Sở GD&ĐT sắp xếp, điều động, biệt phái nhà giáo trong tỉnh có nhiều ưu điểm
Sở GD&ĐT thực hiện điều động, biệt phái nhà giáo trên toàn tỉnh sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục trong bối cảnh đổi mới tổ chức hành chính.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 1581/BGD&ĐT-GDPT gửi ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo đó, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh là sở giáo dục và đào tạo thực hiện tuyển dụng, sắp xếp, điều động, biệt phái, phát triển đội ngũ nhà giáo thống nhất trên toàn tỉnh. Việc này được lãnh đạo các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ủng hộ vì đảm bảo sự đồng bộ.
Khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trịnh Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nga An (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) nêu quan điểm: “Việc giao cho sở giáo dục và đào tạo thực hiện thống nhất công tác tuyển dụng, sắp xếp, điều động, biệt phái và phát triển đội ngũ nhà giáo trên phạm vi toàn tỉnh là một chủ trương hợp lý.
Cách làm này góp phần nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục, đặc biệt trong việc bố trí, điều phối và phát triển đội ngũ giáo viên một cách đồng bộ và thống nhất, qua đó đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của quá trình đổi mới giáo dục hiện nay”.

Cô Trịnh Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nga An (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: website nhà trường
Theo cô Oanh, hiện nay, ở một số địa phương có tình trạng thừa hoặc thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi hoặc các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Sở giáo dục và đào tạo sẽ có cái nhìn tổng quan về tình hình nhân sự tại các đơn vị, từ đó thực hiện việc sắp xếp, điều động và biệt phái giáo viên phù hợp. Điều này không chỉ giúp cân đối nguồn lực giáo viên mà còn đảm bảo chất lượng giảng dạy được duy trì đồng đều giữa các khu vực.
Bên cạnh đó, việc quản lý, sắp xếp nhà giáo được thực hiện thống nhất ở cấp tỉnh còn tạo điều kiện để xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên một cách bài bản và đồng bộ. Qua đó, nâng cao năng lực chuyên môn của giáo viên, góp phần cải thiện chất lượng dạy học trên toàn tỉnh.
Cùng bàn về vấn đề này, cô Trần Thị Xuân Thịnh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phương Đông (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: “Một trong những lợi ích lớn nhất khi sở giáo dục và đào tạo phụ trách tuyển dụng giáo viên trên toàn tỉnh là giảm thiểu tình trạng trùng lặp trong đăng ký dự tuyển.
Nếu sở giáo dục và đào tạo quản lý tuyển dụng tập trung, chỉ tiêu sẽ được phân bổ rõ ràng cho từng đơn vị, từ đó đảm bảo mỗi ứng viên chỉ đăng ký ở một nơi phù hợp với nhu cầu thực tế, hạn chế sự mất cân đối và lãng phí nguồn nhân lực. Đồng thời, quy trình tuyển dụng giáo viên được tối ưu hóa, đảm bảo sự công bằng và minh bạch, tránh tình trạng “chạy đua” giữa các đơn vị cấp dưới”.

Cô Trần Thị Xuân Thịnh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phương Đông (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: website nhà trường
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phương Đông cho biết thêm, nhà trường nằm ở khu vực tương đối thuận lợi tại huyện miền núi, việc tiếp nhận giáo viên điều động hoặc biệt phái từ các địa phương khác nhìn chung không gặp nhiều khó khăn. Đa số giáo viên tại trường là người địa phương, sinh sống trong xã hoặc các khu vực lân cận, nên việc phân công công tác thường diễn ra suôn sẻ.
“Tuy nhiên, nhà trường cũng đang phải đối mặt với một số thách thức liên quan đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Số lượng giáo viên ở một số môn học còn hạn chế, dẫn đến việc giáo viên được điều động, biệt phái dạy liên trường, liên cấp học. Điều này gây khó khăn trong việc sắp xếp thời khóa biểu và phân công nhiệm vụ, bởi giáo viên phải di chuyển giữa các trường, ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả giảng dạy.
Ngoài ra còn có thực trạng nhiều giáo viên mới có xu hướng chọn công tác tại các vùng cao để nhận được mức lương và phụ cấp cao hơn. Trong khi đó, nhà trường mặc dù ở khu vực thuận lợi, lại ít nhận được giáo viên điều động đến, ngoại trừ những giáo viên mới được phân công sau khi trúng tuyển.
Vì vậy, tôi kỳ vọng, trong thời gian tới, việc điều động, biệt phái giáo viên sẽ được thực hiện hợp lý hơn, cải thiện được vấn đề trên nhờ sự quản lý thống nhất trên toàn địa bàn tỉnh của sở giáo dục và đào tạo”, cô Thịnh bày tỏ.
Về công tác điều động, biệt phái nhà giáo, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phương Đông cho rằng, hiện nay, cơ quan chính quyền cấp huyện có lợi thế rõ rệt trong việc am hiểu thực tế địa phương. Nhờ vào sự gần gũi về mặt địa lý và thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với các trường, phòng giáo dục và đào tạo dễ dàng cập nhật thông tin, nắm bắt điều kiện cụ thể của từng khu vực, từ đó đưa ra các quyết định điều động, biệt phái phù hợp hơn với hoàn cảnh và nhu cầu thực tiễn của đội ngũ giáo viên.
Do đó, sở giáo dục và đào tạo quản lý ở quy mô toàn tỉnh, với phạm vi rộng và số lượng cơ sở giáo dục nhiều hơn, có thể dẫn tới một số khó khăn trong giai đoạn đầu triển khai.
Đồng quan điểm, cô Huỳnh Thị Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạc Tánh 1 (huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) nhận định, khi chuyển sang mô hình quản lý tập trung ở cấp tỉnh về sắp xếp nhà giáo, số lượng công việc của sở giáo dục và đào tạo sẽ nhiều hơn. Từ việc nắm bắt thông tin chi tiết về từng giáo viên, từng trường học, đến việc cân đối giữa nhu cầu chuyên môn và hoàn cảnh cá nhân, tất cả đều đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian, nhân lực và nguồn lực.
“Khi quy mô quản lý mở rộng, đặc biệt trong bối cảnh sáp nhập 2-3 tỉnh, thành phố thành một, việc nắm bắt đầy đủ thông tin để đưa ra các quyết định điều động hợp lý có thể là một thách thức lớn. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các quyết định này có thể dẫn đến những bất cập, ảnh hưởng đến cả giáo viên và chất lượng giáo dục”, cô Hà bày tỏ.

Cô Huỳnh Thị Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạc Tánh 1 (huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận). Ảnh: website nhà trường
Nên sáp nhập trường học theo cấp học để thuận tiện điều động, biệt phái nhà giáo
Theo lãnh đạo một số cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đánh giá, Công văn số 1581/BGD&ĐT-GDPT mang tính định hướng và chiến lược quan trọng, thể hiện nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tối ưu hóa quản lý giáo dục ở cấp địa phương. Nếu được triển khai đồng bộ và hiệu quả, sẽ góp phần xây dựng nền giáo dục công bằng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Để việc điều động, biệt phái giáo viên dưới sự quản lý chung của sở giáo dục và đào tạo địa phương được thực hiện hài hòa, đáp ứng yêu cầu điều tiết chung của ngành giáo dục đồng thời đảm bảo quyền lợi và sự ổn định tâm lý cho giáo viên, cô Trịnh Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nga An cho rằng cần có một số chính sách và điều kiện cụ thể như sau:
Thứ nhất, xây dựng quy trình điều động, biệt phái minh bạch và công bằng. Nên có tiêu chí rõ ràng về việc lựa chọn giáo viên để điều động, đồng thời tham khảo ý kiến từ các trường học về nhu cầu nhân sự trước khi thực hiện phân bổ. Điều này giúp đảm bảo giáo viên được điều động phù hợp với năng lực và nhu cầu thực tế của đơn vị tiếp nhận.
Thứ hai, trước khi thực hiện điều động, cơ quan quản lý cần tổ chức các buổi trao đổi để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, từ đó đưa ra các quyết định phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu chung vừa tôn trọng hoàn cảnh cá nhân của từng người.
Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ giáo viên trong quá trình chuyển công tác như trợ cấp di chuyển, hỗ trợ chỗ ở hoặc tạo điều kiện để giáo viên ổn định cuộc sống tại địa phương mới là rất cần thiết. Khi đó, giáo viên mới có thể an tâm công tác và giảm bớt áp lực do thay đổi môi trường làm việc.

Cần tham khảo ý kiến từ các trường học về nhu cầu nhân sự trước khi thực hiện phân bổ nhằm đảm bảo giáo viên được điều động phù hợp với năng lực và nhu cầu thực tế của đơn vị tiếp nhận. Ảnh: website Trường Mầm non Nga An.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phương Đông đề xuất: “Để thực hiện hiệu quả, hài hòa giữa yêu cầu chung của địa phương và quyền lợi của giáo viên, điều quan trọng nhất là ưu tiên nguyện vọng chính đáng của giáo viên.
Khi điều động, cần xem xét hoàn cảnh cá nhân của giáo viên, chẳng hạn như nơi ở, điều kiện gia đình, hoặc các yếu tố liên quan đến sức khỏe. Đồng thời, nên điều động, luân chuyển định kỳ, chẳng hạn sau 8-10 năm để tránh tình trạng giáo viên thiếu động lực làm việc do ở một nơi quá lâu, nhưng chỉ nên luân chuyển trong phạm vi gần để tránh gây xáo trộn lớn. Việc thay đổi môi trường làm việc sẽ giúp giáo viên đổi mới tư duy, tiếp cận những thách thức mới và nâng cao chất lượng giảng dạy.
Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các cấp trong bối cảnh một số địa phương đang sáp nhập đơn vị hành chính. Các cấp cơ sở hiểu rõ đặc thù địa bàn và nhu cầu thực tế, do đó, ý kiến của họ sẽ giúp các quyết định điều động trở nên sát thực và hiệu quả hơn.
“Trong trường hợp có kế hoạch sáp nhập trường học do sáp nhập đơn vị hành chính, theo tôi nên tổ chức sáp nhập theo cấp học, tức là tách biệt các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, thay vì sáp nhập liên cấp.
Điều này sẽ giúp việc phân công nhiệm vụ và quản lý giáo viên trở nên thuận lợi hơn. Ví dụ, tại trường chúng tôi, việc phân công giáo viên giảng dạy ở một số môn học còn gặp khó khăn do số lượng giáo viên hạn chế. Nếu sáp nhập các trường trung học cơ sở trong cùng một khu vực, việc bố trí giáo viên và thời khóa biểu sẽ dễ dàng hơn, đồng thời đảm bảo sự đồng bộ trong giảng dạy”, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phương Đông kiến nghị.