Cuộc thi viết Người thầy kính yêu: Người thầy thắp sáng ước mơ

Trên đường đời, mỗi khi gặp những băn khoăn, trắc trở trong công việc và cuộc sống, tôi đều tìm đến thầy tâm sự, xin lời khuyên. Thầy cũng là ông ngoại kính yêu của tôi - nhà giáo Nguyễn Ngọc Cân

Hồi nhỏ, tôi mắc chứng sợ đọc, sợ viết. Vào lớp 1, tôi chậm tiếp thu bài học so với bạn bè đồng trang lứa. Vì vậy, tôi rất sợ việc phải đến trường và đâm ra tự ti, sống khép mình.

Những viên gạch vững vàng

Ông ngoại tôi đã tinh ý nhận ra nỗi buồn, nỗi sợ của đứa cháu nhỏ. Ông nói ba mẹ tôi đưa tôi về ở với ông bà để kèm cặp việc học hành.

Ngày tôi mang chiếc cặp to tướng trên vai, lẫm chẫm về nhà ông bà, ông cười hiền, dắt tôi đến góc học tập mới. Bộ bàn học nhỏ bóng loáng, còn thoảng mùi gỗ mới. Ông còn tỉ mỉ tự đóng một tấm bảng vuông vức, sơn màu xanh lá cây đóng trên bức tường đối diện.

Mỗi buổi chiều tối, tôi ngoan ngoãn ngồi vào góc học tập. Ông đứng nghiêm trang bên tấm bảng, cầm viên phấn dạy tôi tập đọc, tập viết. Mỗi khi bắt đầu học một chữ, một vần mới, tôi loay hoay, toát mồ hôi hột vẫn không thể viết thành chữ tròn vành, rõ nét như ý muốn. Những lúc đó, ông kiên nhẫn cầm tay tôi nắn nót từng nét. Khi tôi nhớ được mặt chữ, ông luôn xoa đầu khen ngợi.

Điều hay nhất về phương pháp dạy học của ông là không bao giờ trách mắng học trò; luôn tìm những phương pháp minh họa dễ hiểu, thực tế nhất. Chẳng hạn, khi dạy tôi làm phép trừ, ông lấy ngay ví dụ: "Cháu có 5 cái kẹo, bạn Bi hàng xóm không có kẹo ăn, cháu chia cho Bi 2 cái. Vậy cháu còn bao nhiêu kẹo?". "Tại sao cháu phải chia kẹo cho bạn Bi?" - tôi tròn mắt, hỏi lại ông. "Vì nhà Bi có nhiều anh em. Bi không có điều kiện để ăn quà vặt như các bạn nhỏ khác. Lần sau, cháu nhớ chia sẻ kẹo bánh cho bạn khi chơi cùng nhé!" - ông ân cần.

Nhà giáo Nguyễn Ngọc Cân cùng tác giả. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nhà giáo Nguyễn Ngọc Cân cùng tác giả. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Vậy là ông không chỉ dạy làm phép toán mà còn dạy tôi bài học về cách sống biết sẻ chia, quan tâm đến những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Những buổi học với ông luôn êm đềm như thế. Tôi chưa đọc được các mặt chữ và bị hoa mắt mỗi khi nhìn trang sách dày đặc chữ.

Chủ nhật cuối cùng hằng tháng, ông đạp xe chở tôi đi Nhà sách Giáo khoa - nhà sách lớn nhất của huyện tôi lúc đó. Tôi được lựa một vài cuốn sách, tranh truyện yêu thích. Tôi mê các truyện cổ tích "Cô tiên xanh", "Tấm lòng cao thượng" của NXB Kim Đồng vì vẽ hình rất đẹp, sinh động.

Mỗi tối, khi tôi học bài xong, ông cùng tôi đọc sách trước khi đi ngủ. Những đoạn văn, những từ ngữ tôi chưa đọc được, ông kiên nhẫn giải thích ý nghĩa cũng như dạy phát âm bằng được mới thôi. Sau này lớn khôn, tôi mới biết những cuốn tranh truyện đó được mua từ tiền lương hưu ít ỏi của ông nhằm khuyến khích tôi đọc sách, học chữ và quan trọng hơn là vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân.

Cuối năm lớp 2, tôi được nhận giấy khen và phần thưởng. Tôi hớn hở, vui mừng mang giấy khen chạy xuống hàng ghế phụ huynh khoe ngay với ông. Ông xoa đầu, khen tôi: "Cháu đã làm được rồi. Giỏi lắm!".

Suốt những tháng năm đầu đời, ông là người đưa đón tôi đi học mỗi ngày, là người đi họp phụ huynh và ông luôn mặc bộ đồ trang trọng nhất để tham dự lễ bế giảng của tôi. Vì thế, tôi luôn tự nhủ phải cố gắng học thật giỏi để cuối năm học được lên sân khấu nhận giấy khen, để ông ngồi bên dưới tự hào về đứa cháu nhỏ.

Chính cách dạy học bằng tinh thần trách nhiệm và tình thương của ông đã đặt những viên gạch đầu đời vững chãi, làm thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi về sau.

Thắp lên bao ước mơ đẹp

Ông tôi học xong bậc thành chung (lớp 9 ngày xưa) thì đi bộ đội. Trở về sau chiến tranh, ông tiếp tục đi học lấy bằng tú tài và trở thành thầy giáo dạy tiểu học ở phố huyện nghèo.

Khi về hưu, ông mở lớp dạy chữ miễn phí tại nhà cho đám trẻ ở làng chài ven sông, những đứa trẻ bán vé số, bán hàng rong… vào buổi tối và cuối tuần. Thậm chí, ông đến tận nhà để thuyết phục ba mẹ bọn trẻ cho chúng đi học.

Ông đi gom góp khắp xóm từng cái bàn, ghế cũ, cuốn sách, quyển vở viết dở còn xài được để bọn trẻ có phương tiện học tập. Mỗi khi học trò học hành tiến bộ, ông đều có những phần quà nhỏ để động viên tinh thần. Ông không ngừng khích lệ các em sau khi học chữ xong thì cố gắng học lên những bậc cao hơn để đổi đời. Biết bao ước mơ tươi đẹp đã nảy mầm và dần dần thành hiện thực từ lớp học vỡ lòng thuở ban đầu của ông.

Ông còn tham gia dạy lớp bình dân học vụ, xóa mù chữ cho những người lớn tuổi ở địa phương. Ông động viên mọi người cố gắng học lấy cái chữ dù ở độ tuổi nào. Có biết chữ mới đọc tin tức trên đài, trên báo để mở mang kiến thức, phục vụ cuộc sống của mình tốt hơn. Sống thiện lành, chân thành, có hiểu biết về nhiều lĩnh vực nên ông là nơi uy tín để họ hàng, chòm xóm đến nhờ tư vấn, tham khảo ý kiến mỗi khi cần làm giấy tờ hành chính hoặc những dự định quan trọng.

Ông còn là tấm gương của tinh thần tự học không ngừng nghỉ. Phòng khách đơn sơ, có phần tuềnh toàng của ông bà tôi chỉ nổi bật hai tủ sách có giá trị. Mỗi ngày, ông đều đọc báo để cập nhật tin tức. Dẫu tuổi đã cao, mắt đã mờ, ông vẫn dành thời gian đọc sách và giữ thói quen dùng bút chì ghi lại những điều hay ho rút ra được từ cuốn sách.

Chính sự mẫu mực và tinh thần ham học hỏi của một nhà giáo nơi ông đã góp phần nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo, nối nghiệp ông trong tôi từ nhỏ. Ngày nhìn thấy giấy báo đậu đại học sư phạm của tôi, lần đầu tiên tôi thấy ánh mắt ông rưng rưng xúc động, khác hẳn sự điềm tĩnh hằng ngày...

Ông tôi giờ đã ngoài 80 tuổi, đã già yếu nhiều, phải dùng kính lúp để đọc sách báo. Mỗi khi cảm thấy lạc lối, mệt mỏi, tôi lại trở về ngôi nhà gắn liền với tuổi ấu thơ. Hương hoàng lan thanh khiết tỏa từ đầu cổng. Sẽ luôn có bóng dáng quen thuộc của ông tôi đang ngồi mê mải đọc báo trên chiếc chõng tre ngoài sân mỗi sớm mai. Ông mãi là cây cao bóng cả che chở đời tôi.

Dạy học phải chạm đến trái tim

Khi mới ra trường đi dạy, nhiều lần tôi bất lực bật khóc khi chưa thể quản lý lớp học tốt, gặp những học sinh chưa ngoan, khó bảo, lười học.

Tôi nhớ mãi lời khuyên của ông lúc đó: "Trong từ dạy dỗ bao hàm hai ý nghĩa: dạy học và dỗ dành. Muốn dạy được học trò, cháu phải chạm đến trái tim chúng. Người giáo viên phải dùng tình thương, trách nhiệm để cảm hóa học trò; đừng nên sử dụng hình phạt, kỷ luật thép".

Tôi luôn xem đó là kim chỉ nam trong cuộc đời nhà giáo của mình.

Lê Y Pha (TP HCM)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuoc-thi-viet-nguoi-thay-kinh-yeu-nguoi-thay-thap-sang-uoc-mo-196240721204526032.htm