Cuộc thi viết 'Người Thầy kính yêu': Thầy như viên pha lê sáng mãi

Đối với tôi, thầy có thể không cao về dáng vóc, nhưng tầm cao của thầy đến từ sức mạnh nghị lực phi thường và tâm huyết với nghề cũng như tình yêu thương với các lứa học sinh

Trong cuộc đời học tập của mình, tôi may mắn được theo học rất nhiều thầy cô giáo vừa giỏi về chuyên môn, vừa có tâm với nghề. Người thầy để lại trong lòng tôi sự cảm phục to lớn vì nghị lực vượt qua khó khăn để đến với nghề giáo viên và sự tâm huyết yêu nghề, yêu học trò là thầy Nguyễn Văn Hiếu, giáo viên bộ môn hóa học, hiện công tác tại Trường THPT Nguyễn Du (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội).

Xương thủy tinh mỏng manh

Năm 2011, tôi bắt đầu bước vào Trường THPT Nguyễn Du. Thầy được nhà trường phân công dạy lớp tôi môn hóa học. Ấn tượng đầu tiên là thầy có dáng người thấp nhỏ hơn bình thường, lúc đi thì đôi chân khập khiễng. Nhưng bù lại, tạo hóa cho thầy đôi mắt biết cười, hiền từ pha lẫn sự trẻ trung của lứa tuổi hai mươi lăm, hai mươi sáu.

Tôi nhanh chóng tìm hiểu lý do thì được biết thầy bị căn bệnh xương thủy tinh từ nhỏ nên không thể linh hoạt được như người bình thường. Có lẽ những người mắc căn bệnh quái ác này phải là những người cẩn thận nhất trên thế gian. Bởi vì chỉ cần một cái vấp ngã, hay một cái "đánh yêu" hơi quá lực của bạn bè trêu đùa nhau cũng có thể làm những chiếc xương mong manh kia bị gãy. Mà nhà thầy thì đâu có khá giả gì, nếu không muốn nói là khó khăn như bao gia đình ở quê lúc bấy giờ. Việc theo học phổ thông, rồi bước lên học đại học sư phạm là cả một nỗ lực lớn vượt qua những cơn đau và cả những khó khăn về kinh tế. Để rồi với bao nhiêu cố gắng, thầy tốt nghiệp và được phân công về gần nhà, công tác tại Trường THPT Nguyễn Du.

Thầy Nguyễn Văn Hiếu (hàng trước, thứ năm từ trái sang) cùng giáo viên và học sinh lớp 12A1. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Thầy Nguyễn Văn Hiếu (hàng trước, thứ năm từ trái sang) cùng giáo viên và học sinh lớp 12A1. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ngay từ những buổi học đầu tiên, thầy đã tạo cho lớp chúng tôi thiện cảm lớn bởi sự trẻ trung, hài hước, gần gũi như một người đàn anh đi trước. Lớp tôi là lớp tuyển chọn của trường, hội tụ những cá nhân có cái tôi riêng đầy cá tính. Nhưng tất cả đều bị thầy thuyết phục bằng sự dí dỏm, bằng phương pháp dạy "học mà chơi, chơi mà học" đầy thú vị, không nặng về hình thức.

Hồi cấp hai tôi học môn hóa học kém lắm, cứ bập bõm học vẹt cho qua môn. Hóa học đối với tôi mà nói là một môn học không có nhiều hứng thú so với các môn học khác. Ấy thế mà lên cấp ba, tôi đã được thầy rèn cho bản thân phải tập trung vào môn này mới thôi. Thầy thường xuyên bất ngờ gọi tôi lên bảng làm bài tập, đặc biệt là bài tập khó.

Từ đó tôi quyết tâm học đều hơn, để không phải ám ảnh với câu gọi "Lớp trưởng" nữa. Và tôi đã làm được. Tất nhiên tôi không thể trở nên yêu bộ môn hóa học, nhưng tôi trở thành một đứa học sinh đã có thể tự tin trong môn học này, biết cách học sao cho tốt.

Viên pha lê rực sáng

Rồi ngoài làm lớp trưởng, tôi còn được tin tưởng bầu vào Ban Chấp hành Đoàn trường, nơi thầy cũng là một thành viên. Công tác xã hội vốn là điểm yếu của tôi, vì bản tính từ nhỏ vốn trầm lặng. Thầy biết tính tôi, luôn động viên tôi thoát ra khỏi lớp vỏ bọc trầm lặng để trở nên hoạt bát, năng động hơn. Tiếc là lúc đó tôi không thể làm được. Nhưng sau này khi đi làm, công việc tiếp xúc với đại đa số quần chúng nhân dân, tôi mới hiểu giá trị của sự hòa đồng năng động quan trọng ra sao.

Trong những năm tháng dạy khóa của tôi, cuộc sống của thầy có những tiến triển không ngừng. Thầy giúp được gia đình xây ngôi nhà mới khang trang hơn, và thầy cũng có được cho mình một gia đình nhỏ ấm cúng. Đó là niềm vui to lớn không chỉ của riêng thầy và gia đình, mà còn là của cả tập thể giáo viên và học sinh trong trường. Những nỗ lực cống hiến của thầy đã có những trái ngọt đầu tiên.

Học hóa học, tôi biết thủy tinh và pha lê vốn là cùng bản chất. Nhưng cách thức người thợ trui rèn, thêm các thành phần để cho ra pha lê có thể tỏa sáng lấp lánh hơn thủy tinh nhiều lần khiến tôi liên tưởng đến thầy, người mà những tưởng mỏng manh dễ vỡ như thủy tinh nhưng trải qua nhiều cố gắng nỗ lực đã trở thành một viên pha lê tỏa sáng rực rỡ.

Trải qua ba năm dưới sự yêu thương và dìu dắt của các thầy cô Trường THPT Nguyễn Du, trong đó có thầy, tập thể lớp 12A1 chúng tôi cuối khóa học ấy đã đạt được nhiều thành tựu tuyệt vời không nhiều khóa làm được: Đạt những giải nhất nhì trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố; 100% các bạn đều đỗ đại học, trong đó có nhiều trường đại học danh tiếng.

Năm 2014, tôi tốt nghiệp phổ thông, thi đậu vào Học viện An ninh nhân dân. Rồi trải qua năm tháng trui rèn trong môi trường đại học, tôi ra trường đi làm. Từ đó đến nay cũng đã gần mười năm trôi qua. Nhịp sống trưởng thành với công việc bộn bề là quá vội vàng để tôi còn có thể dành thời gian thăm lại những người thầy cô từng dìu dắt mình. Những buổi họp lớp đi thăm thầy cô cứ thưa dần.

Đôi khi phóng chiếc xe máy trên cung đường đi làm, tôi chợt bắt gặp thầy đi qua ngược chiều. Quá nhanh để có thể dừng lại hỏi thăm thầy một câu, nhưng thoáng qua tôi đã thấy nét thời gian trên gương mặt thầy. Bây giờ, tôi đã ở độ tuổi của thầy lúc năm xưa, còn thầy đã gần vào độ trung niên. Nhưng có lẽ tôi vẫn sẽ nhớ một hình ảnh thầy trẻ trung, hay cười, hay trêu đùa chúng tôi. Hình ảnh ấy giờ vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với những thế hệ học sinh mới, cùng các em gieo hoài bão và gặt những ước mơ.

Xin cảm ơn thầy, viên pha lê mong manh nhưng tỏa sáng rực rỡ trong lòng mỗi học sinh chúng tôi!

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Nguyễn Đức Kiên (quận Hà Đông, TP Hà Nội)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/cuoc-thi-viet-nguoi-thay-kinh-yeu-thay-nhu-vien-pha-le-sang-mai-20230304213659661.htm