Cuộc thi 'Bắc Giang niềm tin và khát vọng': Trách nhiệm, tình cảm với quê hương
Sau 6 tháng phát động, cuộc thi 'Bắc Giang niềm tin và khát vọng' được lan tỏa mạnh mẽ trong các trường học, cơ sở giáo dục với sự hưởng ứng nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh.
Triển khai tích cực
Thực hiện công văn chỉ đạo của ngành và kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Dũng, Trường THPT Yên Dũng số 1 triển khai cuộc thi đến đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh toàn trường. Đồng chí Hà Văn Kiên, Chi ủy viên, Phó Hiệu trưởng chia sẻ: “Trường xác định đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, quan trọng nhằm giúp đội ngũ giáo viên và học sinh được nghiên cứu, tìm hiểu rõ hơn về quá trình phát triển của tỉnh, về những thành tựu KT-XH, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh”. Nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa, trường triển khai kế hoạch thực hiện theo 2 giai đoạn.

Cán bộ, giáo viên, học sinh Trường THPT Yên Dũng số 1 trao đổi, tìm kiếm tài liệu trên Internet phục vụ làm bài.
Giai đoạn 1 (từ tháng 8 đến ngày 15/11), tập trung tuyên truyền thể lệ; nghiên cứu, sưu tầm tài liệu phục vụ nội dung thi viết và sưu tầm, lựa chọn ảnh thể hiện những dấu ấn phát triển, sự đổi thay của quê hương. Giai đoạn 2 (từ ngày 15/11 đến ngày 25/12), trường chỉ đạo tập trung triển khai phần thi trắc nghiệm, thu bài viết và ảnh để tổng hợp, thẩm định, lựa chọn những hình ảnh, bài viết chất lượng gửi lên cấp trên. Tinh thần chỉ đạo của trường là 100% cán bộ, giáo viên có bài thi viết; 100% học sinh thi trắc nghiệm và khuyến khích có bài viết tham gia cuộc thi.
Thực hiện công văn chỉ đạo, đôn đốc của Sở Giáo dục và Đào tạo và các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp, phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã, TP đã triển khai cuộc thi hết sức tích cực, trách nhiệm. Tại huyện Lạng Giang, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện căn cứ tình hình thực tiễn phát động hưởng ứng cuộc thi bằng hình thức phù hợp tới cán bộ, giáo viên, người lao động các trường học. Giao chỉ tiêu bài thi chất lượng cho các trường THCS, tiểu học, mầm non, với tổng số hơn 1,1 nghìn bài (nội dung thi viết và ảnh). Huyện phấn đấu có 70% số cán bộ, giáo viên, học sinh có bài thi viết. Thời điểm này, nhiều trường học đã tiếp nhận bài dự thi. Nổi bật như Trường Mầm non Tân Thanh có 100% giáo viên đăng ký tham gia và cơ bản đã nộp bài thi đến nhà trường.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hiệp Hòa tham mưu với UBND huyện quán triệt toàn ngành tích cực hưởng ứng với mục tiêu 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tham gia. Mỗi nhà trường lựa chọn từ 1-2 bài tiêu biểu và toàn ngành sẽ chấm, chọn ra 20 bài chất lượng nhất gửi về Huyện ủy. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Nam chỉ đạo 100% trường học có phòng tin học tổ chức cho cán bộ, đảng viên, học sinh thực hiện phần thi trắc nghiệm trên mạng. Mỗi buổi học tin học, thể dục dành từ 10-15 phút tham gia.
Gửi khát vọng, tình cảm vào cuộc thi
Trường THPT Cẩm Lý (Lục Nam) có hơn 1,2 nghìn cán bộ, giáo viên. Ngay sau khi phát động, Chi ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã quán triệt sâu rộng về nội dung, mục đích, ý nghĩa của cuộc thi, yêu cầu 100% cán bộ, giáo viên, học sinh toàn trường hưởng ứng làm bài dự thi. Điều đáng mừng là thông qua việc tham gia cuộc thi, đội ngũ giáo viên, học sinh trong trường đã có những nhận thức mới, tích cực về trách nhiệm và tình cảm đối với quê hương. Em Đào Ngọc Quyên, học sinh lớp 10A5 tâm sự: “Khi tìm hiểu về cuộc thi, em nhận thấy đây là cơ hội tốt để mỗi học sinh biết thêm về lịch sử, truyền thống, văn hóa, từ đó tự nhủ bản thân phải luôn luôn nỗ lực, cố gắng học tập thật tốt để sau này cống hiến cho quê hương, đất nước”.
Thực tế, qua việc tham gia cuộc thi, tìm hiểu những nguồn tư liệu, tài liệu, hình ảnh phong phú, thể hiện dấu ấn, thành tựu phát triển KT-XH, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh, đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh đã có thêm kiến thức, thêm hiểu biết về quê hương Bắc Giang. Thông qua đó, xây dựng cho bản thân ý thức trách nhiệm trong việc phấn đấu lao động, học tập. Cô giáo Ngô Thị Tố Uyên (SN 1992), giảng dạy môn Toán, Trường THPT Yên Dũng số 1 cho biết: “Đang trong quá trình phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của Đảng nên việc tham gia cuộc thi với tôi vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm. Hiện tôi đã tổng hợp cơ bản xong tư liệu để thực hiện bài viết với mong muốn góp phần làm nên thành công của cuộc thi”.
Từng giành được nhiều giải thưởng ở các cuộc thi quốc gia như “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường”, “Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam”… nên ngay khi cuộc thi “Bắc Giang niềm tin và khát vọng” được triển khai, cô giáo Nguyễn Thị Chuyền, Trường THCS thị trấn Nhã Nam (Tân Yên) đã xác định rõ mục tiêu là thực hiện thật tốt và chất lượng bài thi của mình. Cô Chuyền thông tin: “Tôi đã hoàn thiện đề cương và sẽ thực hiện bài dự thi hoàn toàn bằng viết tay, dự kiến khoảng 100 trang. Vì là cuộc thi về tỉnh Bắc Giang, lại với chủ đề niềm tin và khát vọng, là người con Bắc Giang nên tôi sẽ đặt cảm xúc, tình cảm và niềm tự hào của mình vào bài viết”.
Cuộc thi "Bắc Giang niềm tin và khát vọng" đang được toàn Đảng bộ tỉnh tích cực triển khai thực hiện. Trong đó có sự hưởng ứng mạnh mẽ từ đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh các địa phương. Trách nhiệm và tình cảm trong mỗi bài thi của đội ngũ này sẽ góp phần làm nên thành công của cuộc thi.
Bài, ảnh: Quốc Trường