Cuộc thi viết NGƯỜI THẦY THUỐC TRONG TÔI: Chuyện 'bác sĩ khám dạo' ở xã đảo Thạnh An

Cùng trải qua những mùa nắng khô khát, những mùa mưa sóng gió, bác sĩ Luân Thanh Trường xem xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP HCM) như tổ ấm, người dân là người thân, chẳng nỡ rời

Gần 20 năm nay, người dân Thạnh An đã rất quen thuộc với hình ảnh bác sĩ Luân Thanh Trường (SN 1966) - Trưởng Trạm Y tế xã, cùng chiếc xe gắn máy đời cũ, có mặt hầu như khắp đảo, bất kể giờ giấc.

Kiên trì theo đuổi giấc mơ

Thạnh An là xã đảo duy nhất của huyện Cần Giờ, TP HCM. Từ trung tâm thành phố phải đi hơn 70 km đến thị trấn Cần Thạnh, rồi tiếp tục đi bằng ghe hay tàu nhỏ hết 45 phút nữa mới tới đảo. Thạnh An có 3 ấp; 2 ấp Thạnh Hòa và Thanh Bình cùng trên một đảo, riêng ấp Thiềng Liềng là một đảo nhỏ nằm tách biệt muốn sang phải đi đò.

Cả xã có 1 trạm y tế và 1 điểm khám chữa bệnh đông y phục vụ 1.200 hộ dân với khoảng 5.000 nhân khẩu. Ở đây, khi nói đến việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, người ta hay kể nhau câu chuyện về sự kiên trì, bền bỉ cùng cái tâm của người thầy thuốc Luân Thanh Trường.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, từ nhỏ, cậu bé Luân Thanh Trường đã mơ là bác sĩ. Nhưng thi đại học ba lần đều trượt. Không nản chí, Trường đăng ký nhập ngũ, là chiến sĩ thuộc Sư đoàn 9 - Quân khu 7 đóng tại Củ Chi (TP HCM). Sau 3 năm, anh xuất ngũ và tiếp tục đăng ký dự thi đại học và lại… trượt 2 lần nữa. Tới năm 1993, lần thi thứ 6, anh Trường đỗ liền 3 trường đại học và chọn theo học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ngoài khoản học bổng được cấp, suốt 6 năm trời, Trường làm bảo vệ ở một trường học để có thêm tiền ăn học.

Tốt nghiệp đại học, Luân Thanh Trường có thể chọn công tác tại bệnh viện ở trung tâm thành phố, nhưng anh lại quyết định chọn Cần Giờ - một huyện xa xôi nhất và rất nghèo, cả cơ sở hạ tầng lẫn hệ thống y tế dự phòng - khám chữa bệnh.

Hỏi tại sao lại chọn Cần Giờ, bác sĩ Trường chia sẻ: "Nếu theo phân công của Sở Y tế, tôi có thể được về một bệnh viện gần nhà. Nhưng vừa mới ra trường, biết chế độ nếu tình nguyện công tác ở vùng sâu vùng xa thì sau ít năm có thể được về bệnh viện hạng nhất, nghe cũng ham, nên tôi đăng ký công tác tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ. Năm 2004, tôi được chuyển về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ và năm 2005 tôi ra xã đảo Thạnh An làm việc".

Một thời gian dài gắn bó mảnh đất Cần Giờ, cùng chia sẻ với người dân những khó khăn thiếu thốn, cùng trải qua những mùa nắng khô khát bỏng rát, những mùa mưa sóng lừng gió lốc,… bác sĩ Trường dần không muốn xa miền đất duyên hải này. "Sau khi ra xã đảo Thạnh An phụ trách Trạm Y tế xã từ năm 2005, tôi cảm giác như chính mình được sinh ra ở đây, nơi này là tổ ấm, người dân là người thân" - bác sĩ Trường tâm sự.

Cũng nhờ cái tình với xã đảo nên bác sĩ Trường bén duyên với một cô gái của đảo ở tuổi 43. Và "tổ ấm xinh xinh" của anh bây giờ có thêm hai chồi xanh mạnh mẽ - 1 gái, 1 trai.

Với những người cao tuổi đi lại khó khăn, bác sĩ Luân Thanh Trường luôn đến tận nhà để thăm khám. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

"Bà đỡ" bất đắc dĩ

Khi về làm Trưởng Trạm Y tế xã đảo Thạnh An, chỉ "mình ên" là bác sĩ nên anh Trường phải đảm nhiệm đủ chuyên ngành từ nội khoa, ngoại khoa, nhi khoa, lão khoa đến sản khoa. Áp lực công việc khá nặng, nhiều ca bệnh bác sĩ Trường chưa từng được học trong trường, chưa từng thực nghiệm, nhưng cứ nghĩ bà con tin tưởng, giao tính mạng cho mình thì trong anh lại như có nguồn năng lượng kích hoạt. Bác sĩ Trường cứ vừa làm, vừa nghiên cứu vừa học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp rồi dần thành thạo.

Gần 20 năm gắn bó với Thạnh An, bác sĩ Trường không nhớ bao nhiêu lần đối diện tình huống "khẩn cấp". Vào một buổi tối cách đây 9 năm, bác sĩ Trường nhận được thông tin ở ấp Thiềng Liềng có cụ già 90 tuổi té gãy xương đùi. Anh tức tốc đến nơi, bà cụ nằm trên giường với bàn chân sưng to, mặt lộ rõ cơn đau. "Không thể nhấc bà khiêng qua băng ca nên bác sĩ Trường cắt tấm chiếu ra làm đôi, lấy vạt giường làm băng ca, đưa bà lên vỏ lãi, chở về Thạnh An khám và hồi sức, giảm đau. Bà lão sau đó được đưa lên huyện rồi lên tuyến trên để phẫu thuật.

Có lần, ngay thời điểm nữ hộ sinh của trạm y tế đi tập huấn thì có thai phụ vỡ ối, băng huyết. Bác sĩ Trường phải gọi điện "cầu viện" kinh nghiệm từ đồng nghiệp và tập trung xử lý các khâu, may mắn mẹ tròn con vuông. "Việc làm "bà đỡ" ở xã đảo này không phải hiếm những ca khó, trung bình mỗi năm có từ 5-10 ca, chắc tôi cũng "mát tay" nên mọi sự hanh thông" - bác sĩ Trường dí dỏm kể.

Không chỉ làm "bà đỡ", bác sĩ Trường còn kiêm luôn bác sĩ nha khoa. Khi đó, có một đoàn bác sĩ nha khoa đến xã đảo khám, điều trị cho người dân. Một bé gái 6 tuổi được nhổ răng hàm từ trưa nhưng đến chiều vẫn chưa hết chảy máu, người nhà vội chở đến trạm y tế. Đoàn từ thiện đã về, vậy là bác sĩ Trường lại xắn tay cầm kim khâu lợi. Vừa khâu vừa động viên cháu bé ngồi im không được cử động. "Tôi cũng run vì sợ bé giãy, lỡ tay kim khâu móc vào lưỡi, vì có chuyên môn nha khoa đâu" - bác sĩ Trường nhớ lại.

Bác sĩ Luân Thanh Trường luôn ý thức trau dồi kiến thức, nâng cao tay nghề để chăm sóc tốt cho sức khỏe nhân dân xã đảo Thạnh An. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Chữ tâm giản dị, trong sáng

"Việc vào đất liền chăm lo sức khỏe là điều xa xỉ đối với bà con nghèo. Vì vậy, anh chị em ở Trạm Y tế không chỉ làm hết chuyên môn mà còn làm hết tâm sức. Trước đây tôi khó khăn, nhờ tình thầy, nghĩa bạn mới có được ngày hôm nay. Nhưng tôi không có cơ hội gặp lại họ để đáp đền, nên mang ơn nghĩa đó trả cho bà con nghèo ở Thạnh An" - bác sĩ Trường nói một cách chân tình khi được hỏi vì sao anh dốc tâm, dốc sức, dốc cả tiền giúp cho bao người ở xã đảo.

Từ trẻ nhỏ đến người già của 3 ấp Thạnh Hòa, Thạnh Bình và Thiềng Liềng đều xem bác sĩ Trường như bác sĩ riêng của mình, gia đình nào trong xã cũng lưu số điện thoại và có thể gọi bất cứ khi nào. "Vì vậy tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu" - anh nói vui.

Thu nhập không cao, con còn nhỏ nhưng bác sĩ Trường vẫn dùng những đồng lương, phụ cấp của mình để giúp đỡ bệnh nhân nghèo, khó khăn; khám chữa bệnh nhiều khi không nhận tiền mà còn tặng luôn tiền thuốc. Có lần, bác sĩ Trường dành trọn 10 triệu đồng tiền thưởng của mình tặng anh Trần Văn Tèo đi mổ sắp lại xương cẳng chân. Từ lần đó, một số tiểu thương ở xã đảo đã lập ra một quỹ từ thiện để khi có ai thiếu thốn sẽ tặng họ giúp qua cơn ngặt nghèo.

Vì thương người dân ở ấp Thiềng Liềng phải khó khăn, vất vả, bác sĩ Trường thường xuyên tổ chức những chuyến tới đảo khám bệnh cho người dân ở đây.

Khi được hỏi có khi nào cảm thấy hối tiếc khi chọn ở lại xã đảo heo hút này, anh cười hiền trả lời: "Mấy năm đầu tôi cũng có chút băn khoăn về việc chuyển về nội thành để có cơ hội học tập, nâng cao tay nghề. Nhưng rồi, hằng ngày thấy người dân đảo quá vất vả, mỗi khi gặp các vấn đề sức khỏe đều trông cậy đặt hết niềm tin vào bác sĩ như một vị cứu tinh và hơn hết là tôi đã thấm cái tình của người dân xã đảo quá sâu đậm, không thể bỏ họ mà đi được. Tôi không hối tiếc với sự lựa chọn của mình" - bác sĩ Trường quả quyết.

Được "chắp thêm cánh"

Hiện Trạm Y tế xã Thạnh An đã được trang bị máy đo điện tim, máy siêu âm, máy huyết học, máy X-quang kỹ thuật số có tích hợp trí tuệ nhân tạo. Từ tháng 11-2023, ngành y tế TP HCM bắt đầu triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hội chẩn khám bệnh từ xa (tele-medicine) tại trạm để kết nối với những bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện tuyến cuối.

"Hiện đại hóa trạm y tế người được lợi nhất là bà con ở đây vì nhờ vào các thiết bị xét nghiệm hiện đại có thể chẩn đoán bệnh nhanh, chính xác; từ đó có hướng điều trị thích hợp, hạn chế chuyển tuyến. Riêng với tôi thì như được "chắp thêm cánh". Đây là cơ hội để tôi học cách sử dụng các máy móc hiện đại cũng như học thêm kiến thức chuyên môn từ đồng nghiệp thông qua các ca hội chẩn từ xa để nâng cao tay nghề" - bác sĩ Trường bày tỏ.

ĐẶNG DIỆU HÀ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuoc-thi-viet-nguoi-thay-thuoc-trong-toi-chuyen-bac-si-kham-dao-o-xa-dao-thanh-an-196240803210548794.htm