Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở Quân khu 9 : Khai thác đề tài mới, mang tính thời sự
Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ tư, năm 2024 được các đơn vị LLVT Quân khu 9 thực hiện theo nguyên tắc kết hợp giữa 'xây' và 'chống'; khẳng định những điều tốt đẹp, cách làm hiệu quả, dẹp những cái xấu, phản bác quan điểm sai trái, thù địch.
Qua 85 tác phẩm dự thi, các tác giả đã nghiên cứu, tìm hiểu, khai thác đề tài mới, mang tính thời sự, có dẫn chứng những cách làm cụ thể ở đơn vị, địa phương.
Không ngại khai thác đề tài nhạy cảm
Trước khi đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ ba (năm 2023-2024) do Báo Quân đội nhân dân, Hội Nhà báo Việt Nam và Ngân hàng TMCP Quân đội tổ chức, với tác phẩm “Đấu tranh hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng”, Thượng úy Nguyễn Hoài Thương, Trợ lý Tuyên huấn, Phòng Chính trị (Lữ đoàn 950) đã nghiên cứu, viết bài báo in có tiêu đề “Không thể xuyên tạc quyển sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Ban đầu, Thượng úy Nguyễn Hoài Thương dự định viết cảm nhận về quyển sách của Tổng Bí thư; tuy nhiên, sau khi cả nước nói chung, đơn vị nói riêng tổ chức quán triệt, học tập nội dung quyển sách và thấy các đối tượng phản động đăng tải trên mạng xã hội nhiều bài không đúng sự thật nên anh “dịch chuyển” theo hướng khác. Hoài Thương chia sẻ: “Khi tìm được đề tài, tôi xác định nội dung chính cần tập trung trong loạt bài 3 kỳ bảo đảm vừa chuyển tải đủ thông tin vừa không vi phạm quy định của Ban tổ chức. Tiếp đó, tôi tìm nhân vật, cách làm hiệu quả, phù hợp với nội dung các bài viết của đồng chí Tổng Bí thư. Từ lúc lên ý tưởng đến khi hoàn thiện bài viết gần 4.000 từ, tôi mất hơn hai tháng”.
Năm 2023, với tác phẩm “Trí tuệ nhân tạo-nguồn sức mạnh mới trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay”, Thượng úy Trần Đặng Ngọc Tiến, Trợ lý Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh An Giang đoạt giải ba cấp Quân khu. Phát huy thế mạnh đó, năm nay, anh Tiến viết về đề tài “Biết mình là ai trong kỷ nguyên AI”. “Khi viết bài, lúc đầu, tôi hơi lúng túng vì đây là chủ đề mới, nhạy cảm và ít người khai thác.
Vì vậy, tôi tranh thủ sự đóng góp từ đồng đội, bạn bè, gia đình khi đặt mình vào vị trí đó sẽ suy nghĩ như thế nào để thể hiện chân thật vấn đề phản ánh; đồng thời nghiên cứu thêm tài liệu, tiếp cận các ứng dụng trí tuệ nhân tạo như Chat GPT, Midjourney... Ngoài ra, tôi nhiều lần tiếp cận và chứng kiến các trường hợp bị ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe, tinh thần của một số bạn trẻ vì lạm dụng các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội... Tôi mất gần một tháng cho quá trình từ hình thành ý tưởng đến thu thập số liệu và hoàn thành bài dự thi”, anh Tiến cho biết.
Hai năm trước, Thượng úy Trần Minh Nhựt hai lần đoạt giải Nhất Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng do Sư đoàn 4 tổ chức ở thể loại tạp chí. Năm nay, anh Nhựt thử sức dự thi ở thể loại báo in với tác phẩm “Những thách thức đối với vấn đề an ninh nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhìn từ dự án kênh đào Funan Techo (Phù Nam)”.
Tác giả chia sẻ: “Hơn 4 năm công tác, tôi chứng kiến an ninh nguồn nước cũng như kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long trước tác động dòng chảy sông Mê Công của các quốc gia ở thượng nguồn; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Do vậy, tôi xác định đề tài, thể hiện báo in để bài viết vừa đủ dung lượng tiếp cận các khía cạnh của vấn đề, đồng thời lan tỏa rộng rãi đến nhiều thành phần, đối tượng trong xã hội. Tuy nhiên, tài liệu tham khảo khá ít, nội dung mang tính bao quát trên các lĩnh vực, mất nhiều thời gian nghiên cứu, tổng hợp nên sau hai tuần tôi mới hoàn thành”.
Cơ sở lý luận, thực tiễn thuyết phục
Năm 2023, lần đầu Thiếu tá Phan Hữu Tài, phóng viên Báo Quân khu 9 tham gia cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cấp Quân khu và đoạt giải nhì. Cũng ở thể loại tạp chí, năm nay, anh Tài dự thi tác phẩm “Đấu tranh với luận điệu: “Phân biệt đối xử với đồng bào dân tộc Khmer”. Anh Tài chia sẻ: “Qua nghiên cứu tài liệu cũng như quá trình tác nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, tôi thấy cuộc sống của bà con ngày càng được nâng cao, diện mạo làng quê nhiều đổi thay; đồng bào luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương và LLVT. Thế nhưng, các thế lực thù địch luôn rêu rao “Phân biệt đối xử với đồng bào dân tộc Khmer” khiến không ít người nhẹ dạ nghe theo xúi giục tụ tập, lôi kéo tuyên truyền, ảnh hưởng đến an ninh chính trị ở địa phương. Vì vậy, tôi chọn đề tài này nhằm đưa ra cơ sở lý luận, thực tiễn để chứng minh sự đúng đắn trong chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta”.
Xác định nội dung, anh Tài triển khai kết cấu bài viết kiểu “xương cá” gồm đặt vấn đề, từ khóa, cơ sở lý luận, thực tiễn và giải pháp. Tiếp đó, anh mất hai tuần sưu tầm tài liệu, chắt lọc... “Bên cạnh sắp xếp việc chuyên môn, tôi tranh thủ cập nhật văn bản mới nhất về chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta để luận giải, minh chứng bằng số liệu, văn bản chỉ đạo, sự việc cụ thể phản ánh sự quan tâm của hệ thống chính trị các cấp với đồng bào dân tộc Khmer; đồng thời, đưa ra ví dụ thực tiễn sinh động, phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trong và ngoài nước”, Thiếu tá Phan Hữu Tài cho biết thêm.
Với Thượng tá Trần Việt Khoa, Phó chính ủy Lữ đoàn Pháo Phòng không 226, chọn đề tài “Đoàn kết “xuôi chiều”-sự đối lập với đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh-căn nguyên của lợi ích nhóm”. Tuy đề tài này đã có một số tác giả đề cập ở phạm vi rộng nhưng trong khuôn khổ bài viết, anh Khoa chọn một khía cạnh để làm sâu sắc tinh thần đoàn kết, thông qua việc so sánh giữa đoàn kết “xuôi chiều” và đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh có những đối lập căn bản; đồng thời, nhấn mạnh đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh là sự đồng lòng, dân chủ và lợi ích chung tạo tính bền vững, phát triển lâu dài. Anh Khoa chia sẻ: “Trong bài viết này, cái khó là đặt tên hàm chứa nội dung, số lượng từ hạn chế, cách diễn đạt dễ hiểu, số liệu minh chứng tin cậy. Vì vậy, trên cơ sở ý tưởng, tôi xin ý kiến chuyên gia giải quyết linh hoạt, tranh thủ thời gian hoàn thành đúng thời gian quy định”.
Bên cạnh các tác giả có kinh nghiệm chọn đề tài, xác định thể loại, xử lý thông tin... năm nay xuất hiện nhiều cán bộ lần đầu tham gia thi có tác phẩm chất lượng cao, như: “Để “sóng” thông tin thông suốt” (báo in) của Thiếu tá Trần Huỳnh Chiến, Trợ lý Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Lữ đoàn Thông tin 29; “Ngoại giao “cây tre Việt Nam”-nền tảng tư tưởng đối ngoại của Đảng ta” (báo điện tử) của Thượng úy Trần Văn Thắng, Trợ lý Kế hoạch tổng hợp, Phòng Chính trị, Sư đoàn 8; “Nhận diện và phản bác luận điệu xuyên tạc: “Thời mạt pháp của Phật giáo ở Việt Nam” (tạp chí) của Trung úy Hồ Hữu Nghĩa, Trợ lý Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh...
Đại tá Nguyễn Thanh Trúc, Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 9 khẳng định: “Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của LLVT Quân khu 9 không chỉ là cơ hội bộc lộ khả năng hiểu biết mà còn thể hiện trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng; đồng thời, phát hiện, bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng và hình thành mạng lưới rộng khắp bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ”.
Từ 2.331 tác phẩm dự thi cấp cơ sở (1.322 báo in, 62 báo điện tử, 893 tạp chí, 35 video clip, 15 bài phát thanh và 4 phóng sự truyền hình), các đơn vị trong LLVT Quân khu 9 đã chọn 85 tác phẩm thi cấp Quân khu (39 báo in, 7 báo điện tử, 37 tạp chí và 2 video clip). Ban giám khảo chấm điểm độc lập và đề nghị Quân khu khen thưởng 2 giải nhất, 2 giải nhì, 4 giải ba và 7 giải khuyến khích; đồng thời, chọn 15 tác phẩm dự thi toàn quân.