Cuộc thi học đường: Bao giờ học sinh mới hết áp lực?
Trường học là nơi học tập, rèn luyện, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên hiện nay, vì chạy theo thành tích mà không ít nhà trường đang 'loạn' vì các cuộc thi, gây áp lực cho cả học sinh và giáo viên, ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Đáng nói, một số cuộc thi này dù 'đeo mác' là giao lưu, học hỏi nhưng lại là biến tướng của bệnh thành tích, chạy đua giải thưởng...
Đến giáo viên cũng thấy… ngán
Mỗi năm, bên cạnh 2 kỳ thi cuối kỳ, cuối cấp…, học sinh còn phải tham gia rất nhiều các cuộc thi phong trào khác như: Giao thông thông minh; Đi đường an toàn; Giao thông học đường; Ý tưởng trẻ thơ, sáng tạo… Những cuộc thi dù mang tính phong trào, nhưng lại được khá nhiều trường học coi trọng, lấy đó làm tiêu chí đánh giá danh hiệu, thành tích của nhà trường. Vì vậy, dù muốn hay không, học sinh lẫn giáo viên vẫn cứ “è cổ” ra tập luyện, ôn thi để tham dự các cuộc thi với kỳ vọng mang về giải thưởng cho nhà trường.
Một giáo viên THCS ở Hà Nội (xin giấu tên) tâm sự: “Công việc hàng ngày dạy học, chấm bài, soạn giáo án… đã rất mệt rồi, còn thỉnh thoảng phải “cõng” thêm việc tham gia cuộc thi mà nhà trường giao, dù cuộc thi là phong trào, khuyến khích học sinh tham gia và luôn nói là không bắt buộc nhưng thực tế là “giao khéo”. Trường kỳ vọng như vậy, không lẽ tham gia qua loa? Vì thế cũng mong có giải, ít nhất là giải phụ để không bị đem ra so sánh với lớp khác hoặc cuối năm lớp bị ảnh hưởng tới thi đua. Vậy là phải tự mầy mò, nhờ người quen đến kèm cặp, bồi dưỡng để học sinh tham gia cuộc thi có giải”.
Không chỉ giáo viên “than khổ”, nhiều phụ huynh và học sinh cũng ngán ngẩm vì phải tham gia nhiều cuộc thi, ảnh hưởng tới việc học. Thậm chí, mới đây vì lo cho con khi phải tham gia quá nhiều kỳ thi trên mạng Internet, kỳ thi được thiết kế như một game trực tuyến… một ông bố đã viết kiến nghị tới Bộ GD&ĐT xem xét lại các cuộc thi đang bùng nổ trên mạng Internet hiện nay. Chưa kể, hiện nay đa số các trường trong cả nước đều tổ chức cuộc thi trên mạng như: Violympic hay IOE, cuộc thi này ngày càng nhận nhiều phản đối của phụ huynh cho rằng việc tổ chức nhiều cuộc thi như vậy ít nhiều đã ảnh hưởng đến học sinh.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản gửi đến các Sở GD&ĐT yêu cầu rà soát lại toàn bộ các cuộc thi hiện đang tổ chức trong nhà trường, từ đó sẽ loại bỏ những cuộc thi không cần thiết. Không biết, Bộ GD&ĐT sẽ quyết liệt đến đâu, tuy nhiên nhiều học sinh và cả giáo viên đang mong muốn loại bỏ dần những cuộc thi không cần thiết trong nhà trường, những cuộc thi mang tính hình thức, chạy theo thành tích… để giáo viên chuyên tâm hơn trong công tác, học sinh cũng có thời gian để lĩnh hội kiến thức thực tế, hữu ích… không phải “gồng” mình chạy đua với các cuộc thi “ngoài luồng”.
Học sinh bị áp lực vì thành tích
Sau khi Bộ GD&ĐT có chỉ đạo, nhiều địa phương cũng đã siết chặt quản lý các cuộc thi học đường, trong đó chủ yếu định hướng các trường học chỉ khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi mà Bộ, Sở tổ chức. Cụ thể, Sở GD&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu đã vừa có văn bản về việc tổ chức các cuộc thi dành cho học sinh phổ thông từ năm học 2017-2018. Theo đó, Sở không tổ chức cấp tỉnh các cuộc thi sau: Cuộc thi Giải Toán và Vật lý qua Internet; Cuộc thi Olympic Tiếng Anh trên Internet; Cuộc thi Giải toán trên máy tính cầm tay; Cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn và Cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp.
Còn tại Hà Nội, nơi có nhiều cuộc thi dành cho học sinh cũng vừa có chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các trường THPT thông tin về các cuộc thi dành cho học sinh phổ thông từ năm học 2017-2018. Theo đó, từ năm học này trở đi, các Phòng GD&ĐT chỉ được phép tổ chức một số cuộc thi gắn liền với hoạt động dạy và học trong chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.
Phòng GD&ĐT không yêu cầu các trường tổ chức đội tuyển, không xét giải tập thể và không lấy thành tích cuộc thi để xét thi đua đối với đơn vị tham gia. Riêng đối với các cuộc thi: Giải toán và vật lý trên mạng, Tiếng Anh trên mạng, giải toán trên máy tính cầm tay, Sở yêu cầu các Phòng chủ trì tổ chức rà soát và đổi mới nội dung, hình thức thi gắn liền với đổi mới hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá của chương trình giáo dục phổ thông. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, Sở sẽ công bố công khai các cuộc thi dành cho học sinh được triển khai dành cho học sinh Hà Nội.
Dưới góc độ chuyên gia tâm lý, TS.Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, thời gian qua đã xuất hiện vô số cuộc thi, trò chơi trí tuệ khiến các cuộc thi học đường mang nặng yếu tố thành tích cho trường hay cho cá nhân. “Học sinh bây giờ cũng không còn hào hứng nữa, việc áp dụng cộng điểm, tuyển thẳng từ những cuộc thi mang tính phong trào, giao lưu đã tạo ra hệ lụy bởi nặng về thành thích, gây áp lực cho học sinh. Bố mẹ, thầy cô bắt học sinh chạy đua các cuộc thi là đều có lý do, nếu các trường vẫn coi những cuộc thi là một trong những tiêu chí để xét tuyển đầu cấp, thành tích trường, lớp thì học sinh sẽ vẫn phải chịu áp lực phải có giải”, TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ thêm.
Dù Bộ GD&ĐT đã đẩy mạnh quản lý, song năm học 2017 - 2018, Bộ cũng đã chủ trì tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các cuộc thi gồm: Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT, Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc (gồm các môn thể thao được dạy trong trường học, tổ chức 4 năm/lần), cuộc thi “Giao thông học đường”, cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”, cuộc thi “Viết thư quốc tế UPU”...