Cuộc thi viết 'Người Thầy kính yêu': Nhớ thầy Marian Tkachev

Họ và tên đầy đủ của ông là Marian Nikolaievich Tkachev (1933-2006). Lúc nào cũng thấy ông giữ dáng vẻ ung dung, hào hoa phong nhã, diện complet mũ phớt như một quý tộc Nga thế kỷ 19

Thầy Marian Tkachev là người hướng dẫn về dịch thuật cho nhóm học viên Việt Nam chúng tôi ở Trường Viết văn Gorki. Đã thành thông lệ, hằng năm cứ đến giao thừa Tết tây, tôi lại gọi điện "xông nhà", chúc Tết thầy. Giao thừa Tết ta, thể nào thầy cũng gọi điện chúc Tết cánh học trò chúng tôi. Có năm, chúng tôi mời thầy đến đón giao thừa tại ký túc xá cùng với cộng đồng người Việt. Có năm, lại mời thầy cô đón Tết tại nhà riêng của tôi.

Marian Tkachev và người em kết nghĩa Phạm Vĩnh Cư tại Moskva năm 1988. Ảnh: Châu Hồng Thủy

Marian Tkachev và người em kết nghĩa Phạm Vĩnh Cư tại Moskva năm 1988. Ảnh: Châu Hồng Thủy

Tết năm 1993, chúng tôi được đón giao thừa cùng cộng đồng người Việt ở ốp Saliut 2 vừa mới mở. "Ốp" là từ tiếng Nga mà người Việt nói tắt để gọi ký túc xá, thuê làm nơi để ở, vừa để làm thương xá buôn bán. Năm ấy, người Việt ở kín cả 6 tầng của ốp Saliut 2, đông đến hơn ngàn người. Chúng tôi sang ốp ăn Tết cùng với gia đình nhà thơ Nguyễn Đình Chiến. Cả mấy trăm gia đình cùng "nổi lửa", điện quá tải, tắt ngóm, phải thắp nến đón giao thừa. Căn phòng nhà Nguyễn Đình Chiến đông vui nhất tầng. Ngoài gia chủ và bạn bè người Việt, trong tiệc còn có hai vị khách quý: Nhà thơ Rober Vinonhen, Trưởng Khoa Dịch thuật Trường Viết văn Gorki và nhà văn Marian Tkachev - người suốt đời gắn bó với sự nghiệp dịch văn học Việt Nam, bạn thân của các nhà văn Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Văn Bổng và các họa sĩ Nguyễn Sáng, Phan Kế An… Đúng 8 giờ tối Moskva (giờ giao thừa ở Hà Nội), chúng tôi đốt pháo rồi bật champagne. Cả ốp lung linh hàng ngàn ánh nến huyền ảo, quyện với khói hương trầm nghi ngút. Sau ly champagne thứ nhất, Marian Tkachev là người đầu tiên rút tiền mừng tuổi cháu Kiên nhà anh Chiến. Nhiều người ngạc nhiên, sao ông Tây rành phong tục Việt Nam đến thế. Cánh chúng tôi, học trò của ông thì chẳng lạ, bởi biết ông đã hơn 30 lần có mặt tại Việt Nam, được Bác Hồ mời cơm và được Bác khen là giỏi khi dám chọn dịch "Vang bóng một thời" của Nguyễn Tuân, đã từng ăn Tết Hà Nội ở nhà cụ Nguyễn và khen: "Nước mắm cụ Nguyễn tặng rất ngon".

Năm 1950, khi vào học ngành Đông Phương học, Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov, Marian Tkachev và các bạn Nga học tiếng Việt trong hoàn cảnh không có giáo trình, không có từ điển. Kiến trúc sư người Việt tên là Dư đang công tác ở Moskva được trường mời đến dạy. Mỗi sinh viên được phát 1 bản photocopy từ điển Pháp - Việt để làm tài liệu học tập. Khó khăn thế, mà họ đều trở thành các nhà Việt Nam học nổi tiếng sau này.

Viết truyện ngắn, viết kịch bản phim cho thiếu nhi, được một số giải thưởng, mơ ước trở thành nhà văn trào phúng nổi tiếng, nhưng số phận lại đưa cuộc đời ông gắn với dịch thuật văn học Việt Nam. Tốt nghiệp năm 1954, ông được phân về Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Liên Xô. Vì yêu cầu công tác nên ông xin đến dạy tiếng Nga cho các học sinh Việt Nam ở Trường Thiếu nhi quốc tế, để qua các em bổ túc thêm tiếng Việt cho mình. Ở đây, Marian Tkachev gặp cậu bé Phạm Vĩnh Cư mới 12 tuổi, một trong 100 "hạt giống đỏ" đầu tiên được nhà nước Việt Nam cử sang Liên Xô học tập. Thấy cậu bé thông minh, lanh lợi dễ thương, Marian Tkachev nhận cậu làm em kết nghĩa. Lần đầu tiên, Phạm Vĩnh Cư biết đến Mozart, âm nhạc cổ điển và có được lòng say mê văn học Nga là do Marian Tkachev gợi mở, khơi nguồn và truyền lửa. Tình cờ thấy Phạm Vĩnh Cư có quyển "Dế mèn phiêu lưu ký", Marian Tkachev đọc thấy mê, liền đem dịch thử. Chỗ nào tiếng Việt chưa hiểu, anh lại nhờ Phạm Vĩnh Cư giải nghĩa. Năm 1959, "Dế mèn phiêu lưu ký" được in với số lượng rất lớn: 165.000 bản. "Dế mèn…" là cái duyên khiến ông và Tô Hoài trở thành đôi bạn thân thiết cho đến cuối đời. Tiếp đó, Marian Tkachev dịch "Ba truyện ngắn" của Tô Hoài, rồi "Miền Tây", "Tô Hoài tuyển tập"… Trong nhà Marian Tkachev còn giữ nhiều dấu tích của Tô Hoài: Thư từ thăm hỏi, thiệp chúc mừng sinh nhật và năm mới… Tôi nhớ nhất 2 bức ảnh đen trắng bày trong khung kính của tủ sách. Một bức chân dung Tô Hoài (hình như chụp lúc đứng trước gió) với những sợi tóc dài và thưa trên cái đầu hói, bay dựng ngược cả lên, miệng cười tươi. Bức thứ hai rất đẹp, chụp hai ông tại Câu lạc bộ Hội Nhà văn Liên Xô. Tô Hoài đội mũ lông, trông cao to hẳn lên so với thường ngày. Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Tô Hoài, tạp chí Người bạn đường chúng tôi đến mượn thầy bức ảnh này để in lại.

Tại Trường Viết văn Gorki năm 1994, từ phải sang: Marian Tkachev (thứ 2), dịch giả Thúy Toàn (thứ 3) và các học trò của ông. Ảnh: DƯƠNG MINH LONG

Tại Trường Viết văn Gorki năm 1994, từ phải sang: Marian Tkachev (thứ 2), dịch giả Thúy Toàn (thứ 3) và các học trò của ông. Ảnh: DƯƠNG MINH LONG

Với Marian Tkachev, nhìn cái gì, viết cái gì cũng nhuốm màu hài hước. Khi Tô Hoài viết thư sang, kể là vừa mới đi Trung Quốc về, ông cũng viết thư khoe với Tô Hoài: "Vợ chồng tôi cũng sắp sửa đi chơi nước Mỹ. Ừ, thì những người danh tiếng như chúng ta nhất định phải đi du lịch các cường quốc trên thế giới". Tôi được đọc hồi ký "Cát bụi chân ai" và "Chiều chiều" của Tô Hoài, do Marian Tkachev cho mượn lại. Trong hồi ký, Tô Hoài viết về Marian Tkachev nhiều trang đằm thắm và xúc động ngậm ngùi, gắn với những thăng trầm của Liên bang Xô viết. Ông gửi cuốn "Chiều chiều" cho bạn mình đầu xuân năm 2000, với một dòng đề tặng ngắn gọn mà tha thiết: "Gửi vợ chồng Marik vô vàn nhớ thương yêu quý không bờ bến".

Trong số các nhà văn Việt Nam, Nguyễn Tuân là người được ông say mê và ngưỡng mộ nhất. Giữa hai người hình thành một tình bạn vong niên sâu đậm và bền bỉ. Căn nhà của ông là một bảo tàng nhỏ về văn hóa Việt Nam, thì Nguyễn Tuân là một phần quan trọng trong bảo tàng ấy. Những tặng vật của cụ Nguyễn được Marian Tkachev bày trang trọng trong tủ sách có khung kính: Chai rượu mơ do Nguyễn Tuân tự ngâm có chữ ký của cụ tặng sinh nhật Marian, chiếc ấm pha trà độc ẩm, tấm ảnh Nguyễn Tuân cưỡi ngựa trong vai chánh tổng phim "Tắt đèn" và nhiều thứ khác… Mặc dù cụ Nguyễn đã mất lâu rồi nhưng không lần nào cụ vắng mặt trong câu chuyện của thầy trò chúng tôi. Tác phẩm của Nguyễn Tuân được Marian Tkachev dịch và in trên các tạp chí, rồi làm thành tuyển tập: "Giữa hai mùa xuân", "Tuyển tập Nguyễn Tuân" tập 1, tập 2. Tập nào cũng in với số lượng 50.000 bản. Sang Nga, bao giờ Nguyễn Tuân cũng đến nhà Marian ngủ lại. Vỏ chai rượu Cognac đủ 6 chữ ký của những người cùng uống trong cuộc vui đón Nguyễn Tuân được Marian bày trong tủ kính mấy chục năm rồi.

Giờ đây, thầy đã đi xa, chúng tôi không còn được nghe thầy kể chuyện về Việt Nam, không được đón thầy cùng ăn Tết như mọi lần. Nhớ tới sự nghiệp dịch thuật của ông, tôi ngồi nhẩm lại những tên sách mà ông đã dịch ra tiếng Nga: "Bỉ vỏ" (Nguyên Hồng), "Xung kích" và "Giấc mơ" (Nguyễn Đình Thi), "Những giọt bọt biển" (Thanh Tịnh), "Miền xa" (Văn Linh), "Trong sương mù Đà Lạt" (Nguyễn Văn Bổng)… Đáng nể hơn khi thấy ông dịch cả "Việt điện u linh", "Lĩnh Nam chích quái", "Quân trung từ mệnh tập", "Thánh Tông di thảo", "Vũ trung tùy bút", "Truyền kỳ mạn lục"... Dịch văn học hiện đại đã khó, dịch văn học cổ còn khó hơn gấp bội. Phải am hiểu sâu sắc tiếng Việt, lịch sử, văn hóa Việt và có bản lĩnh mới dám động đến văn học cổ Việt Nam. Marian Tkachev có công lớn cùng đội ngũ các nhà dịch thuật Nga xây dựng được bộ "Hợp tuyển văn học Việt Nam" 15 tập. Vì sự đóng góp to lớn cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc, ông là một trong 5 nhà văn Liên Xô được nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị đợt đầu tiên.

Chúng tôi tự hào đã được làm học trò thân thiết của thầy.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

CHÂU HỒNG THỦY

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuoc-thi-viet-nguoi-thay-kinh-yeu-nho-thay-marian-tkachev-196240119191917737.htm