Cuộc thi viết 'Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường' 2024: Lan tỏa những câu chuyện đẹp về tình thầy trò
Cuộc thi viết 'Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường' năm 2024 đã tạo sự kết nối tình cảm giữa thầy với trò, giữa nhà trường với học sinh ngày một bền chặt hơn.
Sáng 22/11, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024.
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi cho biết, cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức và phân công Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực thực hiện.
Cuộc thi được tổ chức nhằm ghi nhận, tôn vinh những thầy giáo, cô giáo có việc làm, thành tích tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục; ghi nhận và tôn vinh những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; lan tỏa những tình cảm tốt đẹp của học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh đối với thầy cô, mái trường.
Năm 2024, cuộc thi được phát động, nhận bài dự thi từ tháng 9/2024. Sau 2 tháng phát động, cuộc thi đã đón nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo tác giả trên cả nước và nhiều tác phẩm chất lượng. Ban Tổ chức đã nhận được hơn 85.000 bài dự thi. Với số lượng bài tham gia cho thấy cuộc thi đã có sức sống, lan tỏa mạnh mẽ trong các nhà trường. Đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo độc giả, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của cuộc thi.
Năm nay, chất lượng các bài dự thi có sự thay đổi rõ rệt. Nhiều bài viết rất tâm huyết, để lại cảm xúc sâu sắc. Có nhiều câu chuyện đẹp, xúc động về tình cảm yêu thương, trách nhiệm, sự kiên trì, tận tâm, thấu hiểu, ứng xử sư phạm khéo léo của người thầy với học trò; giúp học trò từ chán thành thích học, từ tự ti chuyển thành tự tin, từ người luôn nghĩ mình thất bại đã gặt hái được thành công…
Theo ông Triệu Ngọc Lâm, năm nay xuất hiện nhiều hơn các bài dự thi viết về tập thể. Đây vốn là chủ đề khó viết hay, nhưng các tác giả đã thành công với cách khai thác câu chuyện khéo léo trên nền chất liệu thực sự có chất lượng. Nội dung bài dự thi cũng gắn với những vấn đề thời sự, như biệt phái giáo viên, khó khăn do cơn bão Yagi…
"Hình ảnh thầy cô giáo được nhìn từ góc nhìn đa chiều, đa diện, song dù ở góc độ nào, các tác phẩm dự thi đều là những hình ảnh đẹp, độc đáo về các thầy, cô giáo. Nhiều học sinh đã trở thành thầy, cô giáo và hiện trực tiếp giảng dạy cộng hưởng từ chính thầy cô của mình", nhà báo Triệu Ngọc Lâm chia sẻ.
Chia sẻ tại lễ trao giải, bà Đặng Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Phó Trưởng ban Giám khảo Chung khảo cuộc thi cho hay, sau nhiều năm tổ chức, cuộc thi đã tạo sự lan tỏa và hiệu ứng tích cực trong các nhà trường nói riêng và xã hội nói chung.
Mỗi tác phẩm là một sắc thái tình cảm, một kỷ niệm sâu sắc, một dấu ấn cuộc đời của người học sinh gắn với những xúc cảm cao đẹp của tình thầy trò, khiến người đọc dường như được sống trong khoảng thời gian, không gian kỷ niệm của tác giả.
Theo bà Hoàng Anh, tất cả đã khắc họa nên bức tranh muôn màu sắc về những thầy cô giáo - tài năng, tâm huyết và hết lòng vì học trò, về mái trường thân yêu; những học sinh nỗ lực vượt qua khó khăn với sự dìu dắt của thầy cô, tình yêu thương của bạn bè để trưởng thành.
“Điều đó khiến Ban giám khảo thực sự khó khăn khi chọn lựa những bài đạt giải, đặc biệt là những bài đã vào vòng chung kết. Tất cả đều xứng đáng, nhưng những bài đạt giải cao, với chúng tôi, đó là những bài tạo cho người đọc cảm xúc chân thực nhất, đến một cách tự nhiên nhất”, bà Đặng Hoàng Anh chia sẻ.
Cũng theo bà Hoàng Anh, cuộc thi đã tạo sự kết nối tình cảm giữa thầy với trò, giữa nhà trường với học sinh ngày một bền chặt hơn; củng cố mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội cùng chung tay giáo dục các thế hệ tương lai.
“Tôi cho rằng, đây là cuộc thi có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, rất cần được phát huy và duy trì hàng năm. Đây cũng là cách để gìn giữ, phát huy truyền thống ‘tôn sư trọng đạo’ tốt đẹp của dân tộc ta”, bà Đặng Hoàng Anh chia sẻ.
Ban tổ chức cuộc thi đã trao 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 6 giải Ba và 10 giải Khuyến khích. Ngoài ra, có 4 giải Phụ, 2 giải nhân vật tiêu biểu và 2 tập thể có nhiều tác phẩm dự thi, đạt chất lượng tốt.
- Giải Nhất: Tác phẩm Phím đàn trầm của tác giả Võ Thị Bê, Giáo viên Trường THPT Vĩnh Định, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; tác phẩm Trầm tích phù sa của tác giả Nguyễn Bình An, Giáo viên Trường THPT Châu Phong, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang.
- Giải Nhì: Tác phẩm Thầy tôi tuy tật nhưng không tàn, tuy nghèo nhưng đầy thanh cao của tác giả Võ Thị Duyên, Giáo viên Trường mầm non thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị; tác phẩm Vườn ươm của tác giả Hà Thị Huyền, Giáo viên Trường THCS Hoàng Kim, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội; tác phẩm Số pi và cầu vồng của tác giả Đào Thị Nụ, UBND xã Song Mai, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên; tác phẩm Người đi gieo mầm trên đá của tác giả Già Thị Lan, Học sinh Lớp 9A2, Trường PTDTBT THCS Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.