Đây là lần đầu tiên hai nước diễn tập không quân chung. Trung Quốc triển khai tiêm kích hạng nặng Su-27SK và bản “nhái” J-11A do nước này tự chế tạo. Điểm khác biệt duy nhất là J-11A có thêm kênh dẫn bắn tên lửa dùng đầu dò radar chủ động RVV-AE, trong khi Su-27SK chỉ sử dụng được tên lửa mang đầu dò radar bán chủ động R-27.
Phía Thái Lan sử dụng 12 tiêm kích hạng nhẹ JAS-39C/D Gripen tham gia diễn tập và đối đầu với các chiến đấu cơ Trung Quốc trong những màn không chiến giả định.
Không quân Trung Quốc áp đảo đối phương khi "bắn hạ" 25 chiếc Gripen và chỉ mất một tiêm kích Su-27SK trong hai ngày đầu diễn tập nội dung cận chiến Dogfights. Tuy nhiên, tình thế đảo ngược hoàn toàn trong 4 ngày còn lại của đợt diễn tập, khi chuyển sang nội dung tác chiến tầm xa BVR và bảo vệ mục tiêu cố định.
Báo cáo của phía Trung Quốc cho thấy tiêm kích nước này hạ 86% mục tiêu trong phạm vi dưới 30 km, 14% trong khoảng 30-50 km và không hạ được máy bay Thái Lan nào ở ngoài tầm 50 km. Trong khi đó, tỷ lệ diệt mục tiêu của phi đội Gripen Thái Lan lần lượt là 12%, 64% và 24%, giúp họ giành chiến thắng với tỷ số 41-9.
Theo đánh giá của các chuyên gia, phi công Trung Quốc có khả năng nhận thức tình huống kém. Họ quá tập trung vào phía trước, thay vì chú ý tới xung quanh. Khả năng điều phối giữa máy bay chịu trách nhiệm tấn công và phi cơ hộ tống chúng cũng rất kém.
Với những trận không chiến quy mô lớn, tiêm kích JAS-39 có thể dễ dàng hạ mục tiêu được chiến đấu cơ J-11A và Su-27SK Trung Quốc bảo vệ. Trong khi đó, máy bay Trung Quốc lại gặp nhiều khó khăn và gần như không thể xuyên thủng mạng lưới phòng thủ của phi đội Thái Lan.
Các chuyên gia cho rằng Su-27SK và J-11A nắm lợi thế cận chiến nhờ thiết kế khí động học tối ưu cho nhiệm vụ này và được trang bị hai động cơ phản lực AL-31F mạnh mẽ.
Chúng cũng được trang bị tên lửa đối không tầm ngắn R-73 với khả năng ngắm bắn theo hướng nhìn phi công, trong khi những chiếc JAS-39 chỉ mang tên lửa AIM-9L lạc hậu và chưa được biên chế dòng IRIS-T tối tân.
Dù áp đảo trong cận chiến, phi công Trung Quốc cũng nhận được rất nhiều bài học từ đối phương. Chiến thuật của họ bị đơn giản hóa và dễ dàng bị hóa giải khi tiêm kích Thái Lan lợi dụng mặt trời để che giấu tín hiệu hồng ngoại, các phi công Trung Quốc chiếm vị trí công kích có lợi thường vội vã tìm cách bắn hạ mục tiêu và rơi vào bẫy của đối phương.
Phía Trung Quốc thiếu kinh nghiệm trong các tình huống 2 đấu 2, phi công thường đánh giá sai mối đe dọa và không áp dụng đầy đủ biện pháp tránh tên lửa. Trong khi đó, phi công Thái Lan sử dụng triệt để mồi bẫy và biện pháp cơ động, giúp hạn chế nguy cơ bị bắn hạ.
Không quân Trung Quốc đạt kết quả tốt hơn trong những đợt diễn tập sau đó nhờ triển khai tiêm kích hạng nhẹ J-10A và J-10C thay cho phi đội J-11A. Các chuyên gia cho rằng J-10C có tính năng ngang ngửa JAS-39C/D nhờ radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), mang được tên lửa tầm xa PL-15 và nhỏ hơn đáng kể so với những chiếc J-11A.
Những thông tin được công bố về cuộc diễn tập là chưa từng có tiền lệ và đang được tình báo Mỹ đánh giá. Nó cũng cho thấy mối lo lắng của Bắc Kinh với các hạn chế trong quá trình đào tạo phi công chiến đấu của Trung Quốc.
Hiện nay, phi công Trung Quốc rất tích cực luyện tập giao lưu không chiến với không quân Pakistan hoặc Nga và các loại tiêm kích đời sau của nước này sản xuất hiện đại hơn nhiều như J-10, J-15, J-16...
Câu chuyện về những thất bại của Không quân Trung Quốc năm 2015 trước không quân Thái Lan ít nhiều đã giúp cho họ được những bài học bổ ích cho khả năng tác chiến trên công bao gồm các hạng mục không chiến gần xa, tấn công mặt đất hoặc phòng thủ điểm
Không quân Thái Lan hiện đang sở hữu 12 chiếc JAS-39 Gripen mua từ Thụy Điển (trong đó 01 chiếc bị tai nạn năm 2017). Những chiếc tiêm kích hạng nhẹ JAS-39 mua từ 2012 với tổng giá trị 1,3 tỉ USD. Mỗi chiếc Gripen C hay D (hai phi công) có giá khoảng 76,1 triệu USD. Nguồn ảnh: Foxt.
Thái Hòa