Cuộc sống về đêm ở Anh dần biến mất

Ước tính có tới 70% câu lạc bộ sẽ đóng cửa vào cuối tháng 9. Cuộc sống về đêm được xây dựng tại Anh qua nhiều thập kỷ đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Sau những trận mưa trái mùa tại phía Bắc London, hàng loạt bàn ghế, quầy bar, cây cối đều bị xô đổ. Đây là một phần quang cảnh của Costa Del Tottenham - địa điểm vui chơi ngoài trời được Stuart Glen và các đối tác kinh doanh của anh xây dựng bên cạnh hộp đêm The Cause.

Mặc một chiếc áo sơ mi Hawaii lòe loẹt, kết hợp với quần short và chiếc mũ fedora, Glen cho biết trang phục này giúp anh cảm thấy lạc quan hơn. Glen và 1,3 triệu người đang kiếm sống từ lĩnh vực giải trí về đêm cần một tinh thần tích cực như vậy sau khi đại dịch Covid-19 khiến công việc kinh doanh của họ bị tạm ngừng đột ngột.

 Các địa điểm vui chơi giải trí phát triển đa dạng khi chính phủ Anh nới lỏng lệnh phong tỏa. Ảnh: The Guardian.

Các địa điểm vui chơi giải trí phát triển đa dạng khi chính phủ Anh nới lỏng lệnh phong tỏa. Ảnh: The Guardian.

“Từ chủ một hộp đêm có lượng khách lớn bỗng trở thành phục vụ bàn, chúng tôi đang dần thích nghi và tiếp nhận những điều mới”, Glen nói.

Từng nổi tiếng với những đêm sôi động, giờ Costa Del Tottenham là nơi giúp khách hàng tìm kiếm sự yên bình, tận hưởng ẩm thực đường phố và thư giãn với âm nhạc nhẹ nhàng nhưng vẫn tuân thủ giãn cách xã hội.

"Chúng tôi không muốn trở thành một câu lạc bộ đêm với những quy định ràng buộc", Glen bày tỏ.

Những quy định mới hậu phong tỏa

London nổi tiếng là một trong những thành phố nhộn nhịp nhất thế giới. Nơi đây có ngành công nghiệp giải trí ban đêm phát triển mạnh với nhiều quán rượu lâu đời, câu lạc bộ xa xỉ, thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, những tụ điểm giải trí buộc phải tạm ngừng kinh doanh và chấp nhận thua lỗ trong vài tháng.

Dù lệnh phong tỏa đã được nới lỏng vào tháng 7, nước Anh cũng phải mất một khoảng thời gian nữa mới có thể hồi phục nền kinh tế.

Theo CNN, sản lượng kinh tế của Anh đã giảm 20,4% trong quý II năm 2020. Xứ sở sương mù trở thành quốc gia suy thoái nặng nhất trong các nước lớn.

Glen cho rằng mình là một trong những người may mắn vì còn có không gian ngoài trời để tận dụng kiếm sống. Michael Kill, giám đốc điều hành của Night Time Industries Association (NTIA), ước tính có tới 70% câu lạc bộ sẽ đóng cửa vào cuối tháng 9 vì không đủ điều kiện tổ chức các sự kiện ngoài trời hoặc hòa nhạc “giãn cách xã hội”.

 Để vượt qua đại dịch, chủ các quán bar, câu lạc bộ đêm phải thay đổi hình thức hoạt động. Ảnh: The Times.

Để vượt qua đại dịch, chủ các quán bar, câu lạc bộ đêm phải thay đổi hình thức hoạt động. Ảnh: The Times.

Các tụ điểm vui chơi biến mất

Theo một cuộc khảo sát của NTIA với 360 doanh nghiệp, 3/4 trong số đó dự kiến sẽ cho ít nhất một nửa nhân viên nghỉ việc vào tháng 9 và hơn 1/2 số còn lại sẽ không trụ được quá hai tháng nếu không có hỗ trợ tài chính.

“Có hơn 1.640 hộp đêm ở Anh. Nếu 70% số này biến mất, điều đó chẳng khác gì hủy diệt. Cuộc sống về đêm được xây dựng qua nhiều thập kỷ và đó là nét đặc trưng ở Anh nhưng có vẻ chính phủ không dành nhiều nỗ lực để tái đầu tư, duy trì và bảo vệ nó”, Kill cho hay.

Người phát ngôn của chính phủ Anh thừa nhận đây là thời điểm khó khăn đối với các hộp đêm. Trong đại dịch, nhiều cơ sở kinh doanh ban đêm đã nhận được các gói hỗ trợ bao gồm giảm giá thuê mặt bằng, hoãn thuế, cho vay...

Tuy nhiên, để nhận được khoản trợ cấp này, chủ các quán bar, nhà hàng cũng phải đấu tranh rất nhiều. NTIA đã tổ chức chiến dịch #LetUsDance để gây áp lực lên Bộ Kỹ thuật, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao (DCMS), buộc họ phải đưa ngành công nghiệp giải trí về đêm vào gói hỗ trợ trị giá 1,57 tỷ bảng.

 Nhiều người trông chờ vào trợ cấp tài chính của chính phủ. Ảnh: The Guardian.

Nhiều người trông chờ vào trợ cấp tài chính của chính phủ. Ảnh: The Guardian.

“Nhiều loại hình giải trí cũng được xem là một ‘món ăn tinh thần’ của giới trẻ nhưng có lẽ nó không nằm trong sự quan tâm của DCMS. Chúng tôi cảm thấy bị bỏ rơi một cách phũ phàng và giống như bị chính phủ ép ra khỏi thị trường”, Kill nói với The Guardian.

Sau nhiều nỗ lực, một số hạng mục cuối cùng cũng được đưa vào danh sách nhưng bị xếp vào bộ phận tiểu văn hóa, chỉ có thể nhận 500 triệu bảng dưới hình thức cho vay và trợ cấp.

“Sau cơn mưa trời có lại sáng?”

Nhiều người đã phát động các chiến dịch gây quỹ bằng cách bán tác phẩm nghệ thuật của mình và quyên góp số tiền thu được.

Theo tổng kết thường niên của International Music Summit, vào năm 2018, số lượng các tụ điểm giải trí về đêm ở xứ sở sương mù đã giảm 21%. Từ năm 2005-2015, ước tính có khoảng 1.400 câu lạc bộ đêm đã đóng cửa vĩnh viễn.

Trong những ngày u ám vì đại dịch, nhiều người vẫn tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn. Luke Cowdrey - DJ nổi tiếng tại Anh - đã kiếm thêm thu nhập bằng nghề quảng cáo và điều hành các địa điểm vui chơi. Tương tự, Glen cũng tổ chức không gian giải trí ngoài trời với hy vọng có thể sống sót qua dịch bệnh.

Cowdrey cho rằng việc ngừng hoạt động cũng là cơ hội cho âm nhạc. “Tôi có cảm giác như âm nhạc vừa bị một cơn sóng thần quét qua. Tôi hy vọng khi trở lại, nó sẽ thể hiện đúng nguồn gốc thuần túy của mình”, anh nói.

 Nhiều tụ điểm vui chơi dự kiến sẽ biến mất trong thời gian sắp tới.

Nhiều tụ điểm vui chơi dự kiến sẽ biến mất trong thời gian sắp tới.

Thảo Ngân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-song-ve-dem-o-anh-dan-bien-mat-post1125092.html