Giám sát công tác quản lý nhà nước lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại huyện Lương Sơn

Ngày 18/11, đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì buổi giám sát việc thực hiện một số nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trên địa bàn huyện Lương Sơn.

Ngày 18/11, đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì buổi giám sát việc thực hiện một số nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trên địa bàn huyện Lương Sơn.

Đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu kết luận của giám sát.

Đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu kết luận của giám sát.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra thực tế tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lương Sơn.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra thực tế tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lương Sơn.

Đoàn giám sát đã kiểm tra thực tế công tác giáo dục dạy nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lương Sơn; làm việc với UBND huyện về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD&ĐT.

Tại buổi làm việc, đoàn giám sát đã làm rõ 3 nội dung chính về: Công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; công tác giáo dục dạy nghề tại các cơ sở trên địa bàn huyện và việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 thuộc lĩnh vực GD&ĐT.

Năm học 2023 - 2024 huyện Lương Sơn có 70% học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT. Khoảng 5,2% thanh, thiếu niên trong độ tuổi THPT thôi học, trong đó tỷ lệ học sinh vào học trung cấp nghề thấp, chủ yếu học sinh sau tốt nghiệp THCS tham gia ngay vào thị trường lao động. Huyện triển khai 38 lớp học nghề cho hơn 1.000 học viên, song hiệu quả công tác dạy nghề còn thấp. Việc triển khai nghị quyết của HĐND tỉnh về mức thu, chi tài chính tại các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Về thực hiện Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông cho thấy, mặc dù công tác phân luồng học sinh sau THCS có chuyển biến tích cực, nhưng nhìn chung vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Phần lớn các địa phương đều có hơn 70% học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT, thậm chí hơn 80%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học sơ cấp và trung cấp nghề thấp. Còn tỷ lệ không nhỏ học sinh tốt nghiệp THCS tham gia luôn vào thị trường lao động mà không qua đào tạo, làm ảnh hưởng đến chất lượng và cơ cấu đào tạo của lực lượng lao động huyện Lương Sơn.

Huyện Lương Sơn đã nêu những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân như: thiếu giáo viên giảng dạy một số bộ môn văn hóa; trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy văn hóa thiếu, xuống cấp; trang thiết bị phục vụ học trung cấp nghề chỉ đảm bảo tối thiểu cho nghề đào tạo, không thể đầy đủ như khi học tại các trường trung cấp, cao đẳng...

Huyện đã kiến nghị với đoàn giám sát về việc bổ sung kịp thời đội ngũ giáo viên; tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất tại chỗ nhằm tăng quy mô tuyển sinh vào học lớp 10 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS…

Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị huyện Lương Sơn tập trung triển khai các giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế mà huyện có thể thực hiện được. Đoàn giám sát sẽ đề xuất HĐND tỉnh có chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ địa phương triển khai có hiệu quả, thực chất hơn công tác GD&ĐT trong thời gian tới...

Hồng Trung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/218/195606/giam-sat-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-linh-vuc-giao-duc-va-dao-taotai-huyen-luong-son.htm