Cuộc sống người dân miền núi đổi thay từ Dự án 1
Từ nguồn kinh phí năm 2022-2023 của Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN) giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 1719), Phú Yên có 426 hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Dự án này còn hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt và hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo động lực cho người dân miền núi thay đổi cuộc sống.
Xây dựng mới 426 ngôi nhà
Đưa chúng tôi tham quan ngôi nhà còn thơm mùi gỗ mới, ông Đoàn Văn Dúi, 71 tuổi, thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, phấn khởi khoe ngôi nhà được xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ của Dự án 1 thuộc Chương trình 1719. Ngôi nhà rộng rãi, với một phòng khách, hai phòng ngủ và một căn bếp đơn giản nhưng đầy đủ tiện nghi.
Ông Đoàn Văn Dúi xúc động nói: Để xây dựng ngôi nhà này, gia đình tôi được hỗ trợ 44 triệu đồng từ nguồn vốn Dự án 1; 40 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Thật không thể nói hết sự biết ơn đối với Đảng, Nhà nước khi luôn có nhiều chương trình hỗ trợ người đồng bào DTTS xây dựng nhà ở, tạo công ăn việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp để từng bước thay đổi cuộc sống.
Theo UBND huyện Đồng Xuân, toàn huyện có 141 ngôi nhà được xây dựng theo nguồn vốn hỗ trợ từ Dự án 1 năm 2022-2023. Trong đó, 130 nhà hoàn thành và nghiệm thu đưa vào sử dụng từ trước tết Nguyên đán; còn 11 nhà ở xã Phú Mỡ đang xây dựng từ 40% trở lên.
Tại huyện Sơn Hòa, 203 ngôi nhà theo chương trình Dự án 1 cũng đã và đang được xây dựng; trong đó hoàn thành 164 ngôi nhà. Là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ vốn xây dựng nhà ở, Mí Pa ở xã Krông Pa, bày tỏ: Nếu không có nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước thì chẳng biết đến bao giờ tôi mới có được ngôi nhà này. Từ nay, vợ chồng tôi yên tâm chăm lo ruộng, rẫy; con cái cũng có chỗ yên ổn học hành.
Cải thiện điều kiện sống
Không chỉ hỗ trợ xây dựng nhà ở, Dự án 1 thuộc Chương trình 1719 còn hỗ trợ các hộ nghèo ở các địa bàn miền núi cải thiện điều kiện sống, chuyển đổi nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông La Văn Hãng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Xuân, cho biết: Trong năm 2022-2023, huyện Đồng Xuân đã triển khai 3 nội dung của Dự án 1, gồm: Xây dựng nhà ở, hỗ trợ nước sinh hoạt và hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các hộ nghèo người đồng bào DTTS-MN.
Cụ thể, ngoài việc hỗ trợ xây dựng 141 nhà; địa phương còn đầu tư, xây dựng và nâng cấp 3 công trình nước sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Quang 1 và Phú Mỡ, với hơn 270 hộ dân được thụ hưởng. Huyện Đồng Xuân cũng hỗ trợ các công trình nước sinh hoạt phân tán tại xã Phú Mỡ và Xuân Lãnh, với 43 hộ dân được thụ hưởng.
Trong đó, địa phương hỗ trợ 23 hộ dân ở thôn Phú Đồng tự đào 4 giếng nước; một số hộ khác thì được hỗ trợ tiền mua bồn chứa nước để sử dụng. Đối với mục tiêu hỗ trợ chuyển đổi nghề, huyện Đồng Xuân hỗ trợ 119 hộ dân mua sắm máy móc, nông cụ để chuyển đổi nghề làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp.
Tương tự, từ nguồn vốn của Dự án 1, huyện Sơn Hòa hỗ trợ cải tạo đất sản xuất cho 6 hộ; đầu tư công trình nước sinh hoạt phân tán cho 490 hộ dân; sửa chữa 2 công trình nước sinh hoạt tập trung cho người dân trên địa bàn. Huyện Sông Hinh hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 52 hộ dân; hỗ trợ công trình nước sinh hoạt phân tán cho 233 hộ dân; hỗ trợ 3 công trình nước sinh hoạt tập trung cho người dân các xã: Sông Hinh, Ea Trol và Ea Ly.
Là một trong những hộ dân thụ hưởng chương trình Dự án 1 trong năm 2023, Hờ Dưn ở buôn Đức Mùi, xã Ea Trol chia sẻ: Năm qua, người dân Ea Trol không chỉ được hỗ trợ nhà ở, mà còn được giao đất và hướng dẫn kỹ thuật làm lúa nước, được hỗ trợ công trình nước sinh hoạt tập trung. Nhờ có động lực này, bà con đã có chỗ ở, có nước sinh hoạt ổn định, lại có ruộng để tự trồng lúa; không còn sợ cái đói, cái nghèo nữa. Tất cả là nhờ ơn Đảng, Nhà nước chăm lo cho vùng đồng bào DTTS.
Động lực thay đổi cuộc sống
Chị So Thị Tâm ở thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2 cho biết: Trước đây, do không có đất sản xuất nên gia đình tôi chỉ phụ thuộc vào mấy sào keo; cuộc sống rất bấp bênh vì không có nguồn thu nhập ổn định. Năm 2023, gia đình được Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua sắm máy móc, nông cụ, làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp.
Với 9 triệu đồng tiền được hỗ trợ, tôi mua 1 máy phát chồi, 1 máy cắt và khai thác gỗ keo. Từ hai công cụ này, tôi phục vụ cho rẫy keo của gia đình, đồng thời làm thêm dịch vụ phát chồi và khai thác gỗ keo thuê cho các hộ dân lân cận. Từ ngày có công cụ sản xuất, vợ chồng tôi gần như làm việc quanh năm; nguồn thu nhập cũng rất ổn định. Đây cũng là động lực để gia đình tôi quyết tâm vươn lên thoát nghèo.
Theo ông Trần Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, bên cạnh vốn hỗ trợ của Chương trình 1719, đa số hộ dân đồng bào DTTS có nhu cầu vay vốn tín dụng để mua nông cụ sản xuất, mua bò sinh sản đều được địa phương phê duyệt hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện từ 40-80 triệu đồng.
Địa phương cũng yêu cầu các xã có người đồng bào DTTS cần tích cực hỗ trợ, hướng dẫn bà con tiếp cận các cơ chế chính sách, kỹ thuật để bà con người đồng bào DTTS có động lực làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lê Thị Thanh Bích cho biết: Sau 2 năm triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình 1719, các địa phương đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 426 hộ nghèo vùng đồng bào DTTS-MN.
Không chỉ vậy, các địa phương còn hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 352 hộ DTTS nghèo, hộ nghèo người Kinh sống ở vùng đồng bào DTTS-MN; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 836 hộ DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh; đầu tư 8 công trình nước sinh hoạt tập trung cho hàng nghìn hộ dân được thụ hưởng. Lũy kế giải ngân vốn Dự án 1 thực hiện được 14,2 tỉ đồng, đạt 47,1% nguồn vốn bố trí năm 2022-2023.
Nhờ vậy, cuộc sống bà con vùng đồng bào DTTS-MN đã có những bước tiến đáng kể. Đây cũng là minh chứng rõ ràng nhất về các chính sách chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các DTTS-MN trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước.
Dự án 1, Chương trình 1719 góp phần tạo động lực, tiền đề cho việc xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống người đồng bào DTTS. Đây cũng là minh chứng rõ ràng nhất về các chính sách chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các DTTS Phú Yên cũng như cả nước.
Bà Lê Thị Thanh Bích, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/420/313407/cuoc-song-nguoi-dan-mien-nui-doi-thay-tu-du-an-1.html