Cuộc sống về đêm ở 'thành phố không ngủ' hậu phong tỏa: Ngay đêm đầu tiên đã không khẩu trang, chẳng giãn cách, nguy cơ bùng dịch tái diễn
'Cảm giác mọi thứ trở lại bình thường, nhưng thật ra là không' - trích lời Chris Johnson, quản lý quán High Cross Pub tại Tottenham.
Cách đây 1 tháng, khi người dân Anh Quốc được hỏi về việc họ mong chờ điều gì nhất nếu kết thúc phong tỏa, đa số đều trả lời rằng họ muốn gặp gỡ bạn bè và người thân. Còn những đêm "quẩy" tưng bừng ư? Rất ít người đề cập đến nó.
Đến khi dịch bệnh dần được kiểm soát, xã hội dần mở cửa, các lệnh hạn chế dần gỡ bỏ, người ta cũng quan tâm hơn đến các loại hình giải trí khác như nhà hàng, quán bar, quán pub. Khi đó, đã có rất nhiều lời đồn đoán về việc cuộc sống về đêm tại Anh sẽ diễn ra như thế nào.
"Có lẽ tất cả mọi người sẽ phải đeo khẩu trang, rồi có trạm đo nhiệt độ ngay lối vào," - Alex Black, quản lý của Thekla - quán bar có sức chứa lên tới 600 người ở Bristol. Cũng giống như mọi quán bar khác trong thành phố, Thekla gặp phải một vấn đề khó giải quyết: không gian bên trong bị giới hạn, có thể cực chật chội mỗi khi đông khách, và nó không phù hợp với thời điểm dịch bệnh đang căng thẳng.
"Chúng tôi thường có thể chứa khoảng 70 người tại đây," - Sean Hughes, chủ của quán bar nhỏ tên The Boot. "Nếu với luật giãn cách tối thiểu 2m, có lẽ chỉ khoảng 5 người được vào thôi."
Nhìn chung, các chủ quán bar, nhà hàng đã phải nghĩ đến phương án tận dụng không gian bên ngoài để đảm bảo duy trì giãn cách, dù không phải nơi nào cũng có khả năng làm được điều đó.
Rồi ngày 4/7 vừa qua, cuối cùng chính phủ Anh cũng cho phép các quán bar, nhà hàng, sàn nhảy được phép hoạt động. Và đây là những gì thực sự xảy ra khi đó!
Đêm "quẩy" đầu tiên sau 3 tháng: đơn giản là quá đông!
Sau 3 tháng, cuối cùng chính phủ Anh đã cho phép các loại hình giải trí nêu trên đi vào hoạt động. Ở thời điểm này, việc tụ tập quá 6 người vẫn bị cấm tại Anh, và tất cả được khuyên phải duy trì quy tắc giãn cách 2m để đảm bảo cơn khủng hoảng Covid-19 không trở lại.
Nhưng thực tế, hàng ngàn người London đêm đó đã tràn về quận Soho - khu ăn chơi nổi tiếng của người London. Họ tụ thành những nhóm lớn, cùng nhau uống bia, nhảy múa. Và (ngạc nhiên chưa) chẳng ai quan tâm đến lệnh giãn cách cả. Khẩu trang lại càng không.
Rafal Liszewski - một quản lý cửa hàng trong Soho đã phải cất lời lo ngại về tình trạng này. "Rất nhanh, mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát vào khoảng 8 - 9h tối. Nó trở thành một buổi tiệc ngay trên đường phố, khi mọi người cùng nhau nhảy múa, uống rượu bia," - anh cho biết. "Gần như chẳng có ai đeo khẩu trang, cũng chẳng có giãn cách nào hết... mà thực ra với số người lớn như vậy, giãn cách cũng là điều không thể."
Tuy nhiên theo sở cảnh sát London, đa số dân chúng vẫn hành động rất có trách nhiệm. "Phần đông công chúng vẫn tuân thủ yêu cầu giãn cách xã hội và tỏ ra cảnh giác. Ngoài một số khu vực trở nên đông đúc như Soho và đường Portobello, chúng tôi rất vui khi thấy không có sự việc nào nghiêm trọng xảy ra với thành phố này."
Câu chuyện tại thành phố Southampton lại diễn ra theo chiều hướng khác hẳn. Theo John Apter - Chủ tịch liên đoàn cảnh sát Anh Quốc, ông phải đối mặt với các hành vi "phản giãn cách" đồng thời cho biết "rõ ràng là những người tụ tập ăn uống say sưa không thể giãn cách được." Đồng thời, ông chia sẻ có nhiều cảnh sát đã bị tấn công.
Theo Euronews, một số quán bar, pub đã liên hệ và cho biết họ đang rất bận rộn vì mọi người kéo đến quá đông, nhằm ăn mừng "đại lễ tái mở cửa". Một số quán khác thì chia sẻ, họ dự định sẽ hoãn mở cửa đến sang tuần hoặc sang tháng, do lo ngại việc khách hàng đến quá đông sẽ gây nguy hiểm cho công nhân viên.
Như trường hợp của Ellie Grainger - quản lý quán pub The Lyric tại London, anh chia sẻ chỉ riêng việc quản lý xem có bao nhiêu người có thể vào toilet đã là rất khó khăn rồi.
Những quy tắc phải rất vất vả để tuân thủ
Được biết, chính phủ Anh cho phép các phương tiện giải trí tái hoạt động với nhiều quy tắc kèm theo. Một trong số đó là yêu cầu đặt bàn cách nhau ít nhất 1m, yêu cầu khách phải đeo khẩu trang, thường xuyên lau dọn quán và rửa tay sạch sẽ. Những ai đi bar, sàn nhảy cũng sẽ phải để lại thông tin liên lạc để phục vụ cho hệ thống lần vết của Dịch vụ y tế quốc gia. Trong trường hợp có người nhiễm, toàn bộ khách hàng hôm đó sẽ được liên lạc để theo dõi.
Grainger cho biết, quán của cô đã phải dành vài ngày để tập huấn cho nhân viên về các quy định này. "Hiện tại thì chưa quá đông, nhưng có thể sẽ đông hơn trong thời gian tới."
"Cảm giác mọi thứ trở lại bình thường, nhưng thật ra là không," - trích lời Chris Johnson, quản lý quán High Cross Pub tại Tottenham. "Tôi nghĩ mọi người đang cho thấy sự nhẹ nhõm, nhưng thực ra ai cũng lo lắng."
Johnson cũng chia sẻ rằng quán của anh đã phải dành ra 2 tuần để đảm bảo họ có thể vận hành trơn tru sau khi tái mở cửa. Tối hôm 4/7, hầu hết khách hàng tụ tập ngoài cửa, bên trong thì còn trống rất ít chỗ.
Trên thực tế, nhiều nhà hàng, quán bar chọn thời điểm tái mở cửa sau ngày 4/7 khá lâu. Như Young - một tập đoàn gồm hơn 200 quán pub và khách sạn trên toàn nước Anh dự tính sẽ tái hoạt động vào ngày 20/7.
"Chúng tôi hiện vẫn đang tiếp thu các quy định của chính phủ liên quan đến việc tái mở cửa các loại hình giải trí, và thực sự mong chờ ngày được chào đón khách hàng quay trở lại một cách có trách nhiệm," - công ty cho biết.
Nguy cơ tái dịch
Việc cho phép các phương tiện giải trí quay trở lại hoạt động là bước đi tất yếu, sau khi đất nước đã kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, nhà chức trách cho biết rủi ro vẫn tồn tại, nhất là khi mọi người đang lờ đi lệnh giãn cách cần có.
Ngay cả thủ tướng Anh Boris Johnson, dù khuyến khích mọi người đi giải trí nhưng vẫn cảnh báo cần phải tiếp tục duy trì giãn cách.
"Chúng tôi đã phải rất vất vả để cứu lấy nhiều sinh mệnh. Hãy tuân thủ quy định: giữ khoảng cách với mọi người, và rửa tay nhiều lần trong ngày."
Nhiều chuyên gia cũng có chung nhận định như vậy. Theo đó, việc bỏ qua quy định giãn cách trong các quán bar sẽ là một ngòi nổ dành cho đợt bùng dịch thứ 2.
Nguồn: Euro News, BBC