Lạt thứ 2 vì có khí hậu se lạnh, cảnh vật hoang sơ hùng vĩ.
Bởi được thiên nhiên ưu ái, cảnh vật hữu tình, người làng Kon Pring mạnh dạn phát triển mô hình cả làng làm du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc. Nhờ hướng đi mới mà người làng thoát được nghèo, cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Chia sẻ với phóng viên Người Đưa Tin, bà Y Lim, Tổ trưởng tổ Hợp tác liên kết du lịch cộng đồng của làng cho biết: "Làng du lịch cộng đồng Kon Pring được UBND tỉnh công nhận vào tháng cuối năm 2018, từ đó đến nay nơi đây là địa điểm được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm".
Thực hiện đề án của huyện Kon Plông về Phát triển du lịch cộng đồng làng Kon Pring, chính quyền địa phương đã hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng cho 3 hộ dân để xây dựng nhà sàn truyền thống theo hình thức homestay, đón khách lưu trú và trưng bày giới thiệu nét đẹp văn hóa dân tộc.
“Mình là một trong 3 hộ dân được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà sàn để phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, mình được chính quyền địa phương tạo điều kiện đưa đi tập huấn, tham quan các mô hình du lịch cộng đồng ở các tỉnh Tây Bắc, tỉnh miền Trung”, bà Y Lim tiết lộ.
“Trước khi chưa làm du lịch, gia đình mình rất khó khăn. Nguồn thu nhập chỉ trông chờ vào thửa ruộng gần nhà, mỗi năm trồng lúa thu lại chả bao. Mình may mắn được chính quyền địa phương đầu tư làm du lịch, đến nay lượng khách ghé thăm đều đặn. Vì thế cuộc sống của gia đình cũng khấm khá hơn”, bà Y Lim bộc bạch.
Theo bà Y Lim, trung bình mỗi tháng, trừ hết chi phí, công việc làm du lịch cho thu nhập trên 15 triệu đồng. Những ngày lễ, Tết thì hơn 30 triệu đồng. Trước kia làm nông gia đình thiếu thốn không đủ ăn nay cuộc sống gia đình tương đối ổn định.
Ngoài ra, các thành viên trong tổ cũng có thu nhập ổn định từ hoạt động du lịch, thông qua việc bán các sản vật của địa phương, phục vụ đồ ăn như: cơm lam, gà nướng, rượu cần… cho khách du lịch.
Bà Y Lim còn là Đội trưởng đội cồng chiêng của làng. Để thu hút, níu giữ khách du lịch, bà Lim đã kết hợp việc biểu diễn cồng chiêng, múa xoang cho du khách xem.
Đến với làng du lịch, du khách được hòa mình vào những màn diễn xướng, cồng chiêng truyền thống của bà con dân tộc thiểu số. Người lớn có trách nhiệm truyền dạy lại cho thế hệ trẻ để tiếp nối các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Thoát nghèo nhờ du lịch
Nằm bên cạnh dòng sông Đăk Bla hiền hòa, làng du lịch cộng đồng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, Tp.Kon Tum) là một trong những ngôi làng cổ nhất ở tỉnh Kon Tum với tuổi đời trên 300 năm và được xem là ngôi làng cổ đẹp nhất Tây Nguyên hiện nay.
Anh A Kâm, Tổ trưởng tổ Hợp tác du lịch làng du lịch cộng đồng Kon K’tu cho biết, từ khi được công nhận là Làng du lịch cộng đồng đã không còn tình trạng làm du lịch tự phát, đơn lẻ như trước nữa, nay đã mang tính cộng đồng, cùng hợp tác để làm du lịch.
Làng Kon K’tu hiện có 150 hộ thì khoảng 6 hộ làm homestay. Những hộ dân còn lại cũng rất tích cực, cùng nhau phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa của dân tộc.
“Nhà tôi cũng học theo người đi trước mở một homestay vào năm 2019 để cùng phục vụ du lịch. Ở làng này, mỗi nhà đều nuôi heo, nuôi gà, ủ rượu cần, chuẩn bị ống lam để làm cơm khi có khách ghé thăm. Đồng thời, luôn có một đội cồng chiêng sẵn sàng phục vụ du khách. Các nghệ nhân cũng được mời về biểu diễn”, anh A Kâm cho hay.
Ngoài phục vụ diễn xướng cồng chiêng, múa xoang, tổ hợp tác của anh A Kâm sẽ dẫn khách tham quan trực tiếp trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm.
Theo anh A Kâm, mỗi tháng sẽ có 3-4 đoàn khách du lịch tới tham quan và trải nghiệm tại làng. Tổ cũng thống nhất lấy mức giá hợp lý sẽ bao gồm ẩm thực và xem biểu diễn cồng chiêng, với trên 150 nghìn đồng/người đối với đoàn khách trên 30 người. Còn khách muốn lưu trú tại các homestay thì mức giá là 120 nghìn đồng/người.
Từ đó, tổ thu lợi nhuận bình quân khoảng 30 triệu đồng/tháng sẽ chia đều cho các tổ nhỏ như: ẩm thực; đan lát, dệt thổ cẩm; cồng chiêng, múa xoang; hướng dẫn viên; homestay,… Nhìn chung, nhờ làm du lịch, thu nhập của bà con được nâng lên đáng kể, không còn cảnh phụ thuộc vào cây lúa, củ mì như trước đây.
Nhờ có sự ra đời của những mô hình homestay mà dân làng lại yêu thêm văn hóa của dân tộc mình. Đặc biệt, đối với những người văn hóa đã ngấm vào máu cuộn chảy trong người như bà Y Lim, anh A Kâm thì việc phát triển làng thành làng du lịch lại càng tạo động lực cho họ trong công tác gìn giữ văn hóa truyền thống, quảng bá văn hóa của dân tộc.
Ông Đoàn Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa cho biết: "Khi phát triển du lịch cộng đồng, nhận thức của bà con có sự chuyển biến. Họ đã biết khai thác tiềm năng, lợi thế có du lịch, từ đó giảm bớt các hoạt động làm nông nghiệp để chuyển sang làm thương mại, dịch vụ. Khi tham gia vào làm du lịch cộng đồng, người dân được hưởng lợi nhiều hơn. Khi khách du lịch đến họ vừa có dịch vụ lưu trú, vừa tiêu thụ các mặt hàng sẵn có của người dân như: gà, rau rừng, măng, cơm lam, rượu ghè, kết hợp đan lát".