Cuộc thi viết 'Người thầy kính yêu': Người gieo ước mơ thay đổi cuộc đời

Cuộc sống hôm nay đã thay đổi rất nhiều nhưng với tôi, điều không thể thay đổi là niềm tin, lòng biết ơn và sự tử tế... Cảm ơn cô giáo chủ nhiệm ngày ấy đã giúp tôi vững bước đi đến ước mơ

Tôi sớm mồ côi mẹ. Bao nỗi đời khó nhọc dồn lên đôi vai cha nên cha tôi ngày một hao gầy. Tôi làm gì cũng nhớ về mẹ. Tập vá may, thêu thùa và tết tóc… chỉ một mình, có lúc tôi úp mặt lên gối khóc. Tuổi thơ tôi ít cười, học hành sa sút rồi thôi học sớm và không có nghề đàng hoàng.

Quyết tâm tìm lại con chữ

Năm 19 tuổi, tôi lấy chồng, 20 tuổi tôi đã là mẹ của một cặp song sinh. Hai con trai Hoài Bắc và Hoài Nam khôi ngô tuấn tú, càng lớn càng giống mẹ, cả dung diện và tính cách.

Khi các con học tiểu học, tôi còn kèm cặp được. Khi chúng lên cấp II, tôi không đủ kiến thức dạy con nữa. Tuổi dậy thì, con thay đổi tâm sinh lý nhiều, biết mặc cảm, tự ti với chúng bạn vì mẹ chỉ làm nội trợ và giúp việc nhà. Con ham chơi, xao nhãng việc học…, tôi khủng hoảng và chới với trong chuyện hình thành nhân cách cho con mình.

"Người xưa nói "con hư tại mẹ" lại vận vào hoàn cảnh của mình chăng? Lẽ nào mình không dạy được con" - tôi trăn trở. Rồi một ngày, trong bữa cơm, tôi buột miệng khích lệ: "Mẹ thấy hai con thông minh và nhanh nhạy, chỉ cần cố gắng một chút mọi thứ sẽ ổn. Mẹ có ý định này: Nếu hai con học giỏi, lên đại học thì nhất định mẹ cũng sẽ học lên đại học".

Và rồi, 3 mẹ con cùng siết chặt tay thực hiện lời hứa. Quyết đoán, tự tin để làm điểm tựa và động lực cho con chứ thật sự tôi chưa nghĩ ra cách nào để trở lại con đường sách vở, trong khi tuổi đã lớn, chuyện gia đình, áo cơm… cứ quẩn quanh. Tỉ như một ngày, tôi không đi làm thì chiều đó cả nhà không có cơm ăn, chuyện đói no bộn bề. Nhưng nếu tôi không đi học, không thực hiện lời hứa thì con sẽ mất niềm tin vào mẹ.

Cô Lê Thị Trúc (thứ tư từ trái sang) cùng đồng nghiệp trong ngày khai giảng tại Trung tâm GDTX quận Tân Phú (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Cô Lê Thị Trúc (thứ tư từ trái sang) cùng đồng nghiệp trong ngày khai giảng tại Trung tâm GDTX quận Tân Phú (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Đem âu lo của mình giãi bày với người bạn, tôi được mách hãy đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) quận Tân Phú, TP HCM thử xem. Những ngày đầu trở lại trường lớp vô cùng gian nan, tôi vừa lo lắng vừa xấu hổ vì đã lấy chồng có con rồi mới mon men đi học lại lớp 6 - ngang lớp với 2 con trai. Kiến thức phổ thông không còn nhớ được gì, tôi chọn lớp ban đêm dành cho những người lớn tuổi nên trong lớp có đủ thành phần, lứa tuổi. Chúng bạn lớ ngớ như tôi chiếm phần đông nhưng có chung ước mơ và chí hướng là quyết tâm tìm lại con chữ.

Mỗi người chọn cho riêng mình một con đường nhưng với tôi, việc trở lại trường lớp thật sự khó khăn. Chưa nói đến việc tiếp thu kiến thức, bài vở, vượt qua được mặc cảm và rũ bỏ tâm lý thất học là một kỳ công với tôi rồi.

Người gieo hy vọng

Trung tâm GDTX quận Tân Phú khi đó mới tách ra từ Trung GDTX quận Tân Bình, cơ sở vật chất còn thiếu thốn và tạm bợ. Bạn học ít gần gũi, ít thân thiện; cô giáo chủ nhiệm thì vẻ ngoài lạnh lùng và khó gần.

Học được vài tháng, tôi chán và lại thôi học. Nhưng để thực hiện lời hứa vào đại học cùng với con, tôi phải làm sao, bắt đầu từ đâu? Không làm được là thất hứa, sao dạy được con đây? Những câu hỏi không có lời đáp cứ xoắn vào tâm trí, truy vấn tôi cùng tận.

Hơn một tuần tôi nghỉ học thì cô Lê Thị Trúc (cô giáo chủ nhiệm - dạy văn - người ban đầu tôi cảm nhận là lạnh lùng, khó gần) gọi điện thoại hỏi lý do bỏ học. Cô bảo: "Con người có thể làm nhiều nghề để nuôi sống bản thân nhưng tri thức muốn có thì chỉ còn con đường duy nhất là học. Em dừng lại là không còn gì hết, mọi cánh cửa bước đến ước mơ của em sẽ đóng sầm. Ngày mai, em trở lại trường, phần còn lại cô lo".

Qua những lời gan ruột của cô Trúc, một đứa cứng đầu như tôi lòng chợt mềm nhũn, như gỡ được bao uẩn khúc, nước mắt chảy ra. Tôi không nói được gì, chỉ biết cảm ơn cô và hôm sau trở lại trường. Tôi được cô quan tâm và giải tỏa bao vướng bận trong lòng.

Mỗi ngày đến trường gặp cô, chia sẻ với cô về công việc, chuyện gia đình, chuyện học hành…, tôi cảm thấy yên tâm hơn và bắt đầu thích đi học. Cô dạy tôi phương pháp học, cách giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống, truyền thụ và khơi gợi cảm hứng trong học tập. Nhờ cô, từ một đứa ương bướng, chậm chạp như tôi, sau 2 năm đã xong chương trình THCS ngon lành. Chỉ là tốt nghiệp THCS thôi nhưng với tôi, đó là kỳ công, là nỗ lực mang tính bước ngoặt trong đời. Khỏi phải nói là tôi vui biết bao, bởi bước đầu tôi đã thực hiện được lời hứa với con.

Hơn hết, con đường thực hiện ước mơ của mẹ con tôi sáng dần. Lúc này, hai con tôi mới học hết lớp 7. Trong 2 năm tiếp theo, nhờ cô Trúc giúp đỡ, tại Trung tâm GDTX, tôi tốt nghiệp THPT hạng ưu (vì hệ GDTX ít môn phụ nên chúng tôi học 2 năm 3 lớp) rồi thi đậu vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM.

Thật lòng mà nói, nếu như không gặp được cô Trúc thì tôi đã buông xuôi và số phận có lẽ đã rẽ sang hướng khác. Cô đã thay đổi cuộc đời tôi và trao cho tôi chiếc chìa khóa mở cánh cửa để rẽ lối vào tương lai. Từ đây, mẹ con tôi miệt mài với sách vở. Lúc nghỉ ngơi, trong bữa ăn, chuyện trường lớp cứ huyên thuyên như 3 người bạn. Trước ngưỡng cửa giảng đường, lòng tôi khấp khởi và hạnh phúc vô cùng vì biết đây là con đường để mình viết tiếp ước mơ, là niềm tin và điểm tựa để con mình vững bước...

Đến được ước mơ

Qua những năm tháng bền bỉ đi tìm ước mơ, hành trang vào đời của 3 mẹ con tôi luôn có bóng dáng của cô Trúc. Giờ đây, tôi đã trở thành cô giáo và trong cuộc sống, lúc dạy học, tôi luôn truyền tải năng lượng tích cực, tình yêu trường lớp từ trải nghiệm của chính mình cho học trò mỗi ngày. Dù cuộc sống thay đổi thế nào thì mẹ con tôi luôn nhớ ơn cô, biết giữ mình, sống thẳng ngay và yêu người như cô đã từng...

Nguyễn Thị Lành (TP HCM)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuoc-thi-viet-nguoi-thay-kinh-yeu-nguoi-gieo-uoc-mo-thay-doi-cuoc-doi-196240609214224051.htm