Cuộc thi viết 'LÒNG TỐT QUANH TA': Miệt mài tìm giống mới, giúp nhau thoát nghèo

Ở miền Tây Nam Bộ, nông dân và sinh viên ngành nông nghiệp đều biết đến ông Nguyễn Anh Dũng như một nhà khoa học, một người thầy giáo không bục giảng

Chưa từng trải qua khóa học chính quy nào về lai tạo giống lúa, song ông Nguyễn Anh Dũng đã cho ra đời 8 giống lúa có ưu điểm vượt trội. Đặc biệt, ông Dũng không bán bản quyền tác giả cho doanh nghiệp mà tặng giống cho nông dân.

Thất bại vẫn không lùi bước

Về thăm HTX Giống nông nghiệp Định An ở xã Định An (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) nhiều người sẽ bất ngờ về những công nghệ hiện đại được áp dụng trong sản xuất lúa như máy bay phun thuốc trừ sâu, cảm biến báo rầy nâu, báo cạn nước hay nhà màng nuôi cấy giống lúa.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Dũng (55 tuổi), Giám đốc HTX, cho biết: Tại các nước phát triển, những ứng dụng công nghệ này đã được triển khai từ khá lâu, nông dân trồng lúa nhàn nhã với chiếc điện thoại thông minh.

Ông Nguyễn Anh Dũng hiện đã lai tạo ra 8 giống lúa có ưu điểm vượt trội

Ông Nguyễn Anh Dũng hiện đã lai tạo ra 8 giống lúa có ưu điểm vượt trội

Để có được thành công như hôm nay, bản thân ông Dũng đã trải qua không ít lần thất bại, nợ nần, song bằng bản lĩnh của một người lính Cụ Hồ, ông Dũng đã quyết chí vươn lên. Năm 2000, sau chục năm phục vụ trong quân đội, ông xuất ngũ trở về địa phương và được cha mẹ cho 6 công đất để trồng lúa.

Với những nỗ lực sáng tạo, ông Dũng vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2017, Huân chương Lao động hạng ba năm 2018, danh hiệu "Nhà khoa học của nhà nông".

Tuy con nhà nông nhưng lúc ấy kiến thức về trồng lúa của ông gần như không có, ông thấy những người nông dân cả đời bám mặt ngoài đồng cơ cực nhưng không thoát nổi cảnh nghèo, có người phải bỏ xứ mà đi. "Trên thị trường có hàng trăm giống lúa nhưng ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ dùng được chục giống mà giá bán thấp, tôi nghĩ phải có giống lúa mới cho giá trị thật cao để giúp đổi đời người nông dân quê mình" - ông Dũng bộc bạch.

Năm 2003, ông Dũng được đi học lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất giống lúa. Từ những kiến thức sơ bộ đó, ông Dũng bắt tay vào lai tạo giống. Năm 2008, ông cho ra đời giống lúa LD2008, tuy nhiên giống này chỉ tốt vụ đông xuân còn vụ hè thu không cho chất lượng tốt, gạo có màu đục nên không đưa vào sản xuất đại trà được.

"Gặp thất bại nhưng tôi không lùi bước. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tự học các ngoại ngữ trong hoàn cảnh rất khó khăn nhưng Bác đã thông thạo rất nhiều thứ tiếng. Nghĩ đến sự tự học của Bác, tôi cũng cố gắng đọc sách, tìm tòi tài liệu, hỏi ý kiến chuyên gia để nâng cao kiến thức và kiên định đi theo con đường lai tạo giống lúa" - ông Dũng chia sẻ.

Nâng tầm hạt ngọc Việt Nam

Năm 2012 đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp lai tạo giống lúa của ông Dũng khi ông lai thành công giống lúa LD2012, đây là giống lúa nền tảng để ông lai ra những giống lúa vượt trội sau này.

Doanh nghiệp Nhật Bản tham quan mô hình chuỗi liên kết lúa gạo tại HTX Giống nông nghiệp Định An

Doanh nghiệp Nhật Bản tham quan mô hình chuỗi liên kết lúa gạo tại HTX Giống nông nghiệp Định An

Để mở rộng sản xuất, ông Dũng đã tập hợp bà con nông dân thành lập HTX Định An. "Ban đầu HTX có 19 thành viên quy mô sản xuất 13 ha, vốn điều lệ khoảng 500 triệu đồng. Nay HTX đã có 27 thành viên với 110 ha, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến. Tôi còn đầu tư 2 tỉ đồng để xây dựng kho nguyên liệu, nhà sơ chế, phòng trưng bày..." - ông Dũng cho biết.

Năm 2020, giống Ngọc đỏ hương dứa được đưa vào sản xuất đại trà trên 1.000 ha, năng suất khoảng 6.000 tấn, sinh trưởng trong 90-95 ngày, lúa giống được ông Dũng tặng cho bà con canh tác. Ông bảo rằng doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của nông dân, họ trả cho tác giả 500 đồng/kg. Số tiền bản quyền tác giả một phần ông chia lại cho nông dân trực tiếp canh tác và người quản lý sản xuất giống, một phần xây dựng cơ sở vật chất nông nghiệp.

Thành công với Ngọc đỏ hương dứa, ông Dũng phát triển thêm các giống Huyền ngọc Định An, Sen Việt, Tím sen, OM384 mang đậm nét hương vị đất sen hồng Đồng Tháp... Đặc biệt, HTX của ông đã áp dụng mô hình cây lúa thông minh và sản xuất theo hướng hữu cơ. Ông Dũng còn thu mua lúa cho nông dân với giá cao hơn giá thị trường.

Anh Nguyễn Văn Nhiều, nông dân xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, cho biết: "Trước kia trồng giống lúa cũ chỉ thu được 900 kg/công đất, nay trồng giống của ông Dũng được 1,1 tấn/công đất, ông Dũng còn mua lại cao hơn 500 đồng/kg so với giá thị trường giúp kinh tế của nông dân chúng tôi đi lên, đời sống khấm khá hơn".

PGS-TS Huỳnh Quang Tín - Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ - nhận định: "Ông Dũng đã nghiên cứu ra nhiều giống lúa mới, trong đó giống Ngọc đỏ hương dứa là thành công nhất. Giống Ngọc đỏ hương dứa của ông Dũng có ưu thế vượt trội về hàm lượng dinh dưỡng. Đặc biệt hàm lượng chất sắt và canxi trên 1 kg trong gạo rất cao, nhai lâu có vị béo và thơm mùi lá dứa".

Người thầy không bục giảng

Bao lâu nay, HTX của ông Dũng không chỉ là nơi trồng lúa mà còn có riêng một trại thực nghiệm để đào tạo thực hành cho sinh viên, học viên trong ngành nông nghiệp đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng. Ông Dũng sẵn sàng dành mọi thời gian rảnh để chia sẻ kinh nghiệm với bất kỳ nông dân, sinh viên mọi nơi đến tìm hiểu về lai tạo, sản xuất, kinh doanh lúa.

Các doanh nghiệp, nông dân thường xuyên có mặt tại HTX của ông Nguyễn Anh Dũng để hợp tác làm ăn và trao đổi kinh nghiệm. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Các doanh nghiệp, nông dân thường xuyên có mặt tại HTX của ông Nguyễn Anh Dũng để hợp tác làm ăn và trao đổi kinh nghiệm. (Ảnh nhân vật cung cấp)

ThS Trịnh Xuân Việt, Trưởng Khoa Nông nghiệp - Thủy sản, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp, cho biết: "Anh Dũng rất giỏi về kỹ thuật và kinh nghiệm lai tạo, sản xuất lúa và đáp ứng được yêu cầu đào tạo của nhà trường. Đến đây, sinh viên không chỉ học được kiến thức mà còn học được ở anh đức tính cần cù, kiên nhẫn, sáng tạo của một nhà khoa học chân chính. Ở miền Tây Nam Bộ, nông dân và sinh viên ngành nông nghiệp đều biết đến anh Dũng như một nhà khoa học, một người thầy giáo không bục giảng".

Ông Trần Minh Phi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lấp Vò, cho biết: "Anh Dũng thường xuyên mở các lớp chia sẻ kinh nghiệm cho nông dân trong và ngoài tỉnh về lai tạo, sản xuất lúa, phát triển giống mới. Ở huyện Lấp Vò có nhiều mô hình bà con liên kết kinh tế hộ gia đình, ứng dụng khoa học kỹ thuật, từ đó đã có nhiều hộ nông dân giỏi và giàu".

Ngoài ra, ông Dũng còn xây dựng mô hình "Trải nghiệm nông dân" tại HTX để khách tham quan đến trải nghiệm trồng lúa, câu cá, xay gạo, bơi xuồng, nấu cơm... tận hưởng một ngày làm nông dân; còn khu thực nghiệm cho sinh viên ông miễn phí toàn bộ chi phí khiến các em sinh viên coi đây như mái trường thứ 2 của mình.

"Làm công việc nào cũng phải quyết tâm và nỗ lực thì mới hy vọng thành công. Bác Hồ từng dặn nông dân: "Trên mặt trận nông nghiệp, mỗi đồng bào nhà nông phải là một chiến sĩ xung phong", vì vậy mỗi nông dân chúng ta đều có thể góp sức cho nước nhà bằng chính công việc của mình" - ông Dũng tâm sự.

Dù nợ, vẫn không bán tác quyền

Để lai tạo thành công một giống lúa phải mất ít nhất 9 vụ tức là trong 3 năm. Từ lai ra thế hệ F1 đến F9, F10 đến bao giờ ra giống thuần chủng. Nếu lai không thành công coi như mất công không 3 năm ròng. Thật may, ông Dũng không phải trải qua nhiều lần như vậy, năm 2015, ông lai tạo thành công giống Ngọc đỏ hương dứa tạo được ấn tượng mạnh trên thị trường. "Đã có doanh nghiệp trả tôi 4 tỉ đồng để mua quyền tác giả giống Ngọc đỏ hương lúa nhưng tôi không bán. Năm 2017, tôi gặp thất bại nợ hơn 1 tỉ đồng nhưng cũng không nghĩ đến chuyện bán tác quyền mà cố gắng tìm lối đi khác để trả nợ" - ông Dũng tâm sự.

ĐÔNG LÂM

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuoc-thi-viet-long-tot-quanh-ta-miet-mai-tim-giong-moi-giup-nhau-thoat-ngheo-196240614214720936.htm