Cuộc sống người gốc Việt ở đất nước đã tuyên bố hết dịch Covid-19
Một số tổ chức y tế tại Na Uy tuyên bố nước này thoát khỏi Covid-19. Nhiều người Việt tại đây chia sẻ cuộc sống ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng không ai vì thế mà chủ quan.
Viện Y tế Công cộng Na Uy (NIPH) đã dự đoán hôm 2/6 rằng đại dịch ở Na Uy có thể kết thúc vào mùa hè, NRK đưa tin.
Tuy nhiên, trợ lý Giám đốc Y tế tại Tổng cục Y tế Na Uy, Espen Nakstad, chia sẻ rằng ông không nghĩ đại dịch sẽ biến mất hoàn toàn cho đến khi có nhiều người hơn được tiêm chủng đầy đủ. Ông cho biết việc dập tắt đại dịch còn phụ thuộc vào các nước khác ở khu vực châu Âu.
Người Việt sống tại Na Uy cho rằng nước này chưa hoàn toàn dập tắt được dịch.
"Với đại đa số người dân thì đến khi nào cuộc sống trở lại gần như bình thường như không phải mang khẩu trang, không phải làm việc từ nhà, được tự do hội họp, tham gia các hoạt động văn hóa thể thao thì mới có thể gọi là hết dịch được", anh Trần Văn Ngọc Tân, sống tại Oslo, chia sẻ với Zing.
Một vài người Việt khác lại cho rằng cuộc sống không thay đổi nhiều kể từ khi đại dịch bắt đầu.
“Dịch không ảnh hưởng lắm. Mình buôn bán ở đây người ta không đi du lịch nhiều nên nhà hàng bán được. Số lượng khách gấp đôi ngày thường. Trước đây chỉ có một hai người bán thì giờ tăng lên ba bốn người", chị Phan Mai, sống tại thành phố Tonsberg, cho biết.
Chị Cẩm Lan, sống ở Oslo 6 năm, cũng chia sẻ rằng Covid-19 chưa bao giờ là mối lo ngại của chị. Theo chị, người Na Uy sợ trầm cảm vì ở nhà lâu hơn là sợ dịch bệnh.
“Mùa đông ở đây lạnh giá. Mọi người ở nhà và không được tiếp xúc với ánh nắng Mặt Trời. Vì thế mọi người sợ mắc chứng trầm cảm. Ở đây, nhiều người sợ trầm cảm hơn là sợ Covid-19”, chị Lan chia sẻ với Zing.
Tháng 11/2020, tạp chí Science Norway, một trang chuyên nghiên cứu và xuất bản các bài báo khoa học của Na Uy, công bố khoảng 30,8% người tham gia khảo sát cho rằng họ có dấu hiệu của bệnh trầm cảm sau làn sóng Covid-19 thứ nhất. Nhà tâm lý học Sverre Urnes Johnson cho biết con số này cao gấp ba lần so với trước đại dịch.
Không có nhiều khác biệt kể cả ở trong đại dịch
Anh Bùi Hoàng Hải, sống tại Bergen, chia sẻ rằng cuộc sống tại thành phố có kinh tế lớn thứ hai Na Uy không có nhiều khác biệt dù là trước, trong, hay sau đại dịch.
“Tôi nhớ tuần đầu tiên của dịch vào tháng 3/2020, tôi đi siêu thị thì hết sạch giấy vệ sinh. Chỉ có duy nhất lần đó thôi còn mọi chuyện đến giờ vẫn ổn”, anh Hải cho hay.
Anh Ngọc Tân cho rằng người Na Uy vốn trước đại dịch đã không tiếp xúc nhiều với nhau. Với diện tích lớn (385.207 km2) và dân số nhỏ (5,3 triệu người), đại dịch càng làm tăng khoảng cách giữa người với người.
“Tôi thấy ngày xưa chưa dịch, nhiều người gặp nhau còn tay bắt mặt mừng. Bây giờ họ chỉ nhìn nhau cười và gật đầu. Họ tránh tiếp xúc nhau”, chị Phan Mai chia sẻ.
Chị Cẩm Lan cũng chia sẻ rằng chị không cảm thấy cuộc sống khó khăn trong đại dịch. Chị tìm được công việc làm thêm tại khu trượt tuyết. Dù đại dịch nghiêm trọng, hoạt động trượt tuyết được tổ chức ở ngoài trời nên vẫn thực hiện được yêu cầu giãn cách xã hội. Khu trượt tuyết mỗi phiên chỉ cho một hai nhóm người vào chơi.
Chị Lan phục vụ tại quầy ăn uống. Cả khu trượt tuyết chỉ có một quầy phục vụ, Người đến chơi lại rất đông. Họ không thể vào cùng lúc vậy nên hầu hết sẽ đi mua đồ ăn ở quầy ăn uống.
Khu vực bán đồ ăn cũng chỉ có một đến hai nhóm người được vào mua một lần nhằm giữ khoảng cách. Mọi người được yêu cầu mua đồ ăn và ăn ở ngoài trời thay vì được ngồi ăn bên trong.
Ông Đỗ Chí Cường, sống tại Oslo, cho biết nửa đầu tháng 3/2020, chính phủ yêu cầu đóng cửa các loại hình kinh doanh trừ kinh doanh các sản phẩm thiết yếu. Người dân phải ở nhà. Chính phủ trợ cấp 80% thu nhập trước đại dịch cho các doanh nghiệp. Người lao động và người thất nghiệp cũng nhận được trợ cấp từ chính phủ. Những người mắc bệnh, chính phủ sẽ chi trả toàn bộ vì vậy nhiều người không lo ngại khi mắc bệnh.
“Thậm chí từ chiếc xe taxi chở người mắc bệnh đến bệnh viện cũng miễn phí. An sinh xã hội ở đây quá tốt”, ông Cường cho hay.
Na Uy không yêu cầu đóng bảo hiểm y tế. Sinh viên hay người lao động quốc tế, chỉ cần có visa định cư tại đây, cũng sẽ nhận được các dịch vụ y tế miễn phí.
Ở vài nơi, trẻ con vẫn đi học bình thường
Tại Oslo, tất cả cơ quan đều đóng cửa, bao gồm trường học. Anh Ngọc Tân chia sẻ rằng vợ chồng anh làm kỹ sư công nghệ thông tin nên đại dịch tạo cơ hội cho vợ chồng anh làm việc ở nhà và dành thời gian chăm sóc con nhỏ.
Đối với anh Hoàng Hải, hai con học mẫu giáo vẫn đến trường bình thường. Trong thời gian đại dịch, trường học mở cửa với thời gian ngắn hơn. Trước đại dịch, nhà trường chuẩn bị đồ ăn trưa cho trẻ nhưng giờ đây, gia đình sẽ phải tự chuẩn bị.
“Ở đây quyền trẻ con rất được coi trọng. Do dịch bệnh, trẻ con chủ yếu chơi ở ngoài cả ngày. Chúng gần gũi với thiên nhiên. Mưa cũng ra ngoài chơi”, anh Hải nói.
Chị Phan Mai chia sẻ con chị chưa phải nghỉ học kể từ đại dịch.
“Con tôi cầu mong được đi học. Bé không thích ở nhà. Trường học tạo điều kiện và nhiều trò chơi nên trẻ con thích. Chúng được đi nông trại, dạy nấu bánh, tham gia các lớp nhảy, chơi nhiều trò chơi. Giáo viên đáp ứng hết nhu cầu của trẻ nhỏ. Bé được xe taxi đưa đón miễn phí để đến trường”, chị Mai cho biết.
Hôm 3/6, chính phủ Na Uy cho biết trẻ em được miễn cách ly tại khách sạn nếu như di chuyển với người đã tiêm vaccine hoặc từng mắc Covid-19. Trẻ em du lịch một mình cũng không cần phải cách ly.
Du lịch nước ngoài khó khăn
Chị Lan chia sẻ rằng dù trong đại dịch, nhiều người vẫn đi du lịch. Bản thân chị cũng đi thăm thú các thành phố khác tại Na Uy vào mùa hè năm 2020. Chị cho rằng xứ Bắc Âu vốn đã rất buồn. Nếu chỉ ở nhà, nhiều người sẽ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Đặc biệt vào mùa hè, trời nhiều nắng, nhiều người sẽ ra khỏi nhà để hòa mình với thiên nhiên và có thêm vitamin D.
Anh Hoàng Hải cũng đã lên kế hoạch sẽ đưa cả gia đình đi chơi vào mùa hè. Anh đặt phòng trước và lái xe để đảm bảo an toàn cho cả nhà. Gia đình anh không lo lắng quá nhiều.
“Tôi và vợ từng mắc Covid-19. Chúng tôi ở nhà khoảng 10 ngày thì khỏi. Quan trọng là sức đề kháng của mình tốt. Bác sĩ nói tôi sẽ có kháng thể cao trong vòng ít nhất 6 tháng. Vấn đề về Covid-19 tôi không còn sợ”, anh Hải nói.
Tháng 3/2020, châu Âu đóng cửa. Chị Phan Mai chia sẻ người Na Uy hay đi du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, các nước lân cận chưa mở, người dân chủ yếu du lịch trong nước. Chị Mai sống gần biển và núi. Mỗi khi có thời gian, chị sẽ ra biển bắt hàu.
“Hải sản bên đây như hàu dồi dào. Tháng 7 là mùa cá vào, lúc đó lại bắt không hết. Tôi chỉ cần ở biển nửa tiếng là bắt được hai ba sọt, ăn không hết”, chị Mai nói.
Vào mùa hè, chị Mai đi vào những cánh rừng hái quả. Chị thường hái nấm hay lá cây để cuốn bánh xèo.
“Vào mùa hè, mấy con nai và chồn đi lăng tăng ngoài đường như diễu hành. Pháp luật Na Uy quy định có mùa để săn bắt. Không được tùy tiện mà bắt chúng”, Chị Mai cho biết.
Anh Ngọc Tân chia sẻ rằng trước đại dịch, gia đình anh thường đi các nước trong khối Schengen vì không cần visa. Việc di chuyển dễ dàng và chi phí không quá đắt đỏ so với thu nhập của người lao động tại Na Uy nên cũng giống như gia đình anh, nhiều người dân Na Uy tranh thủ những ngày nghỉ lễ dài để đi du lịch.
“Bây giờ nhiều người ngại ra nước ngoài. Vì nếu chưa tiêm vaccine, khi quay trở về Na Uy, mọi người sẽ phải cách ly ở khách sạn. Điều này có thể ảnh hưởng đến công việc cá nhân”, anh Tân cho biết.
Ngày 3/6, chính phủ Na Uy thông báo giấy chứng nhận đã tiêm chủng có chức năng giúp người dân di chuyển tại Na Uy và đi qua biên giới các nước khối Liên minh châu Âu và Khu vực Kinh tế châu Âu.
Hôm 11/6, chính phủ ban bố chỉ những người đã tiêm vaccine hoặc từng mắc Covid-19 trong 6 tháng gần nhất sẽ không phải tham gia cách ly sau khi di chuyển từ nước ngoài về Na Uy. Số ngày cách ly áp dụng ngắn hơn đối với trẻ em 18 tuổi nhận được kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính.
"Na Uy đang kiểm soát dịch tốt. Nhiều nhà hàng mở cửa lại. Nhiều nơi tuyển thêm nhân viên vì thế càng có nhiều người có công ăn việc làm trở lại. Tôi cũng chỉ mong tình hình ngày càng tốt để châu Âu mở cửa, di chuyển thuận tiện hơn", chị Cẩm Lan nói.