Cuộc sống tồi tệ của nhân viên ngân hàng Mỹ với mức lương 160.000 USD

Các nhân viên ngân hàng Mỹ nhận mức lương hàng trăm nghìn USD trong năm đầu làm việc. Nhưng thực tế là họ bị vắt kiệt sức, sa sút về tinh thần và thể lực.

Theo Bloomberg, mỗi sáng mở mắt dậy, anh Maninder Sachdeva đã cầm điện thoại lên và đọc email. Anh nhanh chóng bật dậy, đến chiếc bàn nhỏ cạnh giường và bắt đầu ngày làm việc của mình. Anh Sachdeva là một chuyên viên phân tích mới của ngân hàng đầu tư JPMorgan Chase & Co.

Anh làm việc ở London, hay chính xác hơn là trên căn áp mái nhà bố mẹ. Ngày làm việc của anh Sachdeva kéo dài tới 16 tiếng. Anh bắt đầu bằng việc trả lời email, ghi danh sách việc cần làm và gọi điện cho đồng nghiệp. Sau đó, anh mới mặc quần jean và than thở: "Buổi sáng càng lúc càng bận". Ngày làm việc của Sachdeva kéo dài đến tận khuya.

Những người như anh Sachdeva được gọi là Thế hệ P Phố Wall, chữ P trong "Pandemic", nghĩa là đại dịch. Nếu đủ thông minh và may mắn, một ngày nào đó, họ có thể bước chân vào giới tinh hoa. Nhưng giờ đây, những gì anh Sachdeva và các đồng nghiệp nhận được là những giờ làm việc điên cuồng, kiệt quệ về sức khỏe tinh thần và vật chất, thu nhập khoảng 160.000 USD/năm.

 Anh Maninder Sachdeva kể về công việc của mình trong ngân hàng đầu tư trên kênh YouTube. Ảnh: Bloomberg.

Anh Maninder Sachdeva kể về công việc của mình trong ngân hàng đầu tư trên kênh YouTube. Ảnh: Bloomberg.

"Làm đến khi gục"

Văn hóa "làm việc cho đến khi gục ngã" nổi lên trong giới tài chính toàn cầu khi dịch Covid-19 khiến các tòa tháp văn phòng ở New York, London hoang lạnh. Một cuộc khảo sát nội bộ hồi tháng 2 với 13 chuyên viên phân tích đầu tư của Goldman Sachs cho thấy bức tranh vô cùng u ám về môi trường làm việc tại ngân hàng khổng lồ này.

Hơn 10 chuyên viên phân tích mới của Goldman Sachs than thở rằng họ phải làm việc trung bình 95 giờ/tuần, chỉ ngủ 5 tiếng mỗi đêm và bị lạm dụng ở nơi làm việc. Đa số thừa nhận sức khỏe tinh thần của họ tệ đi đáng kể sau khi vào làm việc tại ngân hàng.

Dưới phần bình luận trong video trên YouTube của anh Sachdeva là sự ngỡ ngàng: "Khối lượng công việc một ngày của anh nhiều hơn trong một tháng của tôi", "Việc này không thể nào tốt cho sức khỏe", "Lịch trình làm việc quá nực cười", "Cuộc sống của anh quá tồi tệ".

Trong quá khứ, ngành ngân hàng từng chứng kiến những vụ việc nhân viên mới kiệt quệ sức khỏe, thậm chí tự tử. Trên thực tế, họ không hề lười biếng. Nhiều người trong số họ tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu thế giới, vượt qua hàng nghìn người khác để đạt những vị trí đáng mơ ước trong ngân hàng đầu tư hàng đầu.

 Các chuyên viên phân tích mới của Goldman Sachs tiết lộ rằng họ phải làm việc trung bình 95 giờ/tuần, chỉ ngủ 5 tiếng mỗi đêm. Ảnh: Reuters.

Các chuyên viên phân tích mới của Goldman Sachs tiết lộ rằng họ phải làm việc trung bình 95 giờ/tuần, chỉ ngủ 5 tiếng mỗi đêm. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch, thay vì đắm chìm vào không khí sôi động tại các bàn giao dịch ở Manhattan hay London, nhiều người mắc kẹt ở nhà. Họ không được trò chuyện hay uống chút gì đó với đồng nghiệp khi ngồi lại văn phòng tới khuya. Đó là những tương tác giúp giảm sa sút tinh thần và xây dựng sự kết nối trong công việc.

Thêm vào đó, khi các giao dịch bùng nổ, nhiều người bước vào cuộc chiến slide PowerPoint không hồi kết. Họ phải sửa đi sửa lại những chiếc slide theo yêu cầu. Tình trạng đó tạo nguồn cảm hứng cho meme "pls fix" ("xin hãy sửa") của Phố Wall.

Một số phàn nàn rằng trong thời đại của các cuộc gọi qua Zoom, họ cũng phải đảm đương thêm nhiệm vụ làm thư ký cho người quản lý. Họ lên lịch những cuộc gọi khách hàng và sắp xếp cuộc hẹn.

Không được đồng cảm

Ngày càng nhiều nhân viên đang tìm cách thoát khỏi ngành. "Nhiều người đã để tâm và bắt đầu hối hận. Đó là một cuộc chiến giữ chân nhân viên khó khăn", ông Logan Naidu, Giám đốc điều hành của Dartmouth Partners, bình luận.

Tuy nhiên, lời kêu cứu của các nhân viên ngân hàng mới không nhận được nhiều đồng cảm. Khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, người ta sẽ không rơi nước mắt cho những thanh niên 22 tuổi, thu nhập sáu con số trong năm đầu tiên tốt nghiệp đại học.

Một thực tế đối với Phố Wall là xu hướng làm việc quá sức ở những người trẻ tuổi đã giảm đi trong nhiều năm, nhằm thu hút và giữ chân các nhân viên hàng đầu. Những ngành công nghiệp khác, chẳng hạn công nghệ, hứa hẹn sự phong phú và linh hoạt.

Chỉ 3% sinh viên tốt nghiệp năm 2020 của Trường Kinh doanh Harvard chọn nghề trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, bán hàng và kinh doanh. Con số này giảm từ 5% vào năm 2016 và 12% năm 2006, ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính.

Khối lượng công việc một ngày của anh nhiều hơn trong một tháng của tôi

Bình luận trên kênh YouTube của anh Maninder Sachdeva

Trong khi đó, 19% sinh viên tốt nghiệp năm 2020 có việc làm trong lĩnh vực công nghệ. Con số này được giữ vững suốt 5 năm qua. Do đó, các ngân hàng đang phải lắng nghe và nhượng bộ.

Các nhân viên ngân hàng cấp cao tại Goldman Sachs sẽ bắt đầu giao nhiệm vụ sắp xếp lịch trình cho trợ lý, thay vì nhân viên mới.

Ngân hàng cũng hứa cải thiện quy tắc ngày thứ 7, không khuyến khích cấp trên yêu cầu những chuyên viên năm nhất làm việc trong khoảng từ 9h tối thứ 6 đến 9h sáng Chủ nhật.

Các giám đốc điều hành của Citigroup Inc. đã tiết lộ về chương trình Work Smart, dùng để quản lý những bài thuyết trình PowerPoint có khả năng kéo dài tới 50 trang. Giờ đây, chúng chỉ giới hạn trong 15 trang.

Jefferies Financial Group Inc. cho biết họ đang mua các sản phẩm của Peloton Interactive Inc. và Apple Inc. để thưởng nhân viên ngân hàng cấp dưới. Credit Suisse Group AG cũng cung cấp cho các nhân viên ngân hàng cấp dưới "giải thưởng phong cách sống" trị giá 20.000 USD.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-song-toi-te-cua-nhan-vien-ngan-hang-my-voi-muc-luong-160000-usd-post1197764.html