Cuộc sống nông dân Đắk Lắk khởi sắc từ trồng bắp ngọt tại vùng trũng

Xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk là vùng chiêm trũng. Thu nhập của người dân chủ yếu từ trồng lúa và một số loại cây hoa màu, năng suất, chất lượng thấp, đời sống bấp bênh. Thế nhưng với quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mấy năm trở lại đây, đời sống bà con cũng nhiều khởi sắc.

Một trong những giống cây trồng được bà con chọn để thay thế cây lúa là cây bắp ngọt, chủ yếu là giống xuất xứ từ Mỹ.

Sau một thời gian tìm hiểu, thử nhiều loại cây trồng khác nhau, 2 năm nay, ông Bùi Ngọc Dũng, thôn 3, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk quyết định trồng cây bắp ngọt giống của Mỹ trên 7 sào đất màu của gia đình. Theo ông Dũng, giống bắp này dễ trồng như các loại hoa màu mà gia đình vẫn trồng trước đây, nhưng giá trị kinh tế cao hơn.

Ông Dũng chia sẻ: "Tôi trồng được hai năm rồi, nó mang lại hiệu quả. Đất của mình 1 năm trồng 3 vụ. Thời gian sinh trưởng tùy theo mùa. Mùa ấm thì khoảng 65-70 ngày, mùa lạnh thì có thể kéo dài 80-85 ngày. Một sào trừ chi phí thu lãi khoảng 4 - 4,5 triệu đồng, 1 năm nhân lên cho 3 vụ".

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng bắp ngọt đạt năm xuất cao

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng bắp ngọt đạt năm xuất cao

Với gia đình bà Trịnh Thị Tâm, thôn 1, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, việc chuyển sang trồng bắp Mỹ đã mang lại cho bà nguồn thu nhập ổn định và cải thiện đáng kể cuộc sống gia đình.

Theo bà Tâm, ưu điểm của bắp ngọt là sản phẩm được thu hái, bán từ khi còn tươi, nên thời gian canh tác ngắn, không tốn công tách hạt, lại tận dụng được thân bắp làm thức ăn cho gia súc, do đó còn gia tăng lợi nhuận.

"Hai năm nay tôi thấy giá bán ổn định. Khi trồng như này vốn không nhiều, hơn nữa xã thường tổ chức các lớp tập huấn trồng giống bắp này khi bà con áp dụng cho năng suất chất lượng khá cao bán ra cũng được giá. Bắp đến khi thu hoạch bán trái trực tiếp, thân cây và lá còn tươi đem về cho bò ăn hoặc làm phân” - bà Tâm cho biết.

Ông Nguyễn Đắc Thành, cán bộ nông nghiệp xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho biết: trước đây bà con ở xã chủ yếu là trồng lúa và các loại cây hoa màu như: Đậu xanh, đậu đen, khoai môn, khoai lang, ớt hiểm…sâu bệnh nhiều, năng suất chất lượng không cao. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, cây bắp ngọt đã được người dân ưu tiên chọn trồng. Thu nhập từ cây trồng này cao gấp 2-2,5 lần so với các loại hoa màu khác.

Bắp ngọt giống Mỹ được nhiều người dân ở xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk chọn trồng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Bắp ngọt giống Mỹ được nhiều người dân ở xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk chọn trồng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Ông Nguyễn Đắc Thành cho biết: “Vụ thu đông ở địa phương thường trồng cây bắp mỹ, trong 3 năm trở lại đây cây bắp mỹ rất ổn định giá cả từ hai ngàn rưỡi đến 3 ngàn/ quả thu nhập của bà con ước tính trên 7 triệu đồng/sào/vụ. Qua đó sau khi hoạch toán phân tích nó cũng là một lại cây mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân”.

Có thể thấy mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đặc biệt là mô hình trồng bắp ngọt đã mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho bà con nông dân xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Từ đó góp phần tạo thêm thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Hương Lý/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/cuoc-song-nong-dan-dak-lak-khoi-sac-tu-trong-bap-ngot-tai-vung-trung-post1065485.vov