CUỘC THI VIẾT 'NGƯỜI THẦY THUỐC TRONG TÔI': Cứu người không chỉ là mệnh lệnh!

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Với bác sĩ quân y, cứu người không chỉ là mệnh lệnh mà còn là tâm huyết. Nụ cười của bệnh nhân là hạnh phúc của chúng tôi

Đến vùng đất Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, nhắc đến tên bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn ở Bệnh viện Quân y 211 (Quân đoàn 3) hẳn nhiều người biết, bởi "đôi bàn tay vàng" của ông cùng đồng nghiệp đã phẫu thuật nối ghép cho hàng trăm bệnh nhân khỏi bị tàn phế.

Phải biết nghe "tiếng đau" của người bệnh

Cách đây khoảng 10 năm, kỹ thuật vi phẫu thuật vẫn còn khá mới mẻ. Ở Tây Nguyên, số bệnh viện thực hiện được các ca vi phẫu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dù vậy, Bệnh viện Quân y 211 đã sớm tiếp cận và thực hiện thành công kỹ thuật này. Một trong những người tiên phong đưa kỹ thuật vi phẫu về bệnh viện là bác sĩ chuyên khoa II - thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Chấn thương Chỉnh hình.

Hai ca phẫu thuật vi phẫu đầu tiên Bệnh viện Quân y 211 thực hiện là vào năm 2014. Các bác sĩ đã nối ghép thành công bàn chân phải bị đứt lìa cho bệnh nhân Nguyễn Văn Quyết (SN 1987) và nối bàn tay trái cho bệnh nhân Nguyễn Văn Giang (SN 1995).

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn cùng đồng nghiệp phẫu thuật nối bàn chân đứt lìa cho bệnh nhân

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn cùng đồng nghiệp phẫu thuật nối bàn chân đứt lìa cho bệnh nhân

Thành công từ buổi ban đầu đó đã tiếp sức cho các y - bác sĩ Bệnh viện Quân y 211 cùng bác sĩ Tuấn nối tiếp những thành công về chuyên môn, trả lại những "con người lành lặn" và đem lại sự sống cho hàng trăm bệnh nhân.

Đại tá Trần Xuân Lợi, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 211, cho biết: “Mục tiêu xuyên suốt của chúng tôi là xây dựng đội ngũ thầy thuốc sáng về y đức, giỏi về y thuật, sâu về y lý”.

Vi phẫu là một trong những kỹ thuật khó của ngành y. Nếu như trước đây, bệnh nhân gặp các chấn thương phức tạp như đứt chi thể, chấn thương sọ não... phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trên để điều trị thì nay các bác sĩ Bệnh viện Quân y 211 hoàn toàn có thể xử lý được những tình huống này. Việc này không những tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, công sức mà quý báu hơn cả là họ đã giành lại được sự sống và cơ hội phục hồi tốt nhất cho bệnh nhân.

"Để có một bác sĩ giỏi trong vi phẫu đòi hỏi quá trình học tập, đào tạo nghiêm túc, công phu. Trong học tập và cả trong khám, điều trị bệnh phải biết lắng nghe để tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm từ thầy, từ đồng nghiệp tài năng đi trước. Và đặc biệt là phải biết nghe "tiếng đau" của người bệnh" - bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn nói.

Bác sĩ Tuấn cho biết ông luôn tự hào mình là bác sĩ, "bác sĩ bộ đội". Với ông, nhiệm vụ của một bác sĩ không chỉ là hết lòng chữa bệnh cứu người mà còn dồn tâm sức vào công tác hướng dẫn, kèm cặp cho những bác sĩ trẻ. "Tôi luôn nhắc nhở bản thân phải không ngừng hoàn thiện và bổ sung những kiến thức chuyên ngành mới để phục vụ cho công việc của mình" - bác sĩ Tuấn nói.

Xen kẽ giữa cuộc trò chuyện của chúng tôi là những cuộc điện thoại từ các bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân từng được bác sĩ Tuấn khám, chữa bệnh, mong muốn được ông tư vấn điều trị hoặc báo tin vui về sự tiến triển tốt của sức khỏe. Sau khi ân cần trả lời các cuộc gọi, bác sĩ Tuấn cho biết: "Theo tôi, thầy thuốc chân chính là người biết gieo hy vọng vào sự sống cho người khác".

Địa chỉ của niềm tin

Xác định con người và khoa học - công nghệ là yếu tố then chốt xây dựng thương hiệu, cùng với phương châm "Cứu người không chỉ là mệnh lệnh" nên số lượng người bệnh tin tưởng lựa chọn Bệnh viện Quân y 211 để khám, điều trị tăng cao đột biến, có ngày từ 700 đến 1.000 lượt người. Nhiều ca bệnh hiểm nghèo, phức tạp, khi nhập viện, bất kể ngày đêm, mưa nắng, vẫn được các bác sĩ cứu chữa thành công, giành lại sự sống khi cái chết chỉ còn trong gang tấc. Lực lượng y - bác sĩ của Bệnh viện Quân y 211 đã mang đến niềm tin cho nhiều bệnh nhân và thật sự trở thành địa chỉ tin cậy của quân và dân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và cả các nước bạn Lào, Campuchia.

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn (thứ 2 từ phải sang) thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn (thứ 2 từ phải sang) thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật

Ông Lê Đông Tư (56 tuổi; ở thôn Kơ Tu 1, Xã Đăk Blà, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đến Bệnh viện Quân y 211 cấp cứu trong tình trạng đứt lìa 1/3 cẳng chân trái do tai nạn lao động. Do vết thương hở, cẳng chân bị đứt gần như hoàn toàn, chỉ còn dính một ít vào da, xương lại bị dập nát nhiều mảnh, thời gian để lâu nên đã hoại tử. Nhiều ý kiến đề nghị phẫu thuật cắt bỏ bàn chân để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, qua hội chẩn, trước ý kiến phân tích cụ thể cùng với quyết tâm "còn nước còn tát" của bác sĩ Tuấn, Ban Giám đốc Bệnh viện Quân y 211 đã đồng ý và quyết định phẫu thuật vi phẫu nối ghép lại bàn chân cho người bệnh.

Kíp thực hiện phẫu thuật gồm 8 bác sĩ, kỹ thuật viên do bác sĩ Tuấn làm trưởng kíp. Sau gần 9 giờ nối kết xương; nối vi phẫu thần kinh, mạch máu; khâu phục hồi các cơ bị đứt..., ca phẫu thuật vi phẫu thành công.

Thời gian cứ trôi thật chậm trong sự mong ngóng, hồi hộp của gia đình bệnh nhân. Sau gần một ngày, lớp da chân đã hồng lên. Hai ngày, chân bệnh nhân đã biết nóng, đau. Rồi 3 ngày sau, các ngón chân đã bắt đầu nhúc nhích cử động nhẹ. Đến ngày thứ 15 thì ông Lê Đông Tư có thể ngồi dậy, đi lại trong niềm vui vỡ òa của gia đình và các y - bác sĩ.

Anh Lê Đôn Toàn (21 tuổi, con trai của ông Tư) cho biết khi cha anh bị tai nạn, bàn chân gần như đứt lìa, máu chảy rất nhiều, gia đình đưa đến bệnh viện của tỉnh Kon Tum cấp cứu. Sau khi băng bó và kiểm tra vết thương, các bác sĩ ở đây kết luận là phải cắt bỏ bàn chân.

"Cha còn trẻ, chẳng lẽ để cha bị tàn phế... Trong lúc đang lo lắng, hoang mang thì có người bạn mách Bệnh viện Quân y 211 đã cấp cứu và nối ghép thành công cho hàng trăm bệnh nhân bị đứt lìa tay, chân. Thế là tôi thuê xe đưa cha đến bệnh viện này. Như một phép mầu, khi niềm tin đã đặt đúng chỗ, cha tôi không bị tàn phế và đã lành lặn trở về" - anh Toàn xúc động kể.

Ông Hoàng Ngọc Hà (50 tuổi; ở Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) khi trèo lên mái nhà sửa lại tôn thì bị ngã xuống đất, hôn mê, bất động. Gia đình đã nhanh chóng đưa ông đến Bệnh viện Quân y 211 cấp cứu trong tình trạng chấn thương sọ não, chấn thương cột sống, gãy 11 xương sườn, chảy máu trong...

"Khi sắp cận kề cái chết, chồng tôi đã được các thầy thuốc của Bệnh viện Quân y 211 và bác sĩ Tuấn cứu sống. Lựa chọn Bệnh viện Quân y 211 để đưa chồng về đây cấp cứu là một quyết định đúng đắn. Ơn này gia đình tôi không bao giờ quên" - bà Dương Thị Ngọc Ánh, vợ ông Hà, bày tỏ.

Tinh thần quốc tế cao cả

Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai vào tháng 10-2023, Trung tướng Nhem Sokhan Thy, Cục trưởng Cục Quân y Quân đội Hoàng gia Campuchia, đã đến thăm Bệnh viện Quân y 211. Tại đây, ông gửi lời cảm ơn đến bệnh viện và bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn. "Nhờ có Bệnh viện Quân y 211 cấp cứu điều trị mà nhiều người dân Campuchia đã được cứu sống" - Trung tướng Nhem Sokhan Thy khẳng định.

Trước đó, một người dân ở tỉnh Ratanakiri - Campuchia là ông Long Banh Nha Rat (SN 1986) bị tai nạn lao động đứt lìa bàn chân trái, sau hơn 12 giờ mới được đưa đến Bệnh viện Quân y 211 cấp cứu. Thời gian dài, không được sơ cứu chu đáo, nên vết thương đã bị nhiễm trùng, hoại tử. Trên tinh thần quốc tế cao cả, Bệnh viện Quân y 211 và bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn đã tập trung cao độ vừa truyền máu vừa sàng lọc để loại các phần hoại tử, khâu nối lại mạch máu, các dây thần kinh, nối ghép phục hồi các cơ bị đứt cho bệnh nhân. Sau đó, bệnh viện còn hỗ trợ tiền nằm viện, điều trị cho ông Long Banh Nha Rat.

Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/cuoc-thi-viet-nguoi-thay-thuoc-trong-toi-cuu-nguoi-khong-chi-la-menh-lenh-20231117211715297.htm